Không điện thoại thông minh
Bên lề buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) tổ chức, phóng viên được nhà trường tự hào giới thiệu, trường vừa vinh dự có một nữ sinh đạt giải nhất môn Toán tỉnh Bắc Ninh.
Đó là nữ sinh Vũ Thị Thu Thủy, Lớp 12A0 vừa giành giải nhất môn Toán tỉnh Bắc Ninh năm học 2018-2019.
Với vẻ ngoài tự tin, luôn nở nụ cười trên môi, Vũ Thị Thu Thủy được thầy cô yêu mến, bạn học ngả mũ trước thành tích "đáng nể” luôn đứng đầu trường. Khâm phục hơn, Thủy vượt qua nhiều thí sinh khác đến từ cả trường chuyên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để giành vị trí cao nhất môn Toán.
Điều khiến phóng viên khá ngạc nhiên khi được thầy cô, bạn cùng học chia sẻ về nữ sinh đặc biệt của ngôi trường này. Vũ Thị Thu Thủy rất hiếm khi vào mạng xã hội ngoài mục đích học tập. Thủy dùng mạng xã hội để vào group học nhóm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải toán với bạn và thầy cô.
Ngạc nhiên hơn nữa, nữ sinh này không dùng điện thoại, càng không dùng điện thoại thông minh.
Vũ Thị Thuy Thủy tự tin sẽ đạt thành tích cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới. Thủy cũng khuyên các bạn học chắc kiến thức trong sách giáo khoa hoàn toàn có thể đạt điểm 8 môn Toán. Ảnh: Vũ Phương. |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc không dùng điện thoại thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, em Vũ Thị Thu Thủy vui vẻ cho biết: “Em chưa dùng điện thoại thông minh không phải vì bố mẹ cấm, hay do không có điều kiện.
Điện thoại thông minh có chức năng chính là liên lạc, truy cập internet, vào mạng xã hội... Điện thoại thông minh tuyệt vời, nhưng những chức năng của nó thời điểm này em chưa cần.
Buổi sáng và chiều em học ở trường có việc gì mẹ có thể liên hệ với thầy cô chủ nhiệm. Hay đi học thêm cũng vậy, mẹ đều có số điện thoại của thầy cô. Còn bạn học gặp nhau thường xuyên trên lớp, có việc gì có thể đến nhà hoặc gọi điện cho mẹ em.
Còn buổi tối ở nhà em vẫn vào mạng xã hội trên máy tính để vào các nhóm, group bạn cùng lớp, trong đó có cả thầy cô giáo để học tập, chia sẻ bài tập hay bài tập khó, trao đổi bài. Mỗi ngày em cũng chỉ dành một 1-2 tiếng để học tập trên máy tính”.
Nữ sinh này cũng chia sẻ lợi thế, lợi ích khi truy cập được internet, học online: "Ngoài những kiến thức, bài giảng, bài tập thầy cô truyền đạt, nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp em được tiếp cận những bài toán hay, bài toán khó, những phương pháp giải bài tập mới trên internet.
Cách mạng 4.0 mở ra cơ hội mới, cơ hội tốt cho học sinh được tiếp cận với trí thức nhân loại thay vì trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức của thầy cô truyền đạt, qua sách vở".
Nữ sinh Vũ Thị Thu Thủy được thầy Hưng giáo dạy Toán đánh giá rất cao về tư duy, chăm chỉ và không e ngại hỏi khi vướng mắc, băn khoăn trước bài toán hay, bài toán khó. Ảnh: Vũ Phương. |
Học siêu, chơi đàn ghi-ta giỏi
Nữ sinh này cũng tự nhận mình không phải “mọt sách” suốt ngày chỉ có học và học. Thủy chia sẻ bí quyết học Toán nói chung và nhiều môn nói riêng: “Trước tiên phải chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Làm hết bài tập trong sách giáo khoa và làm bài tập thầy giáo giao thêm.
Khi đã nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, lúc đó mới học nâng cao bằng cách tự học qua các diễn đàn, bài giảng trực tuyến trên internet hoặc hỏi thầy cô giáo của mình.
“Như môn Toán, buổi tối em sử dụng máy tính có kết nối internet vào những diễn đàn về Toán học để học thêm. Trên diễn dàn, em học theo chuyên đề, trên đó những bài toán rất chuyên sâu và cũng khó.
Bài Toán nào hay em chép lại để giải, chỗ nào không hiểu có thể lên diễn đàn chia sẻ trao đổi với các bạn ở đó hoặc chia sẻ vào group để các bạn cùng lớp, thầy cô cùng tìm lời giải.
Ở lớp em cũng không ngại hỏi các bạn và thầy dạy Toán. Em không ngại hỏi, không biết phải hỏi. Và chỉ học khi nào vui, chứ không cố ngồi học khi không hiệu quả”, nữ sinh Vũ Thị Thu Thủy nói.
Nữ sinh đạt Giải nhất môn Toán toàn tỉnh Bắc Ninh năm học 2018-2019 chia sẻ thêm về cách học Toán cũng như nhiều môn khác hiệu quả đó là trong ngày dành thời gian để thư giãn và vận động.
Thủy cho biết: “Ngoài thời gian học ở trường, học thêm, thời gian học ở nhà lúc nào căng thẳng em lại chơi đàn ghi-ta. Được chơi những bản nhạc em yêu thích giúp em thư giãn trước khi tiếp tục vào bàn học. Lúc đó, học sẽ rất hiệu quả.
Ngoài chơi đàn, em cũng dành thời gian buổi chiều đi bộ, vận động nhẹ vừa giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, dẻo dai, tốt cho cả tinh thần.
Em cũng không học quá khuya, thường 12h em đi ngủ để hôm sau đi học có thể tiếp thu bài ngay trên lớp và không uể oải vì thiếu ngủ. Buổi trưa em tranh thủ nghỉ ngơi, ngủ một lát để chiều tiếp tục đi học. Nói chung phải ngủ đủ học mới vào”.
Nói về việc có bị áp lực thành tích trong học tập khi mẹ là giáo viên, bố là bộ đội, Vũ Thị Thu Thủy cho biết: “Bố mẹ em rất thoải mái, không yêu cầu em phải đạt thành tích này thành tích nọ.
Bố mẹ chỉ hướng dẫn em cách học tập làm sao cho hiệu quả, hấp dẫn. Thời gian biểu học tập và sinh hoạt, vận động hợp lý rất quan trọng. Để học tập tốt phải có sức khỏe và thời gian biểu khoa học”.
Thủy cũng thành thật chia sẻ, có bố là bộ đội thường xuyên xa nhà, điều đó khiến em phần nào thiệt thòi, nhưng giúp em sống tự lập, kỷ luật từ nhỏ.
Nói về dự định sắp tới thi vào trường đại học nào em mơ ước, Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ: “Em theo tổ hợp A00 (Toán; Lý; Hóa). Em mơ ước vào đại học Dược Hà Nội để sau này được nghiên cứu về thuốc.
Xã hội càng phát triển, con người càng đối mặt với những bệnh khó, hiếm. Bởi vậy, em mong muốn được nghiên cứu, mang đến những loại thuốc tốt nhất cho mọi người”.
Ngoài 3 môn chính nữ sinh này đang tập trung để chuẩn bị bước vào kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2019, em cũng tập trung đều vào các môn để tốt nghiệp và tiếp theo hiện thực hóa giấc mơ vào ngôi trường em mơ ước.
Nữ sinh cũng gửi lời chúc tới tất cả các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 bước vào kỳ thi với tâm lý thật thoải mái, bình tĩnh, tự tin ắt kết quả sẽ cao.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |