Quảng Nam cần 4.164 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án làng Đại học Đà Nẵng

10/08/2022 06:24
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự án nằm giữa hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã “treo” suốt hơn hai thập kỷ khiến đời sống người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn.

Ngày 9/8, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho hay, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có báo cáo về "tình hình triển khai dự án làng Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn"(tỉnh Quảng Nam) gửi Văn Phòng Chính phủ, Bộ Giáo và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra dự án Làng Đại học Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: AN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra dự án Làng Đại học Đà Nẵng hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: AN

Theo báo cáo, dự án làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300 ha nằm giữa hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong đó, khoảng 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và khoảng 190 ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn).

Tuy nhiên, đến nay đã 25 năm, dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận Đà Nẵng. Dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương.

Qua kiểm tra, rà soát thì dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và rất khó khăn, phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo tính toán của địa phương này thì dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực tế phần diện tích 160 ha (30 ha đã được chỉnh trang) vào khoảng 4.164 tỷ đồng.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thì việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng theo hồ sơ quy hoạch phân khu (1/2000) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐTTg ngày 09/7/2020 là cần thiết.

Góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Tỉnh Quảng Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dự án đã kéo dài 25 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân (người dân không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật).

Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các Bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.

Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 (160 ha).

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn, các Sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách.

Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha nêu trên.

Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực. Đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.

AN NGUYÊN