Tìm lối đi cho dự án làng đại học lớn nhất miền Trung

16/07/2017 07:48
Tấn Tài
(GDVN) - Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn thì nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, biến nơi đây thành trung tâm giáo dục kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng.

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng liên quan đến quy hoạch, xây dựng làng Đại học Đà Nẵng ngày 14/7.

Ngân sách khó khăn, phải xã hội hóa

Theo Giáo sư Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, dự án làng đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997, đến nay đã 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin tại Làng Đại học Đà Nẵng hồi đầu tháng 2. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin tại Làng Đại học Đà Nẵng hồi đầu tháng 2. Ảnh: VGP

Mặc dù trước đó, tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ chấm dứt quy hoạch treo của dự án này. Yêu cầu đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư trung hạn. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn để thực hiện vẫn hết sức khó khăn.

Giáo sư Nam cho rằng, muốn triển khai dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng này thì phải tiến hành xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Tìm lối đi cho dự án làng đại học lớn nhất miền Trung ảnh 2

Thủ tướng: "Giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã có sự chuyển mình, đã có lối ra"

(GDVN) - Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng nên xung phong đi đầu trong lĩnh vực tự chủ, tự trị đại học để góp phần vào sự chuyển mình của nền giáo dục nước nhà.

“Trước đây, có chủ trương dành 22 hecta ở đây để làm xã hội hóa nhưng như vậy cũng quá ít.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới họ đã mời nhà đầu tư xây dựng khu đô thị đại học. Sau đó kêu gọi các trường Đại học nước ngoài, trong nước vào xây dựng, hoạt động thì sẽ hiệu quả”.

Giáo sư Nam đề nghị Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện mô hình này.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, hiện nguồn vốn của Chính phủ trong trung hạn rất khó khăn nên các bên phải cùng nhau bàn bạc để xin cơ chế của Thủ tướng theo hướng xã hội hóa, tận dụng nguồn tài lực bên ngoài.

“Đại học Đà Nẵng là một trong những đại học lớn của cả nước, có bề dày truyền thống. Vậy phải làm sao để mở rộng, phát triển thành đại học vùng mang tầm khu vực, quốc tế?” Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ ủng hộ quan điểm của Đại học Đà Nẵng về việc kết hợp nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.

Trong đó, doanh nghiệp có thể đứng ra đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, sau đó thu hồi vốn bằng cách cung cấp các dịch vụ.

"Hiện khu làng đại học còn nhiều khu đất trống nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đó" ông Nhạ nói thêm.

Bộ trưởng cũng đưa ra ý kiến nên thuê nhà quy hoạch quốc tế để quy hoạch nơi đây thành một khu vực vừa là nơi giáo dục đào tạo, vừa là khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng…

Đây sẽ là khu làng đại học đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình công – tư, khuyến khích nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trên cơ sở những bàn thảo lần này, sẽ giao cho Đại học Đà Nẵng soạn dự thảo để xin Thủ tướng chấp thuận.

Cần thêm 1.000 tỷ đồng

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định, cần phải tập trung giải phóng xong mặt bằng.

Tìm lối đi cho dự án làng đại học lớn nhất miền Trung ảnh 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng nhân lực

(GDVN) - Phải gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối làm sao để đào tạo các ngành phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, gắn với khoa học công nghệ.

Khi đã có đất sạch thì không lo việc kêu gọi đầu tư vào dự án làng Đại học Đà Nẵng. Bởi hiện có tập đoàn cũng đã sẵn sàng xây dựng trường đại học quy mô lớn tại đây.

“Trước mắt, ngân sách cần chi 1.000 tỷ đồng để triển khai dự án, số còn lại để Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tự lo” ông Thơ nói.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý tham dự buổi làm việc cũng thống nhất với quan điểm nên thực hiện mô hình hợp tác công – tư để triển khai dự án đã bị “treo” suốt 20 năm nay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nhạ cũng đánh giá cao nhiều trường đại học dân lập ở Đà Nẵng như: Duy Tân, Đông Á... và đề nghị lãnh đạo Đà Nẵng quan tâm hỗ trợ.

“Quan điểm của Bộ là công lập như dân lập, trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo” ông Nhạ nói.

Tấn Tài