Phạm Tuân: Cuộc đời cho tôi những cái duyên may mắn hết sức tình cờ

11/03/2012 20:31
Theo Vnexpress
Chia sẻ về tương lai nền vũ trụ Việt Nam, ông tin rằng, bay vào vũ trụ không khó. Nước ta sẽ tiếp tục có người bay vào vũ trụ để nghiên cứu khoa học.
“Cuộc đời cho tôi những cái duyên may mắn hết sức tình cờ. Tôi tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không” cũng là tình cờ. Việt Nam có một mình tôi bay vào vũ trụ cũng là tình cờ”.
Đó là chia sẻ của anh hùng Phạm Tuân khi trả lời phỏng vấn báo Vnexpress sau 32 năm ông vinh dự được bay vào vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân.
Anh hùng Phạm Tuân.
Phạm Tuân không chỉ là người đầu tiên của Việt Nam mà còn của châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô.

Thành tích này đã giúp ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1980), kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh và vinh dự trở thành một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô khi tuổi đời mới 33.
Kể lại về chuyến bay vào vũ trụ 32 năm về trước, ông tự nhận mình là người may mắn khi được cùng nhà du hành Viktor Gorbatko điều khiển con tàu.
Để có thể được tuyển vào vị trí ấy, ông đã phải nỗ lực rất nhiều, rèn luyện rất nhiều về thể chất cũng như học thức, bản lĩnh. Phạm Tuân cho rằng, có rèn luyện, có sức khỏe, có trí thức là có tất cả.
Thế nhưng, bay vào vũ trụ, sống trong vũ trụ chẳng phải điều dễ dàng, nhất là khi ông phải chịu khó khăn lớn về sức khoẻ.
Những tác động về mặt thần kinh khi tốc độ quay trên vũ trụ lớn hơn Trái Đất gấp 3 lần, những áp lực về tâm lý khi thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ rộng lớn… là những trở ngại không nhỏ chút nào đối với chàng trai Việt Nam hồi ấy.
8 ngày trên vũ trụ, phải sống trong điều kiện mất trọng lượng, máu dồn lên não, ông thừa nhận từng bị rối loạn hệ thống tiền đình khi ở ngoài vũ trụ.
Mặc dù vậy, ông nhận thức rõ không ai có thể làm thay công việc của mình. Do đó, ông tự nhủ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và trên thực tế, ông đã làm được điều đó.
Trong thời gian trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Ông cũng tiến hành các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu. 
Thêm vào đó, ông còn chụp được ảnh quê hương Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất.
Nhìn nhận về sự kiện trọng đại ấy của đời mình, ông cho rằng, chuyến bay vào vũ trụ này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa chính trị bởi quan hệ Việt - Xô luôn thân tình trong cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Phạm Tuân và nhà du hành Viktor Gorbatko.
Phạm Tuân và nhà du hành Viktor Gorbatko.
Chia sẻ về tương lai nền vũ trụ Việt Nam, ông tin rằng, bay vào vũ trụ không khó. Nước ta sẽ tiếp tục có người bay vào vũ trụ để nghiên cứu khoa học. 
Nhưng nền vũ trụ của Việt Nam đã tụt hậu so với nhiều nước khác. Theo ông, Việt Nam nên tận dụng khai thác cái mà nước ngoài đã có, đã làm nên. 
Từ năm 2008, Phạm Tuân đã nghỉ hưu. Hiện giờ, ông dành nhiều thời gian cho các công việc gia đình, tham gia các hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ, gặp gỡ bạn bè hay chăm sóc những giỏ phong lan. 

Phạm Tuân cũng bày tỏ sự tin tưởng vào giới trẻ Việt Nam vì theo ông, thế hệ trẻ năng động và tài giỏi hơn thế hệ thời ông nhiều.
Cuộc sống ngoài vũ trụ nhiều khắc nghiệt nhưng “nếu giờ cho bay, tôi vẫn bay” – ông khẳng định.
Theo Vnexpress