Phi công buôn lậu, lãnh đạo Vietnam Airlines có trách nhiệm gì?

21/01/2019 06:40
Tùng Dương
(GDVN) - Luật hàng không quy định rất chặt chẽ về hàng hóa vận chuyển bằng máy bay. Tuyệt đối cấm vận chuyển hàng lậu, đặc biệt là với nhân viên của hãng bay.

Trong nhiều năm qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã xảy ra nhiều vụ phi công và tiếp viên buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vi phạm các quy định của pháp luật.

Bốc xếp hàng hóa lên máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: Tùng Dương.
Bốc xếp hàng hóa lên máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: Tùng Dương.

Gần đây nhất vào ngày 15/1/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin Công an quận Tân Bình đang mở rộng điều tra vụ mua bán hàng hóa nhập lậu do cơ trưởng Vietnam Airlines thực hiện.

Trước đó vào ngày 11/01, cơ trưởng Vietnam Airlines đang giao số lượng nước hoa không có hóa đơn chứng từ tại cột A15, ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất cho đối tượng Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1960, ngụ quận Gò Vấp) thì lực lượng Công an Đồn Công an cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ập đến bắt giữ.

Tang vật nhà chức trách thu giữ gồm 120 chai nước hoa các nhãn hiệu như Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance và 3 điện thoại di động, ước tính tổng giá trị lô hàng khoảng 4300 Euro.

Những vụ việc liên tiếp như vậy thì hệ lụy của nó dẫn đến Vietnam Airlines đang làm mất lòng tin của khách hàng và làm xấu đi hình ảnh của Quốc gia trên trường Quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu giao thông nêu quan điểm: “Trong việc cụ thể này phi công Vietnam Airlines buôn lậu thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Tổng giám đốc và những người lãnh đạo của Vietnam Airlines”.

Qua những vụ việc như vậy thấy rằng Vietnam Airlines giáo dục nhân viên không đến nơi đến chốn, thiếu tính kỷ luật, thiếu nhân văn, thiếu trách nhiệm với dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông. Ảnh: giaoduc.net.vn
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông. Ảnh: giaoduc.net.vn

“Lãnh đạo của Vietnam Airlines chỉ chú trọng đến đào tạo chuyên môn mà quên mất là đào tạo về đạo đức cũng quan trọng không kém. Đây không phải lần đầu xảy ra vi phạm, mà liên tục trong những năm qua đã có nhiều phi công, tiếp viên vi phạm”, ông Thủy nói.

Một nhân viên của Vietnam Airlines có đạo đức tốt, có chuyên môn tốt cũng sẽ góp phần rất lớn đến quảng bá đất nước Việt Nam ra thế giới vì họ chính là những đại diện của Việt Nam trên các đường bay toàn cầu.

Vietnam Airlines quản lý lỏng lẻo, phi công và tiếp viên nhiều lần buôn lậu

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy dẫn ra thí dụ trong vụ xe container đâm chết người mới đây, tài xế lái xe container đã sai nhưng đồng thời trách nhiệm còn thuộc về người chủ của chiếc xe đó.

Người chủ xe đó đã không quản lý được, không làm hết trách nhiệm của mình với người lái xe nên dẫn đến gây chết người, hậu quả nghiêm trọng.

Trong sự việc này cũng vậy, Tổng giám đốc và lãnh đạo của Vietnam Airlines có phần trách nhiệm.

Việc buôn lậu, vận chuyển hàng cấm là một vấn đề rất trầm trọng, nó càng nguy hiểm hơn khi phi công, tiếp viên làm việc sai pháp luật ngay trong khi thi hành nhiệm vụ mà phía sau tay lái của họ là hàng trăm sinh mạng.

Vừa thi hành nhiệm vụ nhưng đầu óc cứ mải nghĩ đến mua, bán, gian lận thì còn tâm trí đâu mà tập trung vào chuyên môn. Điều đó gây mất lòng tin trong nhân dân, những người giao cả tính mạng của mình vào tay những viên phi công đó.

Điều đó thể hiện sự không chuyên nghiệp trong công việc chuyên môn, coi thường tính mạng hành khách.

Nếu lí giải cho việc này là vì lương thấp thì hoàn toàn không đúng, với mặt bằng thu nhập xã hội hiện nay thì lương phi công là hàng trăm triệu mỗi tháng, nếu không muốn nói là rất cao so với mặt bằng chung.

"Phi công hay tiếp viên không thể đổ lỗi cho thu nhập thấp để bao biện cho hành vi buôn lậu trái pháp luật của mình", ông Thủy nói.

Việc như phi công hay tiếp viên của Vietnam Airlines khi ra nước ngoài gom, mua hàng số lượng lớn thì người dân nước sở tại đều biết, đó là vấn đề về đạo đức, nó làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trên thế giới.

Nếu thực sự lãnh đạo Vietnam Airlines sâu sát hơn nữa, nhắc nhở, giám sát, chú trọng về vấn đề đạo đức của nhân viên, có làm tốt được việc đó thì mới đẩy lùi được nạn vận chuyển, buôn lậu trong giới phi công và tiếp viên.

Chỉ có đẩy lùi được nạn buôn lậu thì mới lấy lại được lòng tin của người dân và bạn bè Quốc tế đối với Vietnam Airlines, đây cũng là vấn đề quan trọng về quốc thể.

Theo ông Thủy: “Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cần thay đổi mạnh về cách giáo dục nhân viên của mình, cả về chuyên môn và tư cách đạo đức chứ không thể để như hiện nay.

Còn nếu nói rằng anh nào vi phạm pháp luật thì anh đó chịu, lãnh đạo Vietnam Airlines vô can là vô trách nhiệm với hàng trăm sinh mạng của nhân dân và danh dự của tổ quốc

Như vậy thì Tổng giám đốc Vietnam Airlines không thể đứng ngoài cuộc, nên nhận trách nhiệm xem xét nghiêm túc lại quy trình làm việc, về tư cách đạo đức cũng như những việc làm trái pháp luật của nhân viên".

Tùng Dương