South China Morning Post ngày 4/1 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi thông điệp cảnh báo các cựu quan chức hàng đầu nước này theo cách của riêng mình. Ông nói, không có bất cứ ai trên đất Trung Quốc được miễn truy tố nếu tham nhũng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP/SCMP. |
Trong cuốn sách tập hợp các phát biểu của ông Tập Cận Bình về chống tham nhũng được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tập hợp, chỉnh lý và xuất bản hôm Thứ Sáu tuần trước, nhà lãnh đạo này nói rằng không có bất kỳ ai được miễn trừng phạt nếu họ tham nhũng.
Đây được xem như lời cảnh báo với các nhà lãnh đạo nghỉ hưu có ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc. Trong khi giới phân tích đồng ý rằng, ông Tập Cận Bình đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để củng cố quyền lực của mình, hiện vẫn có những ý kiến khác nhau về mục tiêu chính xác mà nhà lãnh đạo này đang nhắm tới.
Trong một cuộc họp nội bộ hồi tháng Hai, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc bây giờ không giống thời phong kiến, khi các thành viên hoàng tộc hay công thần có thể được miễn trừ truy tố hoặc các hình phạt pháp lý.
"Theo quy định của pháp luật, đừng ai có mơ tưởng rằng tham nhũng sẽ được tha, bây giờ không có cái gọi là Đan thư thiết quyển hay Thiết mão tử vương", ông Tập Cận Bình nói.
"Đan thư thiết quyển", dân gian còn gọi là Miễn tử kim bài, thường do Hoàng đế ban cho các công thần hay hoàng thân quốc thích, được quyền miễn trừ truy tố. "Thiết mão tử vương" là vương tước nói chung được cha truyền con nối, chỉ đặc quyền đặc lợi được thừa hưởng ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Xigen Li, giáo sư Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết, các nhóm lợi ích khác nhau sẽ giải thích thông điệp của ông Tập Cận Bình theo cách khác nhau.
Những phát biểu của ông Tập Cận Bình sẽ báo hiệu những gì sắp xảy ra ở Trung Quốc. Jingdong Yuan, một giáo sư về chính trị Trung Quốc từ Đại học Sydney cho rằng, phát biểu của Tập Cận Bình có thể nhắm đến những ai đang cản trở chương trình cải cách hoặc làm suy yếu quyền lực của ông.
Trương Lập Phàm, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình là một cảnh báo cho người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và cấp phó của ông Dân, Tăng Khánh Hồng để ngăn chặn việc can thiệp vào chính sự.
Steve Tsang, một giáo sư nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Nottingham cho biết, có vài nhân vật ở Trung Quốc phù hợp với mô tả của Tập Cận Bình chứ không chỉ giới hạn ở 2 nhân vật Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Thậm chí ngay cả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng có thể là đối tượng, một khi nhà lãnh đạo đương nhiệm này nhấn mạnh "không có bất kỳ ai" thoát khỏi trừng phạt, Tsang lưu ý. Theo ông, Tập Cận Bình có khả năng vẫn vấp phải sự chống cự mạnh mẽ ở cơ sở nên ông mới phải gửi thông điệp mạnh mẽ đến vậy.
Tuy nhiên Xigen Li cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận BÌnh cho thấy sự yếu kém của việc thực hiện nguyên tắc quản trị đất nước theo pháp luật. "Nếu luật pháp đã quy định rõ ràng, thì cứ việc làm theo luật. Nếu cần giải thích luật, việc này nên do Quốc hội thực hiện", vị giáo sư này bình luận.