Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ còn 35 con tê giác Java sinh sống trong môi trường hoang dã và không có một con nào được nuôi nhốt. Năm 2011, Việt Nam đã chính thức tuyên bố loài tê giác Java hoàn toàn bị tuyệt chủng.
Trước đây, hình ảnh tê giác Java vốn được xem là biểu tượng của các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Myanma, Việt Nam và Indonesia. Song giờ đây, chỉ còn vài cá thể sinh tồn trên hòn đảo Java của Indonesia.
Tê giác Java tại Công viên quốc gia Ujung Kulon trên hòn đảo Java của Indonesia |
Từ trước tới nay, không một sở thú nào trên thế giới ngay cả các chương trình nhân giống có thể tạo ra một con tê giác Java. Với những người tận tâm bảo vệ loài động vật ăn cỏ khổng lồ này cũng hiếm khi được chứng kiến tận mắt hình ảnh của chúng trong môi trường tự nhiên.
Giám đốc Dự án tê giác châu Á - Kerry Crosbie cho biết: “Tôi đã 3 lần đi khám phá môi trường sống của tê giác Java và chỉ nhìn thấy những dấu chân của chúng. Bạn phải là người may mắn mới có thể nhìn thấy một con tê giác Java”.
Với những hình ảnh thu được từ thiết bị camera và dấu chân in hằn trên mặt đất tại Công viên quốc gia Ujung Kulon – khu vực phía tây đảo Java, các nhà khoa học có thể khẳng định loài tê giác Java vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên với số cá thể ít ỏi.
Công viên Ujung Kulon – pháo đài cuối cùng của loài tê giác Java hiện là nơi cư trú của 35 cá thể tê giác quý hiểm với 22 con cái và 13 con đực cùng 5 tê giác con. Tuy nhiên, theo NGO – một chương trình bảo vệ tê giác của Indonesian, tổng số tê giác sinh sống trong môi trường tự nhiên là 47 cá thể.
Bản thống kê số lượng cá thể tê giác Java còn lại trên Trái đất đã cho thấy hậu quả từ việc mất môi trường sống và săn bắn trái phép diễn ra hoành hành trong thời gian trước đây. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp tê giác Java vào danh mục các loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong khi đó, một số chuyên gia bảo tồn lại tỏ ra bi quan trước khả năng phục hồi số lượng loài tê giác Java châu Á quý hiếm. Số liệu năm 1967 cho thấy 25 cá thể tê giác Java sinh sống trong môi trường tự nhiên và cho tới nay, con số này chỉ là 35 con. Đồng nghĩa với việc khả năng sinh sản và phát triển của tê giác Java diễn ra rất chậm.
Thông thường, giai đoạn sinh sản của tê giác Java mẹ là 3 năm/lần. Thời kỳ mang thai kéo dài 16 tháng.
Song môi trường sống của loài động vật ăn cỏ này luôn bị thiên tai đe dọa. Điển hình vào năm 1883, trận phun trào núi lửa trên đảo Krakatoa – hòn đảo nằm gần đảo Java đã tàn phá toàn bộ môi trường xung quanh khiến loài tê giác Java cũng phải chịu chung số phận.
Ngoài ra, quá trình thảm thực vật thay đổi cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của tê giác khi số lượng cây báng – một giống cây thuộc họ cau đang phát triển mạnh mẽ lấn gần hết diện tích cây cỏ - nguồn thức ăn của tê giác.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là tê giác Java đang phải chiến đấu để giành lại nguồn thức ăn vốn đã khan hiếm với loài bò banteng – một giống gia súc địa phương có khả năng sinh sản và phát triển với tốc độ nhanh.
Khác với loài tê giác châu Phi, những kẻ săn bắn trái phép dường như không có cơ hội tiếp cận với quần thể tê giác Java nhờ mạng lưới bảo vệ chặt chẽ từ các nhân viên kiểm lâm.
Theo ông Adhi Hariyadi – đại diện Qũy động vật hoang dã thế giới (WWF) tại Indonesia, nếu quá trình khôi phục loài tê giác Java diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công, trong vòng 30 – 40 năm tới, số lượng tê giác có thể tăng thêm 20%.
Một trong những ví dụ điển hình là việc các nhà khoa học đã nhân giống thành công giống tê giác Ấn Độ vốn chỉ còn 35 cá thể nay đã tăng lên con số vài ngàn cá thể hay giống tê giác trắng chỉ còn 4 cá thể trong môi trường tự nhiên nay đã tăng lên hàng chục ngàn con.
“Tê giác góp phần quan trọng trong việc cân bằng số lượng hoa quả và duy trì hệ sinh thái khỏe mạnh. Trước đây, chúng ta có 12 loài tê giác song giờ đây con số này đã giảm xuống chỉ còn 5 loài. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ chúng”, Tim Flannery - nhà bảo tồn học Australia chia sẻ.
>> Lý giải tục lệ “người ăn thịt người” cổ xưa
>> 10 sinh vật kỳ dị nhất hành tinh ít người biết đến
>> Khám phá thế giới sinh vật muôn màu trong rừng già Amazon
>> Những "thuỷ quái" từng được cần thủ Jeremy Wade đưa lên bờ
>> Nghệ thuật 'siêu đẳng' của động vật khi ngụy trang (P2)
>> Sốc với cảnh cá voi lưng gù chết trong bể bơi của người
>> Kỳ hoa dị thảo trên vùng đảo huyền bí Socotra