Theo kết quả kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) có nhiều khuyết điểm, vi phạm bao gồm thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.
Từ chính vi phạm trên nên tính đến hết ngày 31/12/2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).
Nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 73.472 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu lên đến 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC) tính đến cuối năm 2015.
Theo Kiểm toán Nhà nước trong năm 2015 tỷ lệ nợ xấu của Agribank lên đến 10,7% tổng dư nợ (tính cả nợ đã bán cho VAMC) - ảnh nguồn Agribank. |
Làm chỉ lo xử lý nợ xấu
Trước kết luận của Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động của Agribank đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, cho dù tỷ lệ nợ xấu hơn 10% bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC nhưng tóm lại tất cả khoản nợ xấu này vẫn là của Agribank và ngân hàng này phải lo xử lý trong những năm tới.
Phân tích rõ hơn, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết, VAMC khi mua nợ xấu của các ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng về bản chất là người giữ hộ nợ xấu.
Còn các ngân hàng mới là người phải đi xử lý nợ và phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đã bán đó.
Theo quy định sau 5 năm, khoản nợ xấu đó chưa được xử lý thì sẽ quay về ngân hàng và nhà băng phải trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC.
Tỷ lệ nợ xấu VAMC xử lý được chỉ mới đạt khoảng 10% đến 15% một năm, rõ ràng khả năng nợ xấu quay lại ngân hàng sau 5 năm bán cho VAMC là rất lớn. Và con số nợ xấu hơn 10% sẽ lại là nỗi ám ảnh của Agribank.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết, với tỷ lệ nợ xấu hơn 10% là mức cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Đối với nền kinh tế, phát triển tỷ lệ nợ xấu của một ngân hàng được coi là an toàn phải ở mức dưới 1%.
Với thị trường Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nợ xấu được cho phép ở mức dưới 3%.
“Như vậy những ngân hàng có số nợ xấu vượt trên mức 3% đều ở mức nguy hiểm”, Thạc sĩ Chiến cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng, với tỷ lệ nợ xấu hơn 10%: “Làm được bao nhiêu Agribank chỉ lo xử lý nợ” - ảnh Hoàng Lực. |
Thạc sĩ Chiến cho rằng, lo ngại lớn nhất của các ngân hàng có nợ xấu cao là ảnh hưởng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.
Với tỷ lệ nợ xấu hơn 10%, tất cả lợi nhuận hàng năm Agribank phải xem xét dùng để xử lý nợ xấu.
Trong trường hợp lãi không đủ ngân hàng buộc phải lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu, đây điều rất nguy hiểm.
“Với ngân hàng cổ phần thương mại, nếu phải dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Theo đó phần lợi tức mà đáng ra cổ đông được hưởng từ kết quả kinh doanh thì nay phải chuyển vào để xử lý nợ xấu.
Trong khi Agribank là một ngân hàng 100% vốn nhà nước cũng như doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ thì không những không đóng góp được cho ngân sách nhà nước mà còn gây thiệt hại", Thạc sĩ Chiến cho biết.
Phải định hướng lại Agribank
Từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Agribank là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề.
Cụ thể, nhất là việc Agribank hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng và cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng.
Từ khuyết điểm, vi phạm của Agribank được Kiểm toán Nhà nước đưa ra, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng, có hai vấn đề chính cần giải quyết tại Agribank.
Thứ nhất, định hướng lại con đường phát triển của Agribank, đặt lại vấn đề chức năng của Agribank.
Liệu rằng Agribank nên hoạt động như ngân hàng thương mại hay hoạt động như ngân hàng chính sách.
Thạc sĩ Chiến chỉ rõ, Agribank là ngân hàng gắn bó mật thiết với khoản vay phát triển kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp.
Đối tượng cho vay chủ yếu là nông dân, ngư dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó có nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, thời gian vay…
Cán bộ tham ô, chiếm dụng tài sản, lãnh đạo Agribank phải chịu trách nhiệm |
“Con số hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng của Agribank chủ yếu xuất phát từ việc xét duyệt đối tượng hưởng lãi suất ưu đãi sai quy định.
Việc xét duyệt sai quy định chủ yếu đến từ việc lợi dụng chính sách ưu đãi tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn. Để tránh tình trạng này phải xem xét lại chức năng của Agribank”, Thạc sĩ Chiến nêu quan điểm.
Thạc sĩ Chiến cho rằng, nếu Agribank định hướng là ngân hàng thương mại thì phải thực hiện mọi chế độ từ kế toán, chính sách tín dụng và cho vay.
Hoạt động dựa trên tiêu chí lợi nhuận, tiêu chí hoạt động của ngân hàng thương mại là kinh doanh.
Ngược lại, nếu Agribank hoạt động như ngân hàng chính sách, lúc đó nhiệm vụ chính của Agribank không phải kinh doanh mà thực hiện các chương trình dự án dựa vào vốn từ ngân sách.
Đến thời điểm này Agribank vẫn nhập nhằng giữa hai mô hình hoạt động: Ngân hàng thương mại kinh doanh và ngân hàng chính sách. Đây chính là lỗ hổng để những cá nhân trong Agribank gây lũng đoạn.
Thứ hai, nâng cao quản lý rủi ro. Ông Chiến cho rằng, số tiền thất thoát mà cán bộ Agribank tham ô, chiếm dụng đặt ra vấn đề quản lý rủi ro, cụ thể hơn là quản lý con người.
Quản lý con người phải bắt đầu từ việc lựa chọn cán bộ, nhân sự của Agribank. Năm 2015, dư luận xã hội từng xôn xao trước việc Agribank đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự trong đó có khoản ưu tiên điểm cộng cho con em cán bộ.
Cụ thể, con dâu, con rể, con nuôi, con đẻ của cán bộ Agribank sẽ được cộng 30 điểm (trên thang điểm 100).
Dù sau đó, Agribank buộc phải hủy kế hoạch khi báo chí và dư luận lên tiếng nhưng có thể thấy chính sách tuyển dụng này vốn đã tồn tại trong Agribank.
Đến thời điểm này chưa có cơ quan nào thống kê xem số cán bộ tại Agribank là con em, cháu, họ hàng xa của cán bộ lâu năm Agribank là bao nhiêu nhưng rõ ràng sai phạm cán bộ Agribank có nguyên nhân từ tuyển dụng, lựa chọn cán bộ dựa vào sự thân quen.
Để giải quyết tình trạng này, ông Chiến cho rằng phải chấm dứt việc lựa chọn nhân sự dựa vào thân quen.
Thi tuyển cán bộ công khai và có cơ chế giám sát, quản lý cán bộ đặc biệt tại các chi nhánh nhỏ ở quận, huyện tránh việc lạm dụng chiếm đoạt, tham ô tài sản.