Kết thúc cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 18/11/2015 ở Philippines, lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thống nhất sẽ ký kết TPP vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand.
Các bên cũng nhất trí thời hạn 2 năm để quốc hội các nước phê chuẩn hiệp định. Như vậy, TPP có thể có hiệu lực vào năm 2018.
Theo tuyên bố chung của lãnh đạo các nước tham gia TPP, sau khi ký kết để nhanh chóng xem xét và thông qua Hiệp định TPP theo đúng thủ tục nội bộ ở mỗi nước thành viên. Tiếp đó sẽ tập trung vào thực thi toàn diện hiệp định.
Các nước tham gia TPP (ảnh nguồn NLD). |
Như vậy, chưa đầy 2 năm tới những điều khoản thỏa thuận TPP sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, từ năm 2018 thuế suất mặt hàng sữa các nước trong khối TPP sẽ bằng 0. Thị trường sữa Việt Nam được dự đoán sẽ là cuộc “đổ bộ” của thương hiệu sữa ngoại đến từ Mỹ, Australia, NewZealand…
Gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ tăng tính cạnh tranh mặt hàng sữa ngoại với sữa trong nước, doanh nghiệp sữa trong nước nếu không chủ động sẽ thua ngay chính sân nhà. Thách thức là rõ ràng nhưng không có nghĩa không có giải pháp cho doanh nghiệp sữa Việt.
Giải bài toán tăng sức cạnh tranh doanh nghiệp sữa trong nước, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu sữa TH True MILK) đã có chia sẻ với báo chí về câu chuyện TPP và sự chuẩn bị của Tập đoàn TH trước sân chơi lớn này.
Người tiêu dùng hưởng lợi
TPP được coi là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được chuỗi cung ứng này.
Bà Thái Hương cho rằng, so với các hiệp định thương mại khác, TPP mở rộng hơn cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và phi thương mại như mua sắm Chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH (ảnh nguồn Tập đoàn TH): Dù có thách thức vẫn phải tiến vào TPP bởi đó là quá trình chuẩn mực hóa mọi loại hàng hóa để người tiêu dùng được lợi. |
Trong đàm phán TPP, các vấn đề được nhấn mạnh là sở hữu trí tuệ, thương hiệu. Sản phẩm hàng hóa xâm nhập thị trường phải có thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn thực phẩm. Điều này mở ra cho người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hóa có thương hiệu tốt, chất lượng cao như người tiêu dùng cá nước trong khối TPP.
Bà Thái Hương nhận định: “Gia nhập TPP, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi ích lớn nhất khi có thể lựa chọn hàng hóa có thương hiệu, chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước ký TPP”.
Hướng đến phục vụ người tiêu dùng, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng chính là mục tiêu Tập đoàn TH hướng đến khi xây dựng thương hiệu sữa TH True MILK.
Mục tiêu đó của Tập đoàn TH cũng không khác là bao với lợi ích hướng đến khi tham gia sân chơi TPP của Việt Nam. Cụ thể, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt, quy chuẩn hàng hóa chất lượng trên thị trường mang đến sản phẩm tốt nhất cho người dân.
“Dù có thách thức, chúng ta vẫn phải tiến vào TPP bởi đó là quá trình chuẩn mực hóa mọi loại hàng hóa và ai sẽ là người được lợi, đó là người tiêu dùng được lợi trước tiên”, bà Thái Hương cho biết.
Trở lại thời điểm đầu với ý tưởng thành lập tập đoàn TH chăn nuôi, chế biến sữa sạch, bà Thái Hương chia sẻ: “Tất cả chỉ xuất phát từ ý nghĩ là làm thế nào xây dựng được giá trị cốt lõi của thương hiệu và mình phải kiên định đi trên con đường hướng tới giá trị cốt lõi đó.
Chính vì vậy, dự án sữa tươi sạch TH thành công vang dội vì tôi xác định giá trị cốt lõi của thương hiệu là “Vì sức khỏe cộng đồng”. Giá trị đó luôn gắn với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK”.
Một góc trang trại chăn nuôi bò sữa theo công nghệ cao của Tập đoàn TH tại tỉnh Nghệ An. |
Chủ tịch Tập đoàn TH nhấn mạnh: Nhiều người nói, doanh nhân kinh doanh thì phải nghĩ lợi nhuận nhưng với Tập đoàn TH, lợi nhuận phải phải hài hòa lợi ích và sữa tươi sạch TH đưa ra thị trường là hoàn toàn dựa trên giá trị cốt lõi như vậy.
“Năm 2011, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn nhưng tôi lại nghĩ đó là cơ hội cho Tập đoàn TH vì những giá trị cốt lõi và thương hiệu đã được định sẵn. Chúng tôi kiên định dù có khó khăn bao nhiêu vẫn phải giữ giá trị cốt lõi để tạo dựng niềm tin.
Năm 2008-2010, thị trường sữa nước Việt Nam vẫn có tới 92% sản phẩm chế biến từ sữa bột, gọi là sữa pha lại hay sữa hoàn nguyên. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Tập đoàn TH, lượng sữa tươi tăng mạnh, các doanh nghiệp chế biến sữa cũng đầu tư sản xuất sữa tươi. Nhờ vậy, sữa dạng lỏng chế biến từ sữa bột đã giảm còn 70%”, bà Thái Hương cho biết.
TPP: Con đường phải đi
Trước câu hỏi tham gia TPP là cơ hội hay thách thức cho Việt Nam, bà Thái Hương cho hay, cơ hội hay thách thức thì hoàn toàn là do cách tiếp cận của chúng ta.
“Tôi nghĩ dù có thách thức, chúng ta vẫn phải tiến vào TPP bởi đó là quá trình chuẩn mực hóa mọi loại hàng hóa và ai sẽ là người được lợi, đó là người tiêu dùng được lợi trước tiên. Con đường này mình phải đi, vào TPP chúng ta không chỉ nói các mặt hàng được hưởng lợi như hàng dệt may… mà phải nghĩ ngay tới thị trường hàng hóa”, bà Thái Hương nói.
Theo Chủ tịch Tập đoàn TH, tham gia TPP, ngành hàng tiêu dùng Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn. Thị trường hàng tiêu dùng sẽ rộng mở, trong đó có sữa, bởi các mẹ vốn rất sính ngoại.
Bà Thái Hương: Tập đoàn TH có đủ "thiên thời địa lợi" để thành công tại Nga |
“Vì vậy, khi vào TPP, chúng ta phải lập ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ cho mặt hàng này, phải xây dựng quy chuẩn chuẩn mực cho mặt hàng sữa, minh bạch thị trường sữa để sữa nội sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm sữa ngoại. Mình không vào TPP, không lập ra một hàng rào kỹ thuật thì người thiệt thòi cuối cùng là chính là người tiêu dùng”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó theo ông Hoàng Công Trang – Phó TGĐ Tập đoàn TH, ngay từ đầu khi xây dựng thương hiệu TH true MILK, doanh nghiệp đã nhìn ra hướng phát triển và cơ hội cạnh tranh với sản phẩm sữa ngoại.
Thứ nhất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm bằng việc xây dựng mô hình sản xuất sữa tươi sạch thành công tại Việt Nam nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới trong chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa, tạo ra cuộc cách mạng ngành sữa bằng công nghệ cao. Tập đoàn TH nỗ lực không ngừng để tạo ra dòng sữa tươi sạch, mang những giá trị vẹn nguyên từ thiên nhiên.
Tập đoàn TH hướng đến xây dựng thương hiệu TH True MILK một cách đồng bộ cho 36 sản phẩm sữa tươi, sữa chua hiện tại và cho các sản phẩm sẽ phát triển trong tương lai. Hiện đã có 39 nước chấp nhận bảo hộ thương hiệu “TH true MILK” trong đó có Nhật, Mỹ, Singapore, Cộng đồng Châu Âu.
Thứ hai kiên trì với con đường sữa tươi sạch, trong khối TPP có 3 quốc gia mạnh về sữa là Úc, Mỹ, New Zealand khi TPP có hiệu lực các sản phẩm sữa của những quốc gia này sẽ được nhập ồ ạt vào Việt Nam.
Tuy nhiên nhược điểm sản phẩm sữa nhập là sữa bột pha lại đã mất đi nhiều dinh dưỡng tự nhiên cần thiết không bằng sữa tươi. Nắm bắt được điều này, ngay từ khi ra đời, Dự án Sữa tươi sạch TH của Tập đoàn TH đã đón đầu xu thế và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hội nhập của TPP, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới tiêu chuẩn cao của sữa tươi sạch, đảm bảo cạnh tranh ngang ngửa về chất lượng với 3 cường quốc sữa nói trên.
Bất cập quy chuẩn sữa
Theo ông Hoàng Công Trang, vấn đề quan trọng hiện nay quy chuẩn sữa chưa rõ ràng, cần phải minh bạch hơn, đảm bảo sự công bằng cho ngành sữa tươi Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng.
Cụ thể, lâu nay người tiêu dùng vẫn nhầm tưởng loại sữa dạng lỏng được pha từ sữa bột là sữa tươi khi loại sữa này được gọi là "Sữa tiệt trùng" (quy chuẩn về sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành). Tuy nhiên cách gọi này không chính xác, không làm rõ bản chất sữa là sữa bột hay sữa tươi.
Sản phẩm sữa TH true Milk thu hút sự quan tâm của khách mời tại Diễn đàn Sữa quốc tế lần 2 diễn ra tại Thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga). |
Sự nhập nhèm đánh đồng sản phẩm sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên pha lại ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu không có quy chuẩn rõ ràng doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với sản phẩm sữa ngoại, còn người tiêu dùng không được sử dụng sản phẩm chất lượng
Trước thực tế trên, ông Hoàng Công Trang đề xuất 3 giải pháp để giải bài toán cho ngành sữa Việt Nam, bảo vệ thương hiệu sữa Việt Nam:
Thứ nhất, định hướng cho người tiêu dùng trong nước cũng đi đúng quỹ đạo tiêu dùng của thế giới là dùng sữa tươi trong nước (vì những ưu thế vượt trội về dưỡng chất); tạo cuộc “cách mạng” trong sản xuất, tiêu dùng sữa tươi.
Thứ hai chuẩn hóa các chính sách thúc đẩy sản xuất sữa tươi trong nước (đặc biệt là về thương mại: Cần nghiên cứu để đưa ra hạn ngạch nhập khẩu sữa bột nhằm giảm tỷ lệ sữa nước làm từ sữa bột trên thị trường. Về chất lượng: Cần ban hành các Quy định tiêu chuẩn sữa trong nhóm ngành đặc thù (đặc biệt là Sữa tươi học đường)
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm vào các thị trường của TPP, trong đó có kinh phí xúc tiến thương mại tương xứng với lợi ích của TPP mang lại.
“Tôi tin rằng chỉ khi chúng ta đoàn kết, cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm thì mới có thể có chỗ đứng trong TPP và biến cơ hội thành những lợi ích thực tế cho đất nước”, ông Trang cho biết.