Phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững

15/11/2023 11:01
Theo Nhandan.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng 15/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế của người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời, là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Hội nghị này với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” - cũng là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023.

Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo.

Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành phải nỗ lực hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn, thách thức nhìn thấy, trải qua; trong đó đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng còn gây hậu quả nặng nề; chiến tranh, xung đột nổ ra ở một số nơi trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm…

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, xuất phát điểm thì thấp, độ mở nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, những yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức, chúng ta cũng không ít thời cơ, thuận lợi, vấn đề là chúng ta phải tìm ra giải pháp hóa giải những khó khăn, vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển. Ngành du lịch cũng như vậy.

Trong khó khăn thì chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội. Vấn đề là chúng ta phải cùng nhau khai thác tốt nhất những cơ hội có thể đến, hóa giải những khó khăn đã và đang đối mặt.

Thủ tướng đánh giá, nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được lãi suất, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi; bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn như: thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…; trong đó có ngành du lịch. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải phát hiện vấn đề, từ đó có giải pháp phù hợp.

Theo Thủ tướng, tình hình du lịch thời gian qua khởi sắc hơn: đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt khách, là điểm sáng, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Tuy nhiên, du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Bên cạnh đó, ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc nhiều năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.

Điều quan trọng, chúng ta phải nhận diện khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, phải đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tốt hơn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải câu hỏi mà ngành du lịch đang phải đối mặt, cần thực hiện thời gian tới:

Một là, nhận diện thời cơ và thách thức của Du lịch Việt Nam một cách khách quan, trung thực.

Hai là, chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, thành công của các nước trên thế giới; những kinh nghiệm hay, bài học quý mà chúng ta thu được trong quá trình phát triển du lịch.

Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững; trong đó, cần tập trung nêu rõ: vấn đề thể chế phải giải quyết những gì?

Cơ chế, chính sách phải có đột phá gì? Vấn đề nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, thương hiệu du lịch? Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới? Vấn đề cách thức quản trị quốc gia, từng bộ, ngành, địa phương như thế nào? Cách quản trị của từng doanh nghiệp làm du lịch phù hợp điều kiện mới?

Các cấp, các ngành phải phối hợp với nhau như thế nào để tạo ra sức mạnh chung? Các doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp liên quan du lịch như: giao thông vận tải, phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú… cũng phải phối hợp như thế nào?

Nêu rõ, thời gian có hạn, nội dung thì nhiều, yêu cầu thì cao, vì vậy, Thủ tướng mong các đại biểu dành thời gian, tập trung trí tuệ, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình và đất nước để đóng góp các giải pháp mang tính đột phá để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận đổi mới để giải quyết vấn đề tốt hơn.

Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Việc phục hồi, phát triển du lịch từ đầu năm 2023 đến nay đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:

Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi.

Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như: quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.

Ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới.

Du lịch đã từng bước khôi phục trở lại, năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so cùng kỳ.

Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng khoảng 50%-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.

Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021, Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so năm 2019.

Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số xếp hạng này cao nhất.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu phục hồi và phát triển như sau:

Năm 2023, khách du lịch quốc tế: đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 từ 12 triệu lượt đến 13 triệu lượt (so với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trước đó); khách du lịch nội địa: 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch: khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu.

Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm; đóng góp trực tiếp từ 6-8% trong GDP; nhu cầu buồng lưu trú: khoảng 1,1 triệu buồng; tạo việc làm: 5,5 triệu việc làm, trong đó, khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.

Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm; đóng góp trực tiếp từ 10-13% trong GDP.

Nhu cầu buồng lưu trú: khoảng 2,0 triệu buồng. Tạo việc làm: 10,1 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,3 triệu việc làm trực tiếp.

Theo Nhandan.vn