Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

16/10/2014 07:01
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Có lẽ để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, trong khi chờ các quyết sách lớn, các trường Cao đẳng-Đại học (CĐ-ĐH) đành phải sáng tạo ra một số “quyết sách” nhỏ như ban hành một số quy định cấm đối với sinh viên.

Thời chống Mỹ, những năm sáu mươi của thế kỷ trước, quần ống loe, quần ống tuýp và nam để tóc dài là ba điều bị cấm. Ra đường rủi bị thanh niên cờ đỏ hoặc các chú công an phát hiện, có thể bị người ta lấy kéo rạch một đường từ gấu quần lên quá đầu gối, người để tóc dài chùm gáy, có khi bị đưa vào tiệm hớt tóc, cho một đường tông đơ từ gáy lên gần đỉnh đầu. Sau ngày đất nước thống nhất, chẳng ai cấm nhưng quần loe tự nhiên bị tuyệt chủng, cũng chẳng còn ai hứng thú với mái tóc dài che hết gáy.

Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa ảnh 1Bùn và Ngọc trong “văn hóa công chức Việt”

(GDVN) - Đã là “giặc” thì phải tiêu diệt, thỏa hiệp với giặc có nghĩa là đầu hàng. Chống giặc nội xâm cũng có ý nghĩa như một cuộc cách mạng nhằm quét sạch tham nhũng,

Bên tây, người ta đứng giữa quảng trường hôn nhau một cách tự nhiên, còn đi tè thì phải tìm đúng nơi, đúng chỗ. Bên ta thì ngược lại, hôn nhau  phải chui vào chỗ kín, còn bờ tường, gốc cây, cột điện chỗ nào cũng có thể biến thành nơi “giải quyết nỗi buồn”.

Du khách sang ta du lịch, nhìn thấy dòng chữ kẻ trên tường “Cam dai bay” (cấm đái bậy) liền tra bản đồ du lịch, chỉ thấy có vịnh Cam Ranh (Cam Ranh Bay) chứ không có vịnh “Cam dai”.

Các trường CĐ-ĐH nước ta ngày nay, trường nào cũng có quy định về “văn hóa học đường” hoặc “nếp sống văn minh”, có nơi thì lại dùng từ “văn hóa công sở” như ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).

Tất cả những cái thuộc về “văn hóa” ấy liệt kê ra thì vô cùng đa dạng nhưng đều có một điểm chung là “cấm”: cấm hái hoa, cấm nhuộm tóc lòe loẹt, cấm rượu bia, cấm áo dây, cấm quần cộc, cấm nam nữ ngồi nơi bóng tối (ĐH Y), cấm, cấm và … cấm.

Nếu bỏ công tập hợp mọi loại “cấm” của các trường CĐ-ĐH sẽ được một “món lẩu thập cẩm” liên quan đến con người từ chân đến đầu, từ màu sắc đến hương vị, từ văn hóa đến luật pháp, … Học thuộc và thực hiện đầy đủ các loại “cấm” ấy, có lẽ cũng đủ để cấp cho sinh viên một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Văn hóa song song với tấm bằng chuyên môn.

Nói thế không có nghĩa là phê phán các loại “cấm” mà chỉ là để nêu lên câu hỏi: “tại sao trong môi trường giáo dục đại học, với những con người đã đủ tuổi thực hiện quyền công dân, vẫn còn phải nhấn mạnh chuyện cấm các hành vi mà lẽ ra họ đều đã được dạy dỗ từ bậc phổ thông”?

 Sinh viên ở bất kỳ trường nào cũng là sinh viên, nên chăng cần có một chuẩn mực thống nhất về các hành vi không được phép của sinh viên do Bộ GD&ĐT ban hành, không nên để tình trạng mỗi trường “cấm” một kiểu!

Có thể cấm các hành vi ăn mặc phản cảm, lố lăng trong khuôn viên nhà trường nhưng liệu cấm như thế có làm sinh viên trở nên thực sự văn minh, lịch sự khi rời khỏi giảng đường?

Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa ảnh 2Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú

(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...

Một tác giả phản bác quan điểm cấm sinh viên mặc quần Jean, thôi thì cứ dùng từ “quần bò” cho dễ hiểu. Tại sao lại nói là “quần bò”, vì đó là loại quần mà các chàng cao bồi miền tây Hoa Kỳ ngày xưa ưa thích sử dụng,  “cao bồi” là cách phát âm từ “Cowboy” của “thổ dân” Việt Nam. Cow nghĩa là con bò, Boy là chàng trai trẻ, Cowboy là chàng chăn bò vì thế cái quần mà họ mặc (quần của các chàng chăn bò) được gọi tắt là “quần bò”.

Bốn mươi năm trước, một lần vào nhà hát ở thủ đô Praha xem biểu diễn giao hưởng, người viết chứng kiến một chuyện thú vị. Bảo vệ nhà hát quan sát nếu thấy khán giả nữ mặc quần bò liền đưa cho họ một chiếc chìa khóa, đó là chìa khóa tủ phòng thay đồ. 

