Từ những giải pháp kỹ thuật…
Anh Đào Đình Huy - Trưởng phòng Vận hành cùng các anh em kỹ sư, công nhân của PVTEX giải thích cho chúng tôi những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại đặc biệt quan trọng trong sản xuất của nhà máy.
Đơn cử, trong đợt vận hành đầu tiên của phân xưởng sản xuất sợi Filament, việc PVTEX lần đầu tiên dám bỏ tiền ra thuê hai máy thổi khí là một giải pháp kỹ thuật cực kỳ quan trọng.
Công nhân vận hành PVTEX đang điều khiển hệ thống thổi khí mới. |
Trước hết, nói thuần túy về kỹ thuật, muốn vận hành các dây chuyền sản xuất sợi Filament thì điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống thổi khí.
Nhưng với tình hình thực tế về thiết bị lâu ngày không vận hành, thiếu nhân lực kỹ thuật tay nghề cao và đặc biệt là chi phí vận hành cao, chỉ tính riêng tiền điện cũng lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Phương án “thuê” máy thổi khí loại nhỏ, vừa linh hoạt trong sản xuất lại vừa tiết kiệm điện, chi phí bảo dưỡng bảo trì.
Các kỹ sư đã mạnh dạn thử “trích” một đường ống thổi vào hệ thống khí của phân xưởng, lắp đặt thêm 1 van điều áp.
Trong suốt 2 tuần vận hành thử 3 dây chuyền sản xuất sợi, chuyên gia bản quyền thiết bị máy kéo sợi của Hãng Bamag (Đức) đã phải thán phục trước sáng kiến này.
Cần phải nói thêm rằng, khi sử dụng máy thổi hơi cơ động, các kỹ sư và công nhân của PVTEX đã phải tính toán cũng như tham khảo khá nhiều nhà máy sản xuất sợi để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn.
Bởi đơn giản là Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là một hệ thống thiết bị thống nhất gồm 3 phân xưởng chính và 8 phân xưởng phụ trợ, trong đó có một phân xưởng khí điều khiển và công cụ.
Bởi vậy, vận hành từng phần mà không ảnh hưởng tới các phân xưởng khác cần một sự quyết đoán và tính toán khoa học kỹ lưỡng.
Công nhân giỏi Nguyễn Hoài Nam đang bắt sợi đưa vào cuộn. |
Để trả lời câu hỏi “tại sao phải bắt buộc sử dụng máy thổi khí mới ra sợi được”, anh Đào Đình Huy đã đưa chúng tôi xuống phân xưởng, vừa chỉ tận mắt từng công cụ, vừa giải thích quy trình sản xuất sợi Filament.
Trước tiên là các cuộn sợi nguyên liệu mà các anh gọi là “poi” được đặt lên giá cuộn. Công nhân kỹ thuật sẽ tìm đầu sợi của cuộn poi để “bắt” vào từng đầu ống máy. Mỗi sợi poi chỉ mảnh bằng 1/12 sợi tóc nên dễ dính và dễ đứt.
Chính vì vậy không thể dùng tay để cầm, kéo sợi tâu mà phải sử dụng một ống khí có đầu giống như chiếc bút bi để “bắt” đưa sợi vào các đầu cuộn sợi dạng ống.
Trong các ống đánh sợi cũng có luồng khí để hỗ trợ sợi giảm ma sát trong quá trình xe sợi.
Máy kéo sợi sẽ được phối hợp, định dạng trên dây chuyền để xe ra các loại sợi DTY có độ mảnh, tính chất cơ lý theo yêu cầu của khách hàng.
Anh Đào Đình Huy ví von:
Dùng máy thổi khí về nguyên tắc giống như con nhện giăng tơ nương theo chiều gió, không có máy thổi khí thì các sợi tơ cực kỳ mảnh sẽ đứt gãy ngay, đặc biệt là không đều tăm tắm được.
Ngẫm lại, không có trí tưởng tượng, sự liên hệ đến những gì đã quen thuộc, nằm lòng thì không thể nhớ, thấu hiểu được những công nghệ sản xuất thuộc dạng tiên tiến nhất hiện nay.
Hơn thế nữa, các anh còn liên tục cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm theo đúng với yêu cầu của từng khách hàng, ngày càng hoàn thiện bộ tài liệu vận hành chuẩn của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Đến sản xuất theo nhu cầu khách hàng
Một điều đặc biệt trong lần vận hành trở lại một phần Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ lần này là sự thay đổi tư duy.
Việc tối ưu hóa chất lượng sản phẩm không chỉ đến từ các giải pháp kỹ thuật mà còn xuất phát từ chính các yêu cầu, góp ý của khách hàng sử dụng sản phẩm của PVTEX.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam và thẳng thắn đặt lên bàn tất cả các vấn đề liên quan đến Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ từ lịch sử hình thành, quá trình vận hành đến hợp tác tiêu thụ sản phẩm…
Đặc biệt, lãnh đạo hai Tập đoàn đã thống nhất về tầm quan trọng của thị trường, định hướng sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Kỹ sư phòng thí nghiệm PVTEX kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm tại Nhà máy. |
Từ đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị thành viên đã thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường xơ sợi tổng hợp cho PVTEX cũng như các hỗ trợ về chuyên môn như đánh giá chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các đơn vị dùng thử sản phẩm sợi của PVTEX.
Chính vì vậy, thời gian qua, PVTEX đã tập trung sản xuất 3 loại sợi DTY theo đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Nhờ các phương án kỹ thuật, ổn định chất lượng sản phẩm liên tục 95-97% loại A, nên sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Hiện nay, toàn thể cán bộ, công nhân viên PVTEX đang nỗ lực từng ngày, tìm mọi giải pháp tốt nhất, khả thi nhất để vực dậy PVTEX, đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sớm vận hành ổn định và phát triển.
PVTEX và Tổ hợp APH (bao gồm Công ty cổ phần An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical và Reliance Pte.Ltd) đã hoàn thiện các nội dung để có thể đi đến ký kết hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2018.
Khoảng 500 tấn sợi DTY đã được PVTEX xuất xưởng phục vụ các doanh nghiệp dệt may trong nước. |
Việc hợp tác giữa PVTEX và APH sẽ từng bước đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sản xuất kinh doanh hiệu quả, bởi APH không chỉ có năng lực quản lý trong lĩnh vực xơ sợi tổng hợp mà còn có tài chính đủ mạnh để vận hành lâu dài toàn bộ nhà máy, hệ thống tiêu thụ sản phẩm và cung cấp nguyên liệu ổn định với giá cạnh tranh nhất trên thị trường.
Có thể thấy rằng, những nỗ lực của PVTEX nói riêng và quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung để đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành trở lại đã có hiệu quả rõ nét.
Anh Đào Đình Huy nói ngắn gọn với chúng tôi: “Vẫn phải cố gắng từng ngày thôi”. Đó cũng là tâm sự chung, đồng thời là niềm tin đối với sự hồi sinh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của những người lao động chân chính.
Thời gian qua, PVTEX đã tập trung sản xuất 3 loại sợi DTY theo đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nhờ các phương án kỹ thuật, ổn định chất lượng sản phẩm liên tục 95-97% loại A, nên sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. |