Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Raheel Sharif và ông Du Chính Thanh. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tờ The Nation của Pakistan ngày 27/1 đưa tin, Trung Quốc vừa tái khẳng định một lần nữa tình hữu nghị với Pakistan và cho rằng cả hai nước cùng chia sẻ mối quan tâm về một loạt các vấn đề trong và ngoài khu vực. Mạnh Kiến Trụ, thành viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Trưởng ban Chính pháp trung ương đã hội đàm với Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Raheel Sharif và gọi mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan là "trên cả đặc biệt".
Ông Trụ phát biểu: "Mối quan tâm của Pakistan cũng chính là mối quan tâm của Trung Quốc". Chuyến công du Bắc Kinh của tướng Raheel Sharif diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Obama đang thăm chính thức Ấn Độ, một động thái được xem như tìm kiếm sự ủng hộ của New Delhi để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.
Trong buổi tiếp tướng Raheel Sharif, ông Du Chính Thanh, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp trung ương cũng gọi Pakistan là người bạn đáng tin cậy nhất của Trung Quốc. "Pakistan đã luôn đứng cạnh Trung Quốc và Bắc Kinh cũng sẽ luôn đứng cạnh, giúp đỡ Pakistan trong mọi khía cạnh", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc thì nói, Pakistan là người bạn không thể thay thế trong mọi hoàn cảnh của Trung Quốc, Pakistan và Trung Quốc có cùng chung một vận mệnh. Theo The Diplomat ngày 27/1, trong chuyến công du Bắc Kinh tướng Raheel Sharif còn gặp gỡ hội đàm với Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng, Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch quân ủy trung ương.
The Diplomat bình luận, mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc với Pakistan từ lâu đã là một trở ngại cho quan hệ Trung - Ấn gần gũi hơn. Với việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nỗ lực củng cố quan hệ Mỹ - Ấn, Bắc Kinh có thể nhắc nhở New Delhi rằng Trung Nam Hải cũng có những người bạn khác đang hoạt động trong khu vực Nam Á.
Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ bất kỳ liên hệ nào với mối đe dọa từ chuyến thăm Ấn Độ của Obama. Tân Hoa Xã tự tin cho rằng hội nghị thượng đỉnh Narendra Modi - Barack Obama không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Trung - Ấn "lâu đời".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Pakistan Mamnoon Hunssain. Ảnh: The Economist. |
Thời báo Hoàn Cầu thì chỉ trích truyền thông phương Tây đang đặt Bắc Kinh và New Delhi vào thế đối đầu. Tuy nhiên xã luận của Thời báo Hoàn Cầu cũng cảnh báo Ấn Độ rằng nước này đang "trượt vào cái bẫy của phương Tây với trò chơi giữa Bắc Kinh và New Delhi". Cả Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu đều nói rằng Ấn Độ cần Trung Quốc để hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.
Theo The Diplomat, việc Trung Quốc "ôm chặt" Pakistan có thể là một lời nhắc nhở tế nhị rằng, Ấn Độ nên chăm sóc mối quan hệ với Bắc Kinh chứ không nên tìm cách xa lánh.
Trước đó hôm 24/1 tờ The Economis bình luận, Pakistan và Trung Quốc là đồng minh địa chính trị, tuy nhiên quan hệ giữa 2 đồng minh này không phải không có những mối lo âu. Andrew Small, một chuyên gia về châu Á tại quỹ Marshall tại Hoa Kỳ bình luận, Trung Quốc đang ngày càng khó tính trong đòi hỏi Pakistan phải xử lý mạnh tay hơn các phần từ Hồi giáo cực đoan qua biên giới.
Trung Quốc phàn nàn rằng Pakistan đã không đủ nỗ lực để phá hủy nơi trú ẩn của nhóm Hồi giáo Đông Turkestan từ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chạy sang. "Trung Quốc nắm rất chắc hầu hết mọi thứ ở Pakistan, từ chính trị, an ninh, kinh tế cho đến những thứ có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương, nhưng có một phần Bắc Kinh không nắm được: Hồi giáo."
Một sự kiện "đáng xấu hổ" đã xảy ra khi Tư lệnh quân đội Pakistan tướng Ashfaq Parvez Kayani đến thăm Trung Quốc lần cuối trước khi nghỉ hưu vào tháng 10 năm 2013, một chiếc xe chở 3 người Duy Ngô Nhĩ chứa đầy thuốc nổ đã phát nổ và bốc cháy ngay trên quảng trường Thiên An Môn. Theo Andrew, quan hệ Trung Quốc - Pakistan được thiết lập dưới thời Mao Trạch Đông và dựa trên sự thù địch chung với Ấn Độ.
Trung Quốc giúp Pakistan có được bom hạt nhân và là nhà cung cấp vũ khí, khí tài quân sự lớn nhất cho Pakistan. Hiện tại Bắc Kinh đang xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân khá lớn nhằm hỗ trợ Pakistan giảm bớt vấn nạn thiếu hụt năng lượng. Khi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn châu Á, Pakistan đã trở thành trung tâm của kế hoạch Bắc Kinh muốn xây dựng một mạng lưới cảng khẩu, đường ống khí đốt, đường bộ và đường sắt, vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông.
Chính phủ Trung Quốc đưa ra hàng chục tỉ USD cho các dự án của Pakistan. Bắc Kinh biện hộ về mức chi tiêu quá nhiều là để mang lại sự ổn định cho Pakistan.