Chiều ngày 5.8, trong giờ nghỉ giải lao của Quốc hội, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trả lời về vấn đề rút kinh nghiệm sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản trong việc nghiên cứu, chuẩn bị dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Sau thảm hoạ sóng thần, động đất ở Nhật Bản gây nên sự cố nghiêm trọng về điện hạt nhân ở nước này, Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận như thế nào?
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thứ nhất là sự cố đó cho mình một cảnh báo để từ đó khi ta xem xét, đánh giá dự án thì sẽ phải cẩn thận hơn. Đặc biệt là phải quan tâm đến các khuyến cáo của IAIA và các cơ quan nghiên cứu về năng lượng nguyên tử trên thế giới. Nhưng điều quan trọng là ta phải quay lại đánh giá toàn bộ khả năng dự báo động đất ở Việt Nam. Hiện nay Chính phủ đã có văn bản giao cho các cơ quan xem xét, nghiên cứu lại toàn bộ các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải |
Ở đây liên quan đến các vấn đề dân sự rất nhiều. Hơn nữa, ta là nước đang phát triển nên việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dân cư rất lớn. Nếu không quan tâm đến yếu tố này thì như kinh nghiệm nhiều nước khi gặp sự cố thì hậu quả vô cùng lớn, đặc biệt là khu vực dân cư. Cho nên việc kiểm tra việc thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, chuẩn về động đất là việc tiếp tục phải làm.
Bộ Xây dựng, các bộ khi triển khai dự án, ủy ban nhân dân các địa phương, chủ đầu tư, cơ quan thiết kế... đều có trách nhiệm xem xét lại. Ví dụ như bộ Xây dựng khi đi kiểm tra việc xây dựng mà thấy chủ đầu tư không thiết kế theo chuẩn động đất cho phép là phải xử lý nghiêm, thậm chí phải phá đi nếu công trình đó không đúng chuẩn. Việc đó phải rất nghiêm ngặt.
Hiện nay dự án điện hạt nhân đang ở giai đoạn chuẩn bị nghiên cứu khả thi thì ta có điều kiện để đưa tất cả các yếu tố về an toàn vào để tính toán theo chuẩn quốc tế. Sau khi xảy ra thảm họa Fukushima thì Nhật và cả thế giới nói chung rút ra rất nhiều bài học, giải pháp. Ví dụ như giải pháp làm nguội các thanh nhiên liệu chẳng hạn, họ cũng đưa ra 3-4 giải pháp dự phòng ngoài các giải pháp vừa rồi chưa có tác dụng.
Cho nên, các giải pháp cho an toàn điện hạt nhân không phải là giải pháp của một quốc gia nữa mà là vấn đề của toàn thế giới. Nên các tổ chức khoa học về điện hạt nhân trên thế giới vẫn đang nghiên cứu để có giải pháp an toàn. Hiện cả thế giới có 400-500 nhà máy điện hạt nhân thì không phải một lúc mà đóng cửa hết được, mà bắt buộc phải có biện pháp an toàn hơn.
Tuy nhiên để tăng cường các giải pháp an toàn thì chi phí đầu tư cho điện hạt nhân rất lớn, cộng thêm nguy cơ về hậu quả có thể đem lại thì có nên chuyển hướng nghiên cứu sang đầu tư khai thác các dạng năng lượng phát điện khác để thay cho việc làm nhà máy điện hạt nhân?
Chi phí tăng lên thì rất đúng rồi, nhưng để xem chi phí đắt lên hay là có khả thi không về tài chính, có ngân hàng nào cho vay không thì phải nghiên cứu đã. Chưa nghiên cứu dự án thì ta chẳng biết gì cả. Nếu có các giải pháp thay thế thì tốt nhất ta phải làm các giải pháp thay thế đó. Vừa rồi Thủ tướng đã ban hành cơ chế phát triển điện gió, đồng thời giao cho các bộ nghiên cứu cơ chế phát triển điện địa nhiệt, điện mặt trời, điện sóng biển… Mình cố gắng phát huy tất cả các giải pháp để đáp ứng tất cả các nhu cầu phát điện.
Tất cả các giải pháp đó, theo ông có thể thay thế cho điện hạt nhân không?
Cho đến bây giờ các tính toán của chúng ta đều cho thấy chưa có khả năng đấy. Lý do là có một số nước có thể đáp ứng được, nhưng Việt Nam thì theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, các tính toán đến năm 2030, 2050 chúng ta chưa đủ nguồn năng lượng sơ cấp để làm chủ, đáp ứng hết nhu cầu điện được. Đã tính hết cả việc nhập khẩu điện, nhập khẩu than để phát điện đều rất khó khăn.
Chỉ có thể nói là chúng ta tận dụng hết các nguồn để phát triển điện sơ cấp thì giảm được nhu cầu phát triển điện hạt nhân.
Trong bối cảnh nhiều nước như Đức, Nhật Bản mặc dù cũng thiếu điện nhưng họ đã lên kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân, có một dự kiến nào trong Chính phủ hay cơ quan tham mưu cho Chính phủ về việc ta cũng không làm điện hạt nhân?
Cho đến giờ, kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam như tôi nói là vẫn phải thực hiện, làm báo cáo nghiên cứu khả thi đã. Trên cơ sở đó nếu thấy dự án an toàn, yên tâm được thì chúng ta làm.
Còn chúng ta tiếp tục đẩy mạnh làm các nguồn phát điện có khả năng thay thế nếu các nguồn, các tiềm năng đấy có thể giúp chúng ta đẩy lùi nhu cầu về phát triển điện hạt nhân, thay thế được thì chúng ta rất vui mừng thực hiện việc thay thế đó. Nhưng thực tế việc sử dụng năng lượng ở ta vẫn còn rất thấp, nên cùng với việc đáp ứng cung về năng lượng thì việc áp dụng công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng là một xu hướng phải thúc đẩy toàn dân thực hiện để giảm nhu cầu năng lượng.
Hiện nay, chúng ta đang sử dụng năng lượng rất lãng phí để làm ra một đơn vị GDP. Chúng ta còn tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn, chúng ta còn sử dụng công nghệ rất lạc hậu. Nên bây giờ, tất cả mọi người phải thấy rằng để giảm nhu cầu đầu tư điện hạt nhân thì trước hết hãy hành động thực tế nhất là sử dụng điện tiết kiệm, để nhu cầu sử dụng điện không bị đẩy lên cao quá mức.
Xin cám ơn phó thủ tướng.
Theo MẠNH QUÂN/Sài Gòn Tiếp thị