Quân đội Mỹ sẽ diễn tập tấn công hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc

17/06/2013 07:49
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ có kế hoạch phát triển nhiều loại vũ khí trang bị trong vũ trụ, xây dựng "hạm đội không gian", tổ chức các diễn tập liên quan đến "an ninh vũ trụ".
Lầu Năm Góc phát triển nhiều loại vũ khí vũ trụ mới, trong hình là máy bay không người lái siêu thanh Falcon HTV-2 của Mỹ.
Lầu Năm Góc phát triển nhiều loại vũ khí vũ trụ mới, trong hình là máy bay không người lái siêu thanh Falcon HTV-2 của Mỹ.

Các tờ báo như tạp chí "Take-off" Nga, "Thời báo Washington" Mỹ cho biết, mặc dù Mỹ luôn từ chối thừa nhận đưa ra các phương án tác chiến vũ trụ nhằm vào nước khác, nhưng gần đây hai kế hoạch tác chiến vũ trụ tuyệt mật của họ đã được tiết lộ.

Quân Mỹ không chỉ muốn tiến hành giám sát chặt chẽ các hoạt động trên vũ trụ của Trung Quốc và Nga, mà còn muốn đưa ra tàu mẹ không gian (máy bay không gian) sau 30-40 năm nữa để xác lập "ưu thế hỏa lực tuyệt đối".

Kế hoạch "Nổi giận vũ trụ" tuyệt mật bộc lộ

Tạp chí "Take-off" Nga dẫn lời một cựu quan chức hàng không vũ trụ Mỹ giấu tên cho biết, quân Mỹ có một kế hoạch tuyệt mật chưa từng công bố, kế hoạch này mang tên "Nổi giận vũ trụ", nội dung chính là sử dụng lực lượng khoa học công nghệ quân-dân dụng tiến hành nghiên cứu phát triển trang bị không gian, gồm có tên lửa không gian, vũ khí điện từ không gian, vệ tinh kiểu tự sát và vũ khí động năng không gian.

Căn cứ vào kế hoạch này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ triển khai 1-2 thiết bị bay không gian động cơ hạt nhân trên quỹ đạo vũ trụ vào khoảng năm 2050 (tương tự tàu mẹ không gian xuất hiện trong một tác phẩm khoa học viễn tưởng - tàu mẹ mang theo máy bay không gian), để tạo được ưu thế tác chiến vũ trụ trước Nga.

Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ
Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ

Tạp chí "Take-off" Nga cho biết, xét thấy tình hình chạy đua nghiêm trọng trong lĩnh vực vũ trụ, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tiến hành điều chỉnh đối với kế hoạch "Nổi giận vũ trụ": Đến khoảng năm 2040 sẽ triển khai tàu mẹ không gian động cơ hạt nhân đầu tiên, đến năm 2050 triển khai 3 tàu mẹ không gian và thành lập 3 "hạm đội không gian".

Mỗi hạm đội gồm có 1 tàu mẹ không gian, 4 tàu con thoi, 2 tàu kéo không gian, 1 trạm tiếp tế không gian. Những trang bị này đều có thể bay trên quỹ đạo vũ trụ cách Trái đất vài chục nghìn km.

Mỹ còn có kế hoạch trang bị những vũ khí tác chiến như tên lửa thông thường, tên lửa hạt nhân, vũ khí laser năng lượng cao, vũ khí động năng cùng với một số thiết bị do thám cho tàu mẹ không gian, để khi "nổ ra chiến tranh không gian đa chiều", tiêu diệt các loại mục tiêu quân sự quan trọng như tên lửa, tàu chiến, vệ tinh, phi thuyền trong vũ trụ, trên bầu trời, mặt đất, mặt biển của hai nước Trung Quốc và Nga, từ đó xác lập ưu thế hỏa lực tuyệt đối.

Tạp chí "Take-off" chỉ ra, từ việc điều chỉnh kế hoạch "Nổi giận vũ trụ" có thể nhìn thấy, mục tiêu chính của kế hoạch tác chiến vũ trụ quân Mỹ đã từ Nga chuyển thành hai nước Nga-Trung. Đối với hai nước lớn hàng không vũ trụ như Nga và Trung Quốc, quân Mỹ muốn thực hiện 5 mục tiêu nhằm kiểm soát vũ trụ gồm: Một là bảo đảm cho các thiết bị bay của quân Mỹ tự do hoạt động trong vũ trụ, tức là tự do thực hiện nhiệm vụ phóng và thu hồi thiết bị không gian cùng với vận chuyển chiến lược không gian.

