Bài viết “Một tuần soạn 29 giáo án viết tay, nhiều giáo viên Kỳ Sơn có phải là siêu nhân?” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 6/10 để phản ánh việc một tuần nhiều giáo viên nơi đây phải soạn tới 29 cái giáo án viết bằng tay.
Công văn chấn chỉnh hồ sơ sổ sách giáo viên của Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn (Ảnh CTV) |
Rất nhanh sau đó, vào ngày 7/10 Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã ban hành Công văn số 252/PGD&ĐT-GDTH về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường.
Công văn nêu rõ: “Thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BG&ĐT ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường cụ thể như:
l. Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách.
2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ sổ sách theo quy định.
Từng bước sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ sổ sách hiện hành theo điều kiện phù hợp với lộ trình của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
3. Phòng Giáo dục giao cho các Hiệu trưởng rà soát các điều kiện, nguyện vọng của giáo viên để ra Quyết định cho giáo viên được đánh máy khi sử dụng các loại tài liệu hay viết tay.
Tránh trường hợp giáo viên không biết gì về kiến thức Tin học (không biết đánh máy) nhưng vẫn soạn được bài và làm các loại hồ sơ khác bằng máy tính.
Thường xuyên kiểm tra việc đánh máy các loại hồ sơ của giáo viên, đặc biệt là bài soạn của giáo viên tải về nhưng không biết điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh hoặc nhờ người khác soạn hộ để có hồ sơ lưu.
4. Phòng Giáo dục sẽ xử lý nghiêm những giáo viên tải hồ sơ, giáo án trên mạng về nhưng không có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, làm hồ sơ mang tính chất đối phó, không có chất lượng.