Trao đổi trong khuôn khổ chương trình nhận diện hàng Việt ngày 23/9, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.
Trước ý kiến trên khi phân tích về trường hợp của Samsung sản xuất tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều được coi là hàng Việt Nam.
Không thể nói Samsung là hàng Việt Nam khi chúng ta chỉ gia công lắp ráp (ảnh minh họa) |
Theo Vụ thị trường, Samsung hay bất luận doanh nghiệp FDI nào, hợp tác xã hay công ty Trách nhiệm hữu hạn được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì là hàng Việt Nam.
Vấn đề Samsung hay sản phẩm của doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam có được coi là hàng Việt Nam hay không có lẽ sẽ không thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nếu như chúng ta đã và đang thực hiện tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Khái niệm thế nào là hàng Việt Nam nếu không đúng dễ dẫn đến việc cổ vũ cho người tiêu dùng mua, sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài.
Đặt giả thiết, hai hàng hóa cùng chủng loại, mẫu mã của một doanh nghiệp Việt và một doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam, nếu thực hiện tuyên truyền cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì đâu sẽ là sản phẩm được coi là hàng Việt Nam?
Cũng cần phải nói rằng, nếu để so sánh một sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với sản phẩm tương tự của doanh nghiệp FDI thì sản phẩm doanh nghiệp Việt dễ thua thiệt về mẫu mã và giá cả.
Hiểu không đúng, không rõ dễ dẫn đến việc tuyên truyền sai hàng Việt Nam, vô tình làm khó doanh nghiệp trong nước đặc biệt trước thềm mở cửa hội nhập TTP, FTA và hình thành khối thị trường chung Asean.
Đặt câu hỏi thế nào là hàng Việt Nam? TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế cho rằng: "Đây là khái niệm mềm, không cứng nhắc và có thể thay đổi".
TS Phong cho rằng, về nguyên tắc hàng hóa sản xuất ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam đều hàng Việt Nam, nhưng trong hội nhập có một nghĩa nữa là "hàng Việt Nam nội khối".
"Hàng Việt Nam không phải để chỉ thương hiệu mà chỉ nói lên xuất xứ sản phẩm. Dù sản phẩm gì, của ai nhưng sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau", ông Phong nêu quan điểm.
Riêng với trường hợp của Samsung, TS Nguyên Minh Phong nêu quan điểm: "Samsung chỉ là hàng sản xuất ở Việt Nam, không thể là hàng Việt Nam vì chúng ta không có phụ trợ vào đó, mình hầu như chỉ lắp ráp vì thế không thể coi đó là hàng Việt Nam được".
Đồng quan điểm trên, theo PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế, câu hỏi thế nào là hàng Việt Nam xuất phát từ việc chưa có một định nghĩa rõ ràng cụ thể về hàng Việt Nam. Nói cách khác chúng ta chưa có chuẩn mực về hàng Việt Nam.
"Tuy nhiên, nếu nhìn trên khía cạnh xuất khẩu chúng ta sẽ thấy rõ theo thông lệ các nước cũng như quy định được hưởng thuế ưu đãi của hàng hóa xuất khẩu vào thị trường, khi tham gia các liên minh kinh tế đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu đó phải chiếm một tỷ lệ nội địa hóa nhất định của nước xuất khẩu", PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Nêu ví dụ cụ thể, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết, chúng ta đang đàm phán tham gia TPP. Nếu trở thành thành viên TPP, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi lớn khi thuế xuất khẩu vào các nước trong khối sẽ về mức 0%. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này thì tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm với ngành may phải đạt 55% trở lên, trong khi hiện nay tỷ lệ này chúng ta chỉ đạt chưa đến 25%.
Tỷ lệ nội địa hóa chính là việc sử dụng nguyên vật liệu trong nước. Theo ông Bình, các nước muốn ưu đãi cho Việt Nam mức thuế suất nhằm thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển ở cả xuất khẩu và sản xuất. Nếu không quy định tỷ lệ nội địa hóa, suy cho cùng chỉ nước xuất khẩu nguyên liệu, máy móc hưởng lợi còn nước gia công như Việt Nam gần như không được gì.
Từ phân tích trên trong trường hợp các sản phẩm của Samsung, theo ông Bình, giá trị tạo Việt Nam không đáng là bao nhiêu, hầu hết thiết bị, máy móc nguyên phụ liệu được sản xuất từ nước ngoài. Việt Nam chỉ đóng góp rất nhỏ trong giá trị sản phẩm. Nếu áp dụng thông lệ của các nước thì đây không thể gọi hàng Việt Nam được.
Đứng góc nhìn thương hiệu, một chuyên gia thương hiệu nhận định, ở Việt Nam có hàng trăm thương hiệu lớn ở hầu hết các lĩnh vực của doanh nghiệp nước ngoài đang đặt nhà máy lắp ráp, chế biến tại Việt Nam. Nếu coi tất cả đều là hàng Việt Nam thì hàng hóa doanh nghiệp Việt gần như không có chỗ đứng, từ đó cách nhìn về thương hiệu Việt cũng sẽ thay đổi.