Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có phát biểu khiến tất cả chúng ta cùng phải suy nghĩ: "Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này".
Từ xưa đến nay, câu nói “dân giàu nước mạnh” chưa bao giờ sai. Khi quốc gia đứng chót thì các yếu tố hợp thành như Khoa học Công nghệ , Tài nguyên-Môi trường, Công nghiệp, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế,… không thể đứng đầu.
Dù chạm đến lòng tự trọng dân tộc, dù đau lòng đến mấy cũng phải thấy rằng nhận định của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác. Vấn đề là vì sao lại như vậy? Liệu đó chỉ là lỗi cơ chế hay còn do chính mỗi chúng ta?
Một đạo quân dù tướng chỉ huy tài năng nhưng binh lính yếu cả thể chất lẫn tinh thần không bao giờ là đạo quân mạnh. Một đạo quân với những người lính quả cảm nhưng chỉ huy bất tài sẽ chẳng mấy khi giành được thắng lợi. Đây không phải là lý thuyết phòng lạnh mà là thực tiễn cuộc sống.
Đang tồn tại một hiện tượng và có xu hướng trở thành phổ cập khi xử lý sự cố, ấy là cán bộ, cơ quan có trách nhiệm đổ lỗi cho cấp dưới, cũng có trường hợp quả bóng trách nhiệm lại bị đẩy lên tận Thủ tướng Chính phủ.
Khá nhiều trường hợp người ta sử dụng một công thức rất phản cảm là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy”. Hễ ban hành văn bản sai là “Lỗi văn bản, lỗi do người đánh máy” bị lôi ra, mặc dù chẳng nhân viên đánh máy nào dám tự ý soạn thảo văn bản mà không qua phê duyệt của người đứng đầu hoặc ít nhất là người được ủy nhiệm của người đứng đầu.
Nếu “người đánh máy” đánh sai văn bản mà cấp trên vẫn ký thì chẳng lẽ “cấp trên” không đọc hoặc thị lực có vấn đề đến mức không đọc được những dòng chữ trên văn bản?
Việc đổ lỗi cho người khác không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn bộc lộ tâm đức, năng lực của người lãnh đạo. Có những người học hàm, học vị rất cao nhưng chưa hẳn hiểu biết cũng cao tương xứng với hàm vị của họ.
Văn bản do ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp ký liên quan đến phát ngôn chặt cây của chuyên gia trường này bị cho là "lỗi đánh máy" gây bất bình dư luận. Và bức ảnh này của ông, đăng trên website của nhà trường cũng gây bức xúc bởi ...không hợp chuẩn từ cách cắm cờ trở đi. Ảnh của trường đại học Lâm nghiệp. |
Nhìn hai lá cờ cắm trên bàn làm việc của một vị cổ đeo thẻ viên chức (công chức?) thì mới thấy người ngồi phía sau còn thiếu cả những hiểu biết rất sơ đẳng về Đảng và Tổ quốc, cắm cờ để bản thân nhìn là một chuyện, cắm cờ chụp ảnh cho mọi người nhìn lại là chuyện khác.
Cũng có chuyện ngược đời là người ta không đổ lỗi mà là “đổ thành tích” cho người khác. Những ngày qua, chuyện "lấp" sông Đồng Nai đã bị dư luận và các nhà khoa học lên tiếng gay gắt nhưng dường như lãnh đạo tỉnh này có thừa trình độ để bác bỏ các luận cứ khoa học. Bằng chứng là “UBND tỉnh cho biết việc tạm dừng dự án là theo đề nghị của chủ đầu tư để làm sáng rõ các vấn đề đang được dư luận quan tâm, riêng địa phương vẫn bảo lưu quan điểm mọi thủ tục thực hiện dự án là đúng quy trình, quy định”. [1]
Lâm tặc, Đô tặc hay...Tài tặc?
(GDVN) - Dân gian gọi kẻ phá rừng là "Lâm tặc", phá Thủ đô thì gọi là "Đô tặc", nhưng cũng chưa hẳn đã đầy đủ, chuẩn xác...
Hóa ra chủ đầu tư tự động đề nghị dừng dự án chứ không phải do UBND tỉnh đề xuất. “Thành tích” này không phải của chính quyền địa phương nên địa phương không dám nhận. Nếu chủ đầu tư không xin tạm dừng thì họ cứ thoải mái lấp sông vì “dự án là đúng quy trình, quy định”.
Chỉ trong một thời gian ngắn từ Thủ đô Hà Nội ở phía bắc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế ở miền trung đến Đồng Nai ở phía nam, một số quyết định của chính quyền bị truyền thông và giới khoa học phê phán khá mạnh nhưng lãnh đạo đều lên tiếng bảo vệ quan điểm, rằng tỉnh/thành phố đã làm “đúng pháp luật”, “đúng quy trình, quy định”.
Chính vì cái sự “đúng” của các tỉnh thành phố này mà tất cả vụ việc được truyền thông đề cập đều buộc phải báo cáo lên Thủ tướng.
Một đất nước mà từ chuyện sập giàn giáo, chuyện thi tuyển công chức Bộ Công thương, chặt hạ cây xanh đô thị, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đến "san lấp" sông Đồng Nai… đều “báo cáo Thủ tướng”, đều “chờ ý kiến Thủ tướng” hoặc đến mức "Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ" thì làm sao Thủ tướng còn thời gian lo cho quốc gia đại sự?
