Vốn bị mù bẩm sinh từ nhỏ và sống ở làng chài nghèo khó ở Quảng Bình nhưng không vì thế mà làm anh phải chịu khuất phục số phận. Anh như cây xương rồng trên cát, cứ thế chống chọi với nắng rát, bão giông để sống và tồn tại và trở thành "cứu tinh" cho hàng ngàn ngư dân đang ngày đêm lên đênh trên biển cả.
Chuyện ghi bên mép sóng...
Gần 20 năm nay, hàng ngàn con tàu của làng bãi ngang Xuân Hòa (Quảng Xuân - Quảng Trạch - Quảng Bình) và nhiều địa phương trong cả nước có thể yên tâm bởi đất liền có "tổng đài" của anh Mỵ. Tổng đài đặc biệt này có thể kết nối được với đất liền và các tàu cá trên biển với nhau. Hàng ngày, anh Mỵ thường bật máy bộ đàm để liên lạc và chuyển tin cho ngư dân đang đánh bắt cá ngoài biển với người thân ở đất liền... Anh trở thành “tổng đài” nối 2 miền biển và đất liền cho những chuyến ra khơi của bà con ngư dân.
Trong căn nhà ba gian nằm ngay giữa làng Xuân Hòa, một lần nữa nghe anh trải lòng về cuộc sống và những ước mơ, khát vọng của mình. |
Là một chàng trai khỏe mạnh nhưng mù lòa, anh Mỵ không thể đi biển. Năm 24 tuổi, hạnh phúc đến với anh khi được người con gái làng bãi ngang mến cái tính, quý cái đức mà nên duyên vợ chồng. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, 5 lần sinh nở thì 3 lần vợ chồng anh gánh nỗi bất hạnh: 3 đứa con đầu của anh chị đều nghễnh ngãng và có nguy cơ bị mù giống cha.
Khó khăn chồng chất khó khăn đến nỗi mấy bố con có lúc phải dắt díu nhau đi ăn xin, vợ anh đi buôn bán và trở thành trụ cột chính trong gia đình. Chính lúc này, anh nhận thấy sống mãi như vậy không được. Những ngày ngồi nhà, anh nảy ra ý nghĩ làm bộ đàm liên lạc với anh em ngoài khơi, vì bình thường mỗi chuyến tàu ra khơi thường ít nhất 10 ngày lênh đênh trên biển, rất ít khi bắt được sóng của đất liền. Vốn ham học hỏi, thấy có người định vứt bỏ cái máy bộ đàm cũ đã bị hỏng, anh liền xin về mày mò thử sửa chữa và chữa được thật.
"Bà Chúa" gà Đông Tảo thời hiện đại khiến nhiều người thán phục
(GDVN) - Dám nghĩ dám làm, bà Nguyễn Thị Mộc thôn Thống Nhất, xã Đông Tảo đã trải qua bao vất vả khó khăn nỗ lực vượt khó đi lên làm giàu từ nuôi gà Đông Tảo
Được vợ con và dân làng ủng hộ, anh dùng chiếc máy bộ đàm đó để báo tin tránh bão cho bà con trên biển. Cái tên gọi thân mật “tổng đài biển gọi” ra đời. Từ đó, dân làng không xảy ra vụ tai nạn biển nào, các thuyền viên đã kịp tránh những trận cuồng phong khi bão bất ngờ ập tới.
Ngoài chuyện thông tin thời tiết, chiếc máy bộ đàm của anh Mỵ còn là nơi kết nối thông tin hai chiều giúp ngư dân trên biển có thể nắm rõ được tình hình cuộc sống của gia đình mình ở nhà và ngược lại.
Việc làm đầy ý nghĩa của anh được bà con rất yêu quý và cứ sau mỗi chuyến ra khơi, họ đều chia sẻ với gia đình anh Mỵ "chiến lợi phẩm" là những con tôm con cá thật ngon để giúp gia đình anh và cùng anh lai rai đôi ba ly rượu, đàn hát để cho quên đi những ngày tháng lao động vất vả giữa biển khơi...
Và khát vọng sống như những đóa hoa...
Thời gian đã làm cho tổng đài đặc biệt này của anh Mỵ không gói gọn trong khuôn khổ của ngư dân nữa mà câu chuyện vượt lên số phận của anh đã vang xa được nhiều người biết đến. Có nhiều tổ chức xã hội cũng như nhiều cá nhân đã giúp đỡ gia đình anh với hy vọng để anh có chút niềm vui nhìn thấy cuộc đời và con người xung quanh anh.
Hy vọng rồi lại thất vọng nhưng số phận vẫn không quay lưng lại với anh. Số phận đã mang lại cho gia đình anh hai đứa con út khỏe mạnh và đôi mắt sáng để giúp đỡ anh.
Cuộc sống khó khăn vẫn cứ bám lấy số phận mù lòa của gia đình anh. Cực khó nhưng anh Mỵ không chịu khuất phục số phận mà biết vươn lên để chăm lo cho gia đình, đó là niềm vui của cuộc đời anh. Cách đây mấy năm, gia đình anh được hỗ trợ mua máy xát lúa nên hàng ngày bữa cơm của gia đình được cải thiện hơn.
Chị Thu vợ anh cười hãnh diện: “Mỗi ngày chiếc máy đẻ cho tôi 50-70 ngàn đồng. Trừ tiền điện, mỗi tháng tôi kiếm được triệu rưỡi đồng đấy". Mỗi khi nghe tiếng máy nổ, anh Mỵ không thể giấu được niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt. Cho dù đôi mắt bị mù anh vẫn đang thấy một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình mình.
Ngày ngày, anh Mỵ vẫn luôn túc trực bên “tổng đài biển gọi” 24/24 để giúp đỡ bà con kết nối biển khơi với đất liền. Những con đường xóm cát còn in dấu chân anh và vợ con hộc tốc chạy đi báo tin tức cho dân làng. Nhưng trong thâm tâm bà con làng biển Xuân Hòa đều không quên hình ảnh về một người khuyết tật đã góp phần đem lại bình yên cho họ trong mỗi chuyến ra khơi.
Anh tâm sự, 2 đứa con út đều khỏe mạnh và không phải chịu nỗi bất hạnh như cha và các chị. Cả hai đều ngoan ngoãn và chăm chỉ làm việc, kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Đó là niềm hạnh phúc và hy vọng lớn nhất của gia đình anh bây giờ.