Nước mắm được quảng cáo "siêu sạch", đừng vội tin!

07/09/2011 13:12
Lan Chi
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Thị Dung khẳng định: Đối với nước mắm công nghiệp, vì được pha chế nên hầu hết rất cần sử dụng chất bảo quản.

Hoang mang nước mắm "sạch", nước mắm “bẩn”

Khái niệm nước mắm sạch, nước mắm bẩn chỉ bắt đầu từ khi có quảng cáo nước mắm ngon siêu sạch Kabin của Công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú.

Như quảng cáo, Kabin là sản phẩm nước mắm sạch được ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT vào quá trình sản xuất (công nghệ chuyên dùng trong sản xuất sữa tiệt trùng), giúp khử sạch các vi khuẩn gây hại, bảo lưu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, mang lại sản phẩm nước mắm vệ sinh, an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng cộng thêm thương hiệu Đại xứ nhãn hàng của “Vua bếp” Martin Yan.

Tuy nhiên, quảng cáo sản phẩm này đã dấy lên cuộc tranh cãi giữa những người nội trợ “liệu có sạch thật không?”

Nước mắm Kabin tự quảng cáo là tiệt trùng, siêu sạch.

Sau khi xem quảng cáo nước mắm ngon siêu sạch Kabin, chị Hoàng Thị Nhâm (Phương Liệt, Hà Nội)  giật mình: “Hóa ra nước mắm cũng có nước mắm bẩn, nước mắm sạch”. Chị Nhâm cho biết, trước kia gia đình thường chọn mua nhiều loại nước mắm về ăn thử, nhưng khi nghe quảng cáo có loại nước mắm siêu sạch chị thấy lo ngay ngáy không biết những sản phẩm mình mua cho gia đình dùng trước đó có an toàn không.

Cùng ý nghĩ với chị Nhâm, chị Lê Thu Hòa (Khương Trung, Hà Nội) cũng không khỏi băn khoăn khi chọn mua loại gia vị thiết yếu trong bữa ăn gia đình này. Chị Hòa đắn đo không biết chọn nước mắm nào vừa đảm bảo độ đạm mà vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cách đây không lâu, làn sóng sữa siêu sạch đã gây khá nhiều tranh cãi trong các hãng sữa và gây khó hiểu cho người tiêu dùng thì đến bây giờ các bà nội trợ cũng tự trấn an: “chỉ là quảng cáo, là slogan của thương hiệu”.

Trong khi đó, khi nói về quảng cáo nước mắm siêu sạch trên, một cán bộ tại Viện Công nghệ thực phẩm Bách Khoa, Hà Nội thốt lên: “Thời bây giờ sao cái gì cũng lạm dụng từ siêu sạch, nói là siêu sạch nhưng chưa chắc đã sạch. Đó chỉ là quảng cáo, chỉ khổ người tiêu dùng cứ thấy quảng cáo là tin và lại nhao nhác lên tìm mua sản phẩm với mong muốn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình mình".

Trên các diễn đàn lamchame, webtretho nhiều bà nội trợ không khỏi lo lắng: “nước mắm siêu sạch, liệu có tin được không?".

Không chỉ có quảng cáo nước mắm siêu sạch của Kabin, một quảng cáo nước mắm của Masan Food phát trong chương trình quảng trên Đài Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây có nội dung: người con nhìn bát nước mắm ngon muốn chấm, người mẹ ngăn lại vì “trong nước mắm vẫn còn vi khuẩn”, người con bảo nước mắm đã đun sôi rồi thì người mẹ trả lời tiếp “ngay cả nước mắm đã đun sôi vẫn chưa hết sạch vi khuẩn”.

Khi đoạn quảng cáo được phát đi, nhiều chuyên gia về thủy sản lên tiếng phản đối về nội dung đoạn quảng cáo không đúng khoa học, gây hoang mang cho người tiêu dùng và vô hình chung ám chỉ nước mắm truyền thống không an toàn.

Không có nước mắm mang tiên “siêu sạch”


Trao đổi với báo đện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Trần Thị Dung -  Chuyên gia công nghệ chế biến thủy sản và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003, nước mắm phải có hàm lượng muối nằm trong khoảng 245-290 g/L, hàm lượng đạm tổng số tối thiểu của nước mắm phải là 10gN/lít. Nước mắm không được có mặt các loài vi khuẩn gây bệnh.

Một số kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về nước mắm và các sản phẩm đạm thủy phân tương tự cho thấy, nếu nước mắm đạt các chỉ tiêu chất lượng nêu trên, các loài vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội tồn tại trong nước mắm trong khoảng thời gian bảo quản cho phép tương ứng với từng loại nước mắm, nhưng tối thiểu cũng phải từ 6 tháng trở lên.

Các loại nước mắm pha chế "hút hàng" nhờ những chiến
dịch quảng cáo quy mô.

Nhiều người nội trợ lâu nay vẫn phàn nàn về việc nước mắm mua về ăn để lâu màu bị biến đổi, nhưng cần phải hiểu rằng đó là thuộc tính tự nhiên của nước mắm truyền thống. Tuy màu bị sẫm lại so với ban đầu, hương nước mắm có thay đổi so với khi mới mua về, nhưng nước mắm vẫn có vị ngọt và mùi đặc trưng không thể phủ nhận.

TS. Dung khẳng định, nước mắm truyền thống không có vi trùng gây hại cho sức khỏe con người. Trong thành phần của nước mắm truyền thống chủ yếu là muối ăn bão hòa và a-xit a-min tự do ở nồng độ cao nên không cần phải sử dụng chất bảo quản.

Còn đối với nước mắm công nghiệp, TS. Dung cho rằng vì được pha chế nên hầu hết rất cần sử dụng chất bảo quản.

Thông thường, để tạo ra “nước mắm công nghiệp”, nhà sản xuất mua nước mắm truyền thống về để pha chế (cũng có thể từ nguồn đạm hòa tan khác nữa). Theo đó, tỷ lệ pha nước muối có nồng độ thấp hơn nồng độ quy định tại TCVN 5107:2003, đủ để pha loãng hàm lượng đạm và muối của nước mắm truyền thống được mua về, bổ sung thêm phẩm màu, chất tạo ngọt nhân tạo (các loại đường, mì chính…), hương nhân tạo (hương cá hồi…) và một số chất hỗ trợ chế biến khác, và điều không thể thiếu được là bổ sung chất bảo quản để phòng thối.


Lan Chi