Tiết lộ tất tần tật “độc chiêu” quay bài của giới trẻ

16/04/2011 15:45
Để vượt qua những kỳ thi đầy khó khăn mà không phải vất vả ôn luyện, một số HS lười biếng đã tung ra nhiều “độc chiêu” tinh vi đến mức có thể qua mắt những vị giám thị khó tính...

Mặc dù đã siết chặt kỉ luật thi cử bằng nhiều cách nhưng qua mỗi kì thi, nhiều sân trường lại trắng “phao” thi.

Cổ điển, hiện đại… tất cả các cách đều đã được một số học sinh cố sử dụng để nhàn thân. Nhưng các em không ngờ, những “chiêu” gian lận này, để lại hậu quả khôn lường trong học tập.
 
Để vượt qua những kỳ thi đầy khó khăn mà không phải vất vả ôn luyện, một số học sinh lười biếng đã tung ra nhiều “độc chiêu” để “tác nghiệp” trước giám thị. Nhiều kiểu “quay” bài tinh vi đến mức có thể qua mắt những vị giám thị khó tính, trong những hoàn cảnh… éo le.
 
Kiểu cổ điển
 
Vào vai học sinh (HS) lười, đang “sốt vó” cho kì thi sắp tới, chúng tôi “lang thang” vào một số diễn đàn dành cho HS với mục đích kiếm tìm những “mánh” gian lận trong thi cử từ cổ chí kim. Với status: “muốn điểm cao mà hok cần học”, chúng tôi đã được một số bạn “cùng chung chí hướng” làm quen.

M.T đang chuẩn bị “phao” thi tại nhà. 

Theo lời khuyên của nhiều “tiền bối”, muốn được điểm cao mà không phải học chỉ có một cách hữu hiệu là rèn luyện kĩ năng “quay” bài. Học sinh có biệt danh Nh0chi94 ở TP.HCM chia sẻ: “Chúng tớ đã tập hợp được rất nhiều thủ thuật từ đơn giản đến tinh vi nhất bởi chính kinh nghiệm của các thành viên”. Khi chúng tôi ngỏ ý “tham khảo” để học hỏi thêm thì các bạn rất nhiệt tình... “chỉ giáo”.
 
Cuộc trò chuyện kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ với H.P (học sinh Trường THPT Trương Định, Hà Nội) đã giúp chúng tôi “khai sáng văn minh”. Những “độc chiêu” từ cổ điển đến hiện đại được cập nhật, không thiếu một kỹ năng nào. Theo H.P, cổ điển nhất là cách lấy nguyên sách giáo khoa và vở ghi. Ngày trước, công nghệ tin học, điện tử chưa phát triển, cách quen thuộc của HS khi gian lận trong giờ kiểm tra là bê nguyên cả quyển sách to tướng vào lớp, giấu dưới ngăn bàn thỉnh thoảng thò tay vào ngăn lôi “phao cứu trợ” ra xem, rồi lại cất vào ngăn. Đấy là “hạ sách” của những học sinh quá lười. “Ai “gan to” mới làm cách này vì dễ bị phát hiện lắm” – H.P cho biết.
 
Bạn M.T (Đông Triều, Quảng Ninh) cho hay, quay bằng “phao” giấy thu nhỏ, “phao ruột mèo” là kiểu phổ biến nhất hiện nay. Phương thức này có thể “tác nghiệp” bằng nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh... éo le. “Anh nào công phu thì đánh vi tính thành “phao ruột mèo”. Anh nào kém công nghệ thì làm nguyên quyển vở ghi (hoặc sách) ra ngoài hàng photo thu nhỏ lại, thế là vào lớp “tác nghiệp” ngon lành. Tài liệu thường được để trong hộp bút hoặc cài ở mặt sau của thẻ học sinh, khi mở ra xem thì mặt phải “lạnh tanh” và coi như lấy đồ dùng học tập, như thế mới không bị phát hiện”, M.T chia sẻ công nghệ.
 
