Những năm gần đây, giáo viên đã quá quen thuộc với cụm từ “đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực cho học sinh” từ những hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục.
Việc đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu cần thiết, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thì yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh càng được chú trọng.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục lại đang có những chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên làm quá nhiều những việc vô bổ với vô vàn những kiểu “đồng phục” lỗi thời.
Học sinh đang được dạy theo hướng phát triển năng lực (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thời đại bây giờ mà lãnh đạo Sở, Phòng còn ban hành hướng dẫn, yêu cầu giáo viên soạn giáo án giảng dạy.
Thực tế giáo án có quan trọng lắm không? Nó quan trọng, nhưng chỉ phù hợp với những giáo viên mới ra trường còn non kinh nghiệm và chưa làm chủ được nội dung bài học mới phải lệ thuộc vào giáo án khi đứng lớp.
Phần lớn những giáo viên giảng dạy nhiều năm thì giáo án chỉ là “phần cứng” khi chuẩn bị cho bài dạy, còn khi lên lớp thì mấy ai còn ngó ngàng với giáo án nữa. Việc soạn giáo án, in giáo án hàng năm chỉ có một mục đích chính là để cho cấp trên kiểm tra, thanh tra mà thôi.
Giáo án của giáo viên soạn như thế nào có lẽ lãnh đạo ngành không cần thiết hàng năm phải hướng dẫn soạn theo mấy bước, mấy cột, mấy hoạt động làm gì. Mỗi người thầy có một cách hướng học sinh tiếp cận những kiến thức của riêng mình.
Miễn sao nội dung bài học được ngắn gọn, để học sinh dễ hiểu, dễ học. Mục đích cuối cùng của một bài học là giáo viên truyền đạt tốt kiến thức, học sinh lĩnh hội được kiến thức bài học thế là thành công mỹ mãn rồi.
Lãnh đạo cần gì phải hướng dẫn giáo viên soạn giáo án cụ thể hóa từng bước, từng hoạt động cho phiền toái. Hãy dành thời gian đó nghiên cứu, chỉ đạo những cái to tát hơn cho ngành.
Suốt 4 năm học sư phạm cùng với hàng chục năm giảng dạy thì người thầy thừa kinh nghiệm để có một bộ giáo án hoàn chỉnh cho riêng mình.
Đồng phục hồ sơ sổ sách
Không chỉ giáo án mà còn vô số những loại hồ sơ sổ sách cũng được làm theo mẫu và chồng lấn với nhau.
|
Nhiều loại sổ sách, kế hoạch được chia nhỏ ra mà đáng lẽ ra chỉ cần một loại sổ cũng bao hàm được rất nhiều loại sổ theo yêu cầu của lãnh đạo.
Chẳng hạn như chỉ cần cuốn giáo án thì trong giáo án đã có các địa chỉ tích hợp cụ thể, có sử dụng đồ dùng dạy học, có số tiết, số tuần, có từng chủ đề, có bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ…
Thế nhưng, hướng dẫn của Sở, Phòng là phải có sổ tích hợp, sổ sử dụng đồ dùng dạy học, sổ báo giảng, kế hoạch giảng dạy, phân phối chương trình, kế hoạch dạy chủ đề, bài kiểm tra riêng…
Khi ký duyệt giáo án, kiểm tra, thanh tra chuyên môn, những người có trách nhiệm kiểm tra chỉ cần lật các trang giáo án cũng đã thấy giáo viên lồng ghép tất cả vào trong đó. Điều này giúp cho giáo viên đỡ mất công, đỡ tốn giấy mực in ấn và lưu trữ.
Vậy nhưng, mỗi khi Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường kiểm tra thì họ cứ yêu cầu phải có những các loại hồ sơ, sổ sách, kế hoạch theo quy định…thiếu cái nào thì ghi vào biên bản cái đó.
Trong khi, Bộ Giáo dục đã nhiều lần ban hành Thông tư, Công văn chấn chỉnh về hồ sơ số sách nhưng có lẽ thực tế vẫn rất xa vời đối với giáo viên giảng dạy.
Yêu cầu dạy phát triển năng lực cho học sinh mà thầy cô lại bị… trói!
Ngành giáo dục đang từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy từ truyền đạt, áp đặt kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh. Khuyến khích học sinh tự học, tự sáng tạo, tự phát huy khả năng, năng lực của mình.
Thế mà, giáo viên thì lại được hướng dẫn cụ thể để soạn giáo án, thực hiện hồ sơ như những học sinh…tiểu học. Giáo viên làm theo thì tức mà không làm theo thì bị phê bình, kỷ luật, bị nêu tên sau mỗi lần kiểm tra của trường, của Phòng, của Sở.
Nhiều địa phương đã dừng dạy chương trình VNEN nhưng vẫn bắt giáo viên theo VNEN |
Tại sao không cởi trói cho giáo viên những công việc vô bổ, những loại giấy tờ không có tác dụng để người thầy có thời gian tự nghiên cứu, học tập, sáng tạo, đổi mới trong dạy học?
Ngoài số tiết quy định giảng dạy trên lớp thì về nhà chỉ lo soạn lại giáo án theo 5 bước của VNEN (dù nhiều giáo viên chưa từng được tập huấn, giảng dạy VNEN) cũng khiến cho giáo viên đau đầu. Những thầy cô dạy nhiều tiết như Toán, Văn, tiếng Anh thì mỗi tuần dạy 2 khối sẽ có 6-9 tiết học.
Mỗi tiết dạy mà ngồi soạn giáo án cũng mất cả buổi…Rồi chấm bài, hoàn thiện các loại hồ sơ, sổ sách, chuẩn bị thao giảng, tham gia phong trào, ôn học sinh giỏi… khiến cho nhiều thầy cô quay như chong chóng khi vào thời điểm đầu năm học.
Việc quy định soạn giáo án theo 5 bước VNEN và các loại hồ sơ sổ sách là áp đặt, bắt giáo viên phải bắt buộc thực hiện thì đương nhiên giáo viên phải làm, phải dành thời gian cho những loại hồ sơ vô bổ theo quy định.
Có vị chuyên viên là trưởng Hội đồng bộ môn của Sở khi tập huấn cho giáo viên nói với chúng tôi rằng nếu thầy cô mà đi thi giáo viên giỏi không soạn theo 5 bước của trường học mới thì sẽ bị loại từ…vòng gửi xe!
Chao ôi! Muốn phát triển năng lực cho học sinh thì đầu tiên người thầy phải được phát triển năng lực trước nhưng với cách quản lý hiện nay thì người thầy đâu được chú trọng và thời gian đâu để phát triển chuyên môn?
Tất nhiên, làm tốt được cái này thì cái khác sẽ phải lơi đi và mục tiêu cốt lõi trong đổi mới giáo dục sẽ khó đạt được khi mà giáo viên cứ phải đối phó với quá nhiều những công việc vô bổ hàng ngày…!