Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh bà Kwakwa đến dự Hội nghị WEF ASEAN lần này, cho rằng việc tham dự của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam trân trọng những hỗ trợ của WB dành cho Việt Nam, không chỉ qua việc cung cấp các khoản vay dài hạn mà còn là những tư vấn chính sách, giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô.
Chính phủ Việt Nam ủng hộ chính sách tăng vốn của WB nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính dài hạn cho các thành viên. Chính phủ Việt Nam đã nhận được dự thảo các nghị quyết tăng vốn của WB và hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Bày tỏ cảm ơn WB và cá nhân bà Victoria Kwakwa đã vận động tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng cũng đề nghị WB hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại tập trung vào các lĩnh vực cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tái cơ cấu nền kinh tế...
Với nhu cầu phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị WB tư vấn, có hình thức phối hợp với các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để đồng tài trợ cho Việt Nam.
Cảm ơn WB tại Việt Nam vừa qua đã hỗ trợ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết, vào dịp Lễ ra mắt Ủy ban Chính phủ điện tử sắp tới, Thủ tướng sẽ dự lễ ký Khung hợp tác giữa WB tại Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Bà Kwakwa bày tỏ vui mừng quay trở lại Việt Nam sau 3 tháng, kể từ sau kỳ họp lần thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6).
Chúc mừng Việt Nam về những thành tựu kinh tế-xã hội thời gian qua, bà đánh giá, các chỉ số vĩ mô đều tích cực, như tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự trữ ngoại hối...
Đặc biệt, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và quốc tế được nâng lên. Mới đây, Việt Nam đã được Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam dài hạn bằng ngoại tệ và khoản vay không được bảo đảm lên mức Ba3 từ mức B1 và thay đổi triển vọng sang mức Ổn định (từ mức Tích cực).
Bà Kwawa cho rằng, kinh tế Việt Nam có triển vọng rất tốt thông qua xuất khẩu và FDI, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khả quan... Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% năm nay, mức cao trong khu vực và thế giới.
WEF ASEAN 2018: Chia sẻ tầm nhìn, khơi nguồn ý tưởng, kết nối giao thương |
Đánh giá nền kinh tế thế giới có những biến động, trong đó có các điều chỉnh về lãi suất, các chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các nhà đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi, bà Kwakwa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có những chính sách rõ ràng để giúp nhà đầu tư có niềm tin, tăng cường quản lý vĩ mô...
Bà cũng chúc mừng Việt Nam bởi kết quả các nghiên cứu gần đây cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới ngày càng lớn đối với tiềm năng của Việt Nam, nhất là kinh tế vĩ mô, chính trị xã hội ổn định và nhiều cơ hội phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Phó Chủ tịch WB cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục quản lý tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn khuyến nghị của bà Kwakwa với tư cách là một chuyên gia tài chính, xây dựng chính sách rất am hiểu về Việt Nam và luôn dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp.
Thủ tướng mong muốn bà Kwakwa tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam phát triển và hội nhập.