Còn như M.H (Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) lại chọn cách lấy bút chì ghi lên thước kẻ. Khi làm bài, chỉ việc nhìn vào bóng chữ trên cây thước mà chép. Dụng cụ dễ kiếm, lại... an toàn vì giám thị ít ngờ tới. M.H bật mí: “Chỉ với cây bút chì, loại chì đậm và cây thước cũ (chống chỉ định thước mới vì độ bám chì thấp) nhưng đòi hỏi tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị”. Tuy nhiên, cách làm này nhiều lúc khiến “khổ chủ” rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” như trường hợp của V.A (cũng là học sinh Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng): “Thức đến 2h sáng viết tài liệu lên thước, hôm sau vừa đầu giờ kiểm tra, cô giáo hỏi mượn thước và tiện tay cầm ngay “cứu tinh” của mình về bàn. Báo hại, cả giờ mình cứ cắn bút nhìn cô... và cười”.
 
Kiểu công nghệ
 
Không chỉ trên mạng, dạo vài vòng qua một số “phố ôn thi” ở Hà Nội, nhiều chủ cửa hàng photo đã dàn dựng cho HS nhiều kiểu “quay” hiện đại hơn. Chỉ với cái USB có chức năng ghi âm, một chủ cửa hàng photo trên phố Tạ Quang Bửu “tác nghiệp” ngay trước đôi mắt tròn xoe của chúng tôi. Anh ta cho biết: “Phải ghi âm trước những câu trả lời trong đề cương vào USB, luồn tai nghe qua tay áo. Sau khi xem đề, xác định đúng câu mình cần rồi ấn... play. Khi thực hiện, tay phải viết, tay trái làm như chống cằm, thực ra là để giữ tai nghe”.
 
Trong kì thi ĐH - CĐ, dù đã nghiêm cấm điện thoại di động nhưng một số thí sinh vẫn cố tình mang vào phòng thi. Một sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã “lật tẩy” hành động này: “Có thể “quay” bài qua điện thoại di động bằng công nghệ bluetooth. Với 2 máy di động có bluetooth, kèm camera chất lượng khá khẩm, người trong phòng thi và người “chạy biên” sẽ trao đổi câu hỏi và câu trả lời cho nhau qua công nghệ này. Cách này phải có mối quan hệ với mấy đứa học giỏi. Không có những cao thủ đấy thì vô tác dụng và bluetooth phải “xịn”, không tậm tịt. Bên cạnh đó, điện thoại di động 3G dễ dàng truy cập Internet, cũng rất hữu hiệu đối với dạng thi trắc nghiệm”.
 
Và các kí hiệu riêng
 
Cách thi trắc nghiệm được áp dụng phổ biến với nhiều môn học. Kiểu thi này khiến một số HS “phát minh” ra những kí hiệu riêng trao đổi bài, gian lận trong kiểm tra. Đáp án của đề thi trắc nghiệm thường có 4 lựa chọn: A, B, C, D. Nhiều HS đã mặc định với nhau rằng 1 tương đương với A, cứ như thế 2,3,4 tương ứng với B,C,D. Khi giơ ngón tay phải giả vờ như đang gãi đầu hay chống cằm để tránh bị phát hiện.
 
Đề phòng khi nhất thời quên vì học “vẹt”, trước giờ kiểm tra, HS vào nhà vệ sinh gần nhất để tất cả tài liệu ở đó. Trong lúc làm bài, nhỡ quên mất ý nào thì xin đi vệ sinh, vào đó “lướt” đáp án khoảng 5-10 phút rồi trở lại làm bài.

 M.H kể về một giai thoại của lớp mình: “Hôm đó là giờ kiểm tra môn Lịch sử, đang trong thời gian làm bài, một bạn xin phép ra nhà vệ sinh. 5, 10, rồi 15 phút trôi qua vẫn không thấy bạn ấy quay lại. Trong không khí yên tĩnh bỗng vang lên tiếng gọi liên hồi “thầy ơi, thầy... cứu em với”, kèm theo là tiếng khóc nức nở. Thì ra, bạn ấy vào nhà vệ sinh xem tài liệu, nhưng khi vào đóng cửa quá mạnh khiến “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đến khi ra được thì cũng chả còn nhớ gì nữa”.

Còn nữa...
 
Theo Gia đình&xã hội