Hai là giám sát toàn diện hoạt động không gian của hai nước Trung-Nga, có thể theo dõi trong thời gian thực đối với các động thái trên vũ trụ, làm rõ vị trí và đặc tính của các thiết bị bay vũ trụ của Trung-Nga.

Ba là bảo vệ hệ thống hàng không vũ trụ của Mỹ và đồng minh không bị hai nước Trung Quốc, Nga "gây phiền phức". Bốn là ngăn chặn Trung Quốc và Nga sử dụng "không chính đáng" hệ thống hàng không vũ trụ của họ, tức là gây nhiễu, phá hoại hoạt động hàng không vũ trụ của Trung Quốc và Nga.

Vũ khí laser tấn công vệ tinh trong tương lai
Vũ khí laser tấn công vệ tinh trong tương lai

Theo tuần san "Chuyên gia" của Nga, mặc dù Mỹ luôn không thừa nhận họ đã xây dựng kế hoạch tác chiến vũ trụ nhằm vào nước khác, nhưng dư luận phổ biến tin rằng, kế hoạch này đã sớm tồn tại, hơn nữa vẫn đang không ngừng được quân Mỹ phát triển.

Diễn tập tấn công "Bắc Đẩu"

Đối với sự nghi ngờ của Nga, phía Mỹ không đưa ra phản ứng, mặc dù vậy, công tác chuẩn bị cho tác chiến vũ trụ của Mỹ lại chưa bao giờ dừng lại.

Theo tạp chí "Wired" Mỹ, quân Mỹ sẽ bắt đầu triển khai một loạt cuộc diễn tập có liên quan đến "an ninh vũ trụ" từ quý 2 năm nay, mục đích chính là sử dụng mạng máy tính phát động tấn công, phá hoại hệ thống máy tính của "kẻ thù", thậm chí phá hoại vệ tinh của "kẻ thù".

Trong đó, cuộc diễn tập có kế hoạch tiến hành vào cuối năm nay sẽ tập luyện "làm thế nào để tấn công hệ thống dẫn đường vệ tinh quân dụng của nước thù địch".

Nguồn tin từ Quân đội Mỹ tiết lộ, trong thời đại thống trị của GPS, quân Mỹ chủ yếu tìm cách bảo vệ vệ tinh GPS của Mỹ, chứ không phải tấn công vệ tinh dẫn đường của nước khác.

Nhưng tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác, do hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu 2 của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đã bắt đầu cung cấp hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động của Quân đội Trung Quốc, quân Mỹ cho rằng cần thiết tiến hành chuẩn bị tốt cho việc tấn công hệ thống này.

Vũ khí không gian tương lai
Vũ khí không gian tương lai

Tờ "Thời báo Washington" cho rằng, quân Mỹ còn triển khai nhiều cuộc diễn tập vũ trụ nhằm vào Trung Quốc và Nga, chủ yếu có 2 hình thức:

Một là tác chiến thông tin vũ trụ, đây là cuộc chiến tấn công-phòng thủ thông tin triển khai trong lĩnh vực vũ trụ. Quân Mỹ sẽ giả định tiến hành chiến tranh thông tin vũ trụ với Trung Quốc và Nga, trong đó có chiến tranh điện tử, chiến tranh dẫn đường và chiến tranh răn đe.

Hai là tác chiến tấn công các căn cứ hàng không vũ trụ mặt đất. Tức là phá hoại hoạt động bình thường của các căn cứ hàng không vũ trụ trên mặt đất, ngăn chặn đối phương vận chuyển vận tư trong vũ trụ, vận chuyển các loại lực lượng tác chiến cơ động tầm xa, trực tiếp tiến hành tấn công các hạ tầng hàng không vũ trụ mặt đất quan trọng của đối phương.

Do các căn cứ hàng không vũ trụ là chỗ dựa cơ bản của "đội quân vũ trụ", vì vậy tấn công, phá hoại căn cứ hàng không vũ trụ của kẻ thù thường có thể đạt hiệu quả tác chiến "giải quyết tận gốc, làm ít ăn nhiều". Cho nên, quân Mỹ cho rằng, đây là một hình thức tác chiến quan trọng trong triển khai chiến tranh vũ trụ với Trung Quốc và Nga trong tương lai.


Đông Bình