Nhân dịp "đại dịch" hiện nay, tôi có dịp đọc lại cuốn "Lịch Sử Sống - Hồi kỳ của Hillary Clinton" (Living History - H. Clinton) với một chương có tên "Những tiếng nói sống còn" (trang 602) với những tên tuổi và những ước mong thay đổi thế giới từ những lãnh đạo nổi tiếng thế giới.
Cuốn Hồi ký này được dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2006.
Hơn 14 năm trôi qua kể từ khi "Những tiếng nói sống còn" của Hillary Clinton được chia sẻ, chúng ta đối mặt với thế giới "đại dịch", mà trước đó là đại khủng khoảng về kinh tế năm 2008 và kéo dài cho đến giờ, không rõ với "đại dịch" liệu những khủng hoảng nào sẽ tiếp diễn?
Hay thế giới và nhân loại, đặc biệt là giới lãnh đạo các quốc gia lớn học được gì từ quá khứ để lèo lái tương lai cho lợi ích của chung, thay vì so kè những "vĩ đại" của các dân tộc vĩ đại; của những quá khứ vĩ đại hàng nghìn năm; hay những chiến tranh lạnh rồi nóng rồi đến chiến tranh thương mại hay mô hình "kinh tế - chiến tranh" được chấm dứt?
Giá trị sống hiện nay là gì? (Ảnh minh hoạ: thptdonghoi.edu.vn) |
Dịp đại dịch này, những ai nhìn lại những giá trị thực tế của cuộc sống người dân một cách cẩn trọng?
Hay những khẩu hiệu, những kêu gọi, những quản trị của nhà nước đang mong hướng người dân tới một cách sống mới?
Cách ly mà tiếng Anh là "social distancing" có ý nghĩa gì với những người nông dân vẫn phải lo ngày mai ăn gì? Bán gì?
Hay "Bảo vệ bạn là bảo vệ cộng đồng", trong khi lại có dịp vinh danh những chỗ đã từng có "lịch sử" không mấy sạch sẽ trong hoạt động, nhưng nay có dịp đóng góp chút ít và nổi lên như một biểu tượng hỗ trợ nhân dân?
Không dám bình nhiều, do gia đình tôi có người ốm trong thời đại dịch, được trải nghiệm từ bệnh viện đến chợ và các dịch vụ trong thời kỳ này ở Hà Nội.
Tìm lại ý nghĩa, giá trị sống khi bên ngoài đảo lộn |
Được nhìn lại lịch sử gia đình và các mối quan hệ trong hơn 40 năm qua, chợt nhận ra những nền tảng và giá trị gốc cơ bản của mối quan hệ giữa con người với con người đều đang được thử thách trước "tiền";
Trước những lựa chọn hành xử; mà kỳ lạ thay, nói về tử tế và đạo đức thì dễ, nhưng để đối mặt với việc lựa chọn cách sống của con người tử tế, của gia đình tử tế, với sức ép về tiền bạc, về có kết nối với một thế giới mà trong đó đầy rẫy những ảo, giả và không có giá trị nhân văn nhiều, và để từ đó dần thay đổi thực trạng;
Hay đứng sang một bên để hiểu cho rõ điều gì đã và đang xảy ra, tại sao lại có thực trạng này;
Và để tìm được điều gì giúp xây dựng lại giá trị của tử tế và đạo đức, từ trong gia đình ra đến ngoài đường, của mỗi cá nhân trong gia đình, với tinh thần trách nhiệm và có hiểu biết?
Một thành viên gia đình ốm, cả nhà phải lo. Một người đã lao động hơn 50 năm, nay được hưởng theo chế độ bảo hiểm, nhưng với chế độ "tự chủ tài chính" của bệnh viện, buộc mọi người phải kinh doanh từ mọi góc độ.
Để hiểu cho những người làm ở bệnh viện thì gia đình phải biết "mua" thêm dịch vụ; phải chi tiền; mặc dù biết điều đó là vô lý!
Từ bệnh viện về đến gia đình, đó là tranh luận giữa điều đúng cần làm; hay điều phải làm để giúp "chi thêm tiền cho bệnh viện" và để cho người khỏe yên tâm, người ốm không bị phân biệt đối xử?
Điều hài hước nhất trong bối cảnh này là gia đình tôi đều là người có hiểu biết về y tế và hệ thống bảo hiểm; một gia đình có tri thức, nhưng buộc phải nhắm mắt làm ngơ trước những điều bất hợp lý của thực tế; và để giải quyết "hài hòa" quan hệ giữa các thành viên.
Từ những tiếng nói sống còn thời đại Clinton chuẩn bị cho một thế kỷ 21 ra sao thì tôi không rõ, nhưng ở gia đình tôi, tôi nhận ra được giá trị của hiểu biết, của tri thức buộc phải "nửa nhắm nửa mở" với những đổ vỡ có hệ thống trong quản trị xã hội, mà có lẽ nếu nói cho hay thì chúng ta vẫn ở thời kỳ "kim tiền" mà đâu đó có ví von.
"Tiền là tiên là phật, Là sức bật lò xo, Là thước đo lòng người, Là nụ cười tuổi trẻ, Là sức khỏe ông già, Là bước đà hy vọng, Là cái lọng che thân, Là cán cân của công lý".
Những người có tri thức, có hiểu biết còn phải buộc hành xử như vậy.
Những người ở những hoàn cảnh khó khăn, những người không có khả năng "mua thêm dịch vụ" để vui lòng những ai đó trong hệ thống dịch vụ "tự chủ tài chính", nhất là trong giáo dục và y tế, không hiểu còn ai sẽ có tiếng nói?