Đầu tư tràn lan, người đại diện vốn Nhà nước mắc sai phạm, thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, dự án không khả thi… khiến hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước rơi vào thế “tiến thoái lương nan” mắc kẹt lượng vốn lớn vì đầu tư ngoài ngành.
Kiểm toán nhà nước vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo đó, Kiểm toán nhà nước nêu rõ công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỷ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.
Hầu hết Sabeco đầu tư ngoài ngành vào 10 công ty gây thua lỗ hơn 440 tỷ đồng chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính.
Không chỉ Sabeco mà hàng loạt “ông lớn” khác cũng mạnh tay vung tiền đầu