Trước đây, các vụ việc liên quan đến kiểm soát viên không lưu thường bị giấu nhẹm theo kiểu “nội bộ”, nhưng do tần suất của các vụ việc và mức độ nghiêm trọng ngày càng nhiều hơn nên Cục Hàng không VN đã có văn bản quy định nếu không báo cáo sẽ xử lý nặng gấp nhiều lần, kể cả lãnh đạo cũng bị liên đới.
Liên tiếp nhiều sự cố
Như đã thông tin, thanh tra Cục Hàng không vừa quyết định tước giấy phép hành nghề không thời hạn đối với kiểm soát viên không lưu trực chính, tước giấy phép hành nghề hai tháng đối với nữ nhân viên trực kíp trưởng và phạt hành chính ba kiểm soát viên không lưu của Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hà Nội. Nguyên nhân chính dẫn đến việc xử phạt trên là do các nhân viên này đã thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình khiến máy bay của Vietnam Airlines và máy bay nước ngoài suýt đâm nhau khi bay ngược chiều trên cùng độ cao ngày 14-10.
Thật ra đây không phải là vụ đầu tiên vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý an toàn bay. Vào tháng 7 năm nay, một kiểm soát viên trực chính công tác tại đài kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM, thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam) cũng bị tước giấy phép hành nghề ba tháng và phạt hành chính. Trước khi nhận quyết định tước giấy phép, kiểm soát viên này đã bị tạm đình chỉ vì ra huấn lệnh sai.
Theo thanh tra Cục Hàng không, kiểm soát viên này đã không tập trung khi làm việc, điều hành các chuyến bay của hàng không Singapore và Indonesia trong ca trực ngày 10-6 sai quy trình kiểm soát trong quá trình điều hành các chuyến bay này tránh mây ở điều kiện thời tiết xấu, dẫn đến vi phạm giãn cách tối thiểu giữa các chuyến bay.
Đầu năm nay, một kiểm soát viên không lưu cũng của ACC HCM đã bị tước giấy phép hành nghề ba tháng, phạt hành chính 7 triệu đồng do ra huấn lệnh sai, gây gổ, đánh nhau với người đang thi hành công vụ (đánh kíp trưởng). Vụ xô xát này diễn ra ngày 17-1 khiến việc điều hành bay tại phân khu bị gián đoạn ít phút.
Trước đó trưa 19-12-2011, một kiểm soát viên không lưu do kỹ năng điều hành yếu, chưa phát hiện xu hướng hội tụ của hai máy bay ngược chiều nên đã đưa ra phương án điều hành bay chưa hợp lý, suýt xảy ra va chạm trên không giữa máy bay của Vietnam Airlines từ Tân Sơn Nhất đi Cát Bi (Hải Phòng) với máy bay của Jetstar Pacific (JP) đang bay về Tân Sơn Nhất.
Một kíp trực kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất trước đó đã bị kỷ luật vì phát nhầm lệnh hạ cánh đối với một máy bay Đài Loan vào tháng 10-2011 để máy bay này hạ cánh xuống đường băng đang có công nhân và ôtô chuyên dụng cạo vệt cao su (lốp máy bay) trên đường băng.
Tăng nặng hình thức kỷ luật
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, hình phạt (phạt chính, phạt bổ sung) đối với hành vi sai phạm của kiểm soát viên không lưu hiện nay chưa tương xứng với mức độ ảnh hưởng của sự việc, chưa đủ để răn đe nên phải thay đổi hình thức xử phạt liên quan đến những hành vi này theo hướng tăng nặng hơn nữa. Ông Nguyễn Trọng Thắng, chánh thanh tra Cục Hàng không VN, cho biết Cục Hàng không VN đang soạn thảo nghị định mới thay nghị định 60 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, sẽ điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt đối với các vi phạm, trong đó có liên quan đến các kiểm soát viên không lưu.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Việt Thắng, cục phó Cục Hàng không VN, cho biết các vi phạm của những kiểm soát viên không lưu vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và an toàn an ninh hàng không. Theo ông Thắng, các hình thức kỷ luật hiện nay mà Cục Hàng không VN đang áp dụng là những hình thức cao nhất mà cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng ngay để răn đe.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu các hình thức kỷ luật do cơ quan chủ quản (Bộ GTVT) và Tổng công ty Quản lý bay VN áp dụng cho các kiểm soát viên không lưu. Ông Thắng cho biết trường hợp vi phạm gần đây nhất của kiểm soát viên không lưu thuộc Trung tâm Kiểm soát bay đường dài Hà Nội, cục đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay VN đề xuất các hình thức kỷ luật thích đáng nhiều cán bộ, lãnh đạo của Công ty Quản lý bay miền Bắc.
LÊ NAM/Tuổi trẻ