Nhiều lãnh đạo cấp tỉnh như thế, có lãnh đạo cấp bộ chẳng khá hơn? Thật là khó hiểu khi một lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), cơ quan của Chính phủ lại phát biểu “Chúng tôi mới biết thông tin qua kênh báo chí và thấy nhiều nhà khoa học đã khẳng định dự án này ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên nước ở lưu vực sông Đồng Nai”. [2]
Thực chất phát biểu của vị lãnh đạo Bộ TN-MT nêu trên không có gì khác ngoài ý nghĩa đổ trách nhiệm cho cấp dưới là Sở TN-MT Đồng Nai không báo cáo lên Bộ, vì Sở không báo cáo nên Bộ không biết!
Vậy đâu là chức năng quản lý Nhà nước của Sở TN-MT Đồng Nai, của Bộ TN-MT? Phải chăng nhiệm vụ của Bộ TN-MT là ngồi chờ cấp tỉnh báo cáo rồi báo cáo lại với Thủ tướng chứ không cần trực tiếp kiểm tra, giám sát? Nếu mà Bộ chỉ “mới biết” và “thấy nhiều nhà khoa học khẳng định” như lời vị lãnh đạo nọ thì chức năng quản lý Nhà nước của Bộ này là gì?
Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
Ngoài Đà Nẵng, trong 62 tỉnh, thành phố còn lại liệu có bao nhiêu địa phương dám khẳng định “Ở đây Đảng nói dân tin, mặt trận đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ”?. [3]
Hãy xem một tỉnh vốn là đất học nhất nhì cả nước như Nghệ An đang làm gì. Tỉnh này vừa công nhận 270 sáng kiến cấp tỉnh mà báo Laodong.com.vn ngày 16/3/2015 gọi là “Những sáng kiến … trời ơi”. Bài báo không chỉ cho thấy phần nào mặt bằng “sáng kiến” của Nghệ An mà có thể còn của một số tỉnh, thành phố khác.
Khởi công xây ngôi nhà ba gian cấp bốn ở Nghệ An. (ảnh: XH) |
Nếu biết rằng chín vị lãnh đạo các cấp của tỉnh này lặn lội lên tận Nậm Giải, Quế Phong xúc xẻng cát khởi công ngôi nhà bán trú ba gian cấp bốn cho học sinh tiểu học thì mới thấy việc chỉ công nhận 270 sáng kiến của Nghệ An là “quá khắt khe, quá khiêm tốn”. Có khá nhiều sáng tạo của công chức tỉnh này không được công nhận “sáng kiến cấp tỉnh” trong khi dư luận thì lại cho đáng tầm “quốc gia” như “sáng kiến kinh doanh bia”…
Dù Thủ tướng có tài giỏi, kiệt xuất đến mấy cũng không thể đưa đất nước thoát khỏi vị trí “đứng chót trong ASEAN” nếu tồn tại “một bộ phận” lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh luôn chuẩn bị tư thế “báo cáo Thủ tướng”! Vấn đề không chỉ nằm ở bản thân những người “sẵn sàng báo cáo” mà còn ở chỗ vì sao họ lại được phép “ngồi nhầm ghế”?
Ai phải đền bù thiệt hại từ vụ cho thuê "yết hầu" quốc gia?
(GDVN) - Việc phải đền bù thiệt hại khi dừng dự án sẽ được quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân hay lại là câu chuyện của tập thể, rồi hòa cả làng?
Làm thủ lĩnh bất kỳ đơn vị to hay nhỏ không nhất thiết phải là người giỏi nhất về khoa học kỹ thuật, điều cần thiết là biết lắng nghe, biết đánh giá sự việc một cách tỉnh táo và có đội ngũ trợ thủ giỏi. Thủ lĩnh giỏi cần phải hội đủ hai yếu tố: quyền và uy, thiếu một trong hai yếu tố đó thì suốt nhiệm kỳ đơn vị đó không bao giờ khá.
Tại sao khi các nhà khoa học đã chỉ ra rõ ràng những bất cập với đầy đủ luận cứ khoa học (như dự án trên đèo Hải Vân, dự án "lấp" sông Đồng Nai…) nhưng chính quyền cấp tỉnh ở đó vẫn bảo thủ, vẫn khẳng định chủ trương là đúng? Phải chăng với hàng loạt lãnh đạo có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư, kiến thức khoa học của họ hơn hẳn các nhà khoa học chuyên nghiệp?
Thực ra không phải là họ không biết tác hại của một số quyết định, nhưng hại cho ai và lợi cho ai mới là điều phải cân nhắc. Mặt khác họ luôn có vũ khí phòng thân là “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” hoặc “nghiêm khắc kiểm điểm”. Dù có “nghiêm khắc” đến mấy cũng chẳng chết người thế nên chẳng việc gì phải sợ!
Vấn đề đặt ra hôm nay có thể chưa có ngay câu trả lời, nhưng hậu thế chắc chắn sẽ không để vàng thau lẫn lộn. Có thể có ai đó cho rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, dù có bị hậu thế chê cười thì họ cũng đã là người thiên cổ, có còn nghe thấy gì đâu mà sợ?
Nếu quả như thế thì Ai ngày hôm nay phải chịu trách nhiệm làm cho họ sợ?
Tài liệu tham khảo:
[2] http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/bao-cao-thu-tuong-vu-lap-song-dong-nai-545699.html