Hóa ra, nữ khán giả đến nghe giao hưởng bắt buộc phải mặc váy dài, nam giới phải mặc quần áo dạ hội. Không một ai phản đối vì họ đều đã biết quy định này nên đã mang theo váy trong túi xách, rủi không mang họ có thể thuê ngay tại chỗ. Váy dạ hội không phải để mặc khi đi xe bus, nhất là mùa đông đường đầy tuyết, cũng như quần bò không phải để mặc khi dự dạ hội, đấy là văn hóa công cộng gần nửa thế kỷ trước ở châu Âu, không phải ở Việt Nam.

Ở một đất nước mà quyền tự do được coi trọng rất cao như Hoa Kỳ, Tổng thống Brack Obama chỉ mặc bộ vest sáng màu là ngay lập tức bị dư luận ném đá tơi tả, lễ phục của nguyên thủ quốc gia mặc nhiên là phải sẫm màu, cũng như ô tô phải màu đen.

Nói thế để thấy chuyện cấm một số hành vi không phù hợp nơi công cộng không có gì sai, quan trọng là nó mang lại cái gì cho cộng đồng, đặc biệt nó không được đi ngược lại quyền con người, quyền công dân.

Mặc quần bò không có gì xấu nhưng khi một nữ sinh viên lên bảng trình bày bài tập, cúi lưng một tí là “lộ hàng”, cả lớp cười khúc khích còn giảng viên phải nhìn đi chỗ khác thì lại là chuyện không thể chấp nhận. Cái sự “xấu” ở đây không phải do cái quần mà là do con người.

Văn hóa đường phố thời @
Văn hóa đường phố thời @

Chuyện cô ca sĩ Hương Tràm ăn mặc hở hang biểu diễn ở Thủ đô bị phạt 10 triệu và cấm biểu diễn tại Hà Nội ba tháng, còn những hơn 60 tỉnh thành phố khác cô này không bị cấm. Cái chuyện bắt cóc bỏ đĩa ấy chỉ tạo nên một tiền lệ là đòi thêm cát xê để chuẩn bị nộp phạt.

Giáo dục con người bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh, sinh viên nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.  Muốn thế phải xem xét lại văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử của người lớn, của những người có bằng cấp, nhất là những người có trách nhiệm.

Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nhiều lần nghe điện thoại trong lúc xét xử (ảnh: Báo Xây dựng)
Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nhiều lần nghe điện thoại trong lúc xét xử (ảnh: Báo Xây dựng)

Hỏi một đồng nghiệp người Séc:  “câu chửi tục nhất trong dân gian nước bạn là gì?”, anh bạn trả lời ngay không cần suy nghĩ “đồ bò thiến”. Có lẽ không nước nào trên thế giới tồn tại các câu chửi đa dạng hơn ở Việt Nam, các bạn thử hình dung câu chửi sau đây đã động chạm đến bao nhiêu đời nhà người ta: “cha tổ bố cái con đẻ ra ông bà ông vải nhà mày”!

Làm đến phó giám đốc sở mà đánh nhau ở quán bia phải đi viện, làm chủ tọa phiên tòa mà khi xử án vẫn liên tục nghiêng đầu nghe điện thoại thì khó có thể giáo dục thế hệ trẻ tôn trọng văn hóa công cộng.

Có thể thấy người lớn đang thiếu văn hóa nhiều hơn con trẻ, nhất là những người có trách nhiệm giáo dục người khác.

Một cháu bé mẫu giáo trót ị đùn trong lớp, cô tập hợp cả lớp lại và ra lệnh: “từ nay các con muốn ị thì phải xin phép cô, không được ị đùn làm mất vệ sinh trong lớp”. Đây không phải chuyện bịa mà là có thật, nghe cháu kể cả nhà đều buồn cười, bà bảo lần sau con không được kể chuyện ị khi nhà đang ăn cơm, phải kể lúc khác.

Nếu giả sử có cháu buồn thật xin phép mà cô lại đang “mải buôn” điện thoại như vị thẩm phán trên ảnh thì chẳng lẽ cháu phải chờ cô “buôn” xong mới được…?

Lại xin kể một chuyện khác, trên đường 5 đoạn qua Như Quỳnh thuộc địa phận Hưng Yên, có một tấm pa nô quảng cáo rộng hàng chục mét vuông, trên đó là hình một “hót girl” rất xinh, đến gần đọc dòng chữ quảng cáo là “thuốc chữa đái dầm”. Chẳng lẽ nhận được ít tiền quảng cáo lại quan trọng hơn là gắn khuôn mặt xinh đẹp của mình với chuyện (xin lỗi) đái dầm?

Cần phải khẳng định việc dạy chữ và dạy người không phải là việc riêng của ngành Giáo dục, đặc biệt là dạy làm người. Không một nhà trường nào có thể quản lý học sinh, sinh viên 24/24 giờ trong ngày. Khi văn hóa xã hội xuống cấp, khi vô số những gương xấu hiển hiện hàng ngày từ nhà tới trường, từ chính những người có trách nhiệm thì việc xây “ốc đảo giáo dục” nếu không nói là viển vông thì cũng là việc dã tràng xe cát.

Khi mà người lớn, “người cao” còn chưa  biết nói lời xin lỗi, cảm ơn thì chẳng lẽ lại bảo người trẻ, rằng hãy “học những gì tôi nói chứ đừng học những gì tôi làm”?

“Nhà dột từ nóc” vẫn còn có thể sửa chữa, nước ngập tận nóc mới là thảm họa./.

XUÂN DƯƠNG