South China Morning Post ngày 29/3 có bài phân tích cảnh quay của đài truyền hình trung ương Trung Quốc về sự kiện ông Kim Jong-un thăm Bắc Kinh.
Lần đầu tiên lắng nghe, ghi chép lời người khác
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã ghi chép và lắng nghe một cách chăm chú những gì ông Tập Cận Bình phát biểu trong hội đàm, thỉnh thoảng gật đầu và mỉm cười.
Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên kể từ khi lên cầm quyền năm 2011.
Động thái này cho thế giới bên ngoài một cơ hội hiếm hoi để quan sát hành vi, cử chỉ, phong thái của ông Kim Jong-un mà không qua kiểm duyệt của Bình Nhưỡng.
Các quan chức Triều Tiên dù lớn dù nhỏ, khi gặp ông Kim Jong-un dường như ai cũng mang theo sổ tay và cây bút để ghi chép. Ảnh: KCNA / Reuters. |
Lâu nay dư luận quen thấy các hình ảnh ông Kim Jong-un đến đơn vị nào thị sát, thì các quan chức tùy tùng đều mang theo bút và sổ tay, kịp thời ghi lại từng lời ông phát biểu.
Dư luận hiếm khi thấy hình ảnh ông lắng nghe và ghi chép lời người khác, trừ hình ảnh ông tốc ký trong các cuộc họp mà mình chủ trì.
Việc người đàn ông quyền lực nhất Bắc Triều Tiên cẩn thận ghi chép những phát biểu của ông Tập Cận Bình trong hội đàm có thể khiến không ít người ngạc nhiên.
South China Morning Post bình luận, phong thái của ông Kim Jong-un trong suốt chuyến thăm Trung Quốc cho thấy một sự khiêm tốn hiếm thấy.
Tờ báo này dẫn lời ông Graham Ong-Webb từ Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore bình luận:
Dù muốn hay không, Triều Tiên vẫn phải quỵ lụy Trung Quốc và phải cho Bắc Kinh thấy, họ tôn trọng Trung Quốc, họ cần Trung Quốc.
Ông Kim Jong-un chăm chú ghi chép khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP. |
Triều Tiên không thể làm điều đó (đàm phán với Hàn, Mỹ) mà không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, vì vậy các cử chỉ của ông Kim Jong-un trong chừng mực nào đó cho thấy sự khiêm tốn. [1]
Phong cách ngoại giao chuyên nghiệp
Chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh từ ngày 25/3 đến 28/3 là hoạt động đối ngoại không chính thức.
Từ các video và hình ảnh truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào ông Kim Jong-un cũng luôn luôn làm chủ các tình huống;
Cho dù là đàm phán mặt đối mặt với ông Tập Cận Bình hay phát biểu đáp từ, tham gia các hoạt động chiêu đãi, thăm quan mà chủ nhà tổ chức, phong cách và hành xử của nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu xuất ngoại nhưng tỏ ra rất thành thục.
Việc ông Kim Jong-un lựa chọn thăm Bắc Kinh trước hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên và thượng đỉnh Mỹ - Triều cho thấy tư duy độc lập và chiến lược đối ngoại hiệu quả của nhà lãnh đạo này.
Bằng hành động thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un cho thấy không có khả năng ông "theo Mỹ chống Trung Quốc".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiêm tốn, nhưng tự tin và làm chủ tình huống khi tiếp xúc với ông Tập Cận Bình, ảnh: Reuters. |
Các diễn biến nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên trước đó cũng không hề có bằng chứng nào cho thấy ông đã báo trước cho Trung Quốc;
Từ việc ông cử đoàn sang Hàn Quốc dự Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang, tiếp thân mật Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc cho đến việc ngỏ lời đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh gần như bất ngờ.
Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi ngoại giao giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington hoàn toàn do Triều Tiên chủ động và không phải qua tay Bắc Kinh như trước đây.
Như vậy, cái gọi là "quỵ lụy" Trung Quốc theo nhận xét của nhà quan sát Graham Ong-Webb xem ra khó thuyết phục.
Đây chính là những bằng chứng cho thấy ông Kim Jong-un hoàn toàn độc lập tự chủ trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại.
Kim Jong-un đặt mình "ngang tầm" Tập Cận Bình, Trung Nam Hải tương kế tựu kế |
So sánh những gì ông chủ Trung Nam Hải đã tiếp đãi vợ chồng Chủ tịch Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên, với cảnh Bình Nhưỡng tiếp đặc sứ của ông Tập Cận Bình "một cốc nước trên bàn cũng không có", có thể thấy rõ Bình Nhưỡng rất linh hoạt thay đổi khi hoàn cảnh đổi thay.
Ông Kim Jong-un cần trao đổi, tham vấn ông Tập Cận Bình trước thượng đỉnh Hàn - Triều, Mỹ - Triều là vì lợi ích của chính Triều Tiên, và thể hiện phong cách ngoại giao lẫn tư duy đối ngoại chuyên nghiệp.
Sự chuyên nghiệp của ông Kim Jong-un khi thăm Trung Quốc phần nào cho thấy mục đích chuyến đi không phải là "tập dượt" nghi lễ ngoại giao trước khi gặp Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ.
Mà sự chuyên nghiệp ấy cho thấy rất rõ mục đích của ông Kim Jong-un là tìm kiếm đòn bẩy cho 2 cuộc đàm phán quan trọng sắp tới.
Chính những điều này sẽ tạo tiền đề cho khả năng sẽ có những bước đột phá trong 2 hội nghị thượng đỉnh sắp tới, và khả năng cải cách, mở cửa ở Bắc Triều Tiên trong tương lai.
Tài liệu tham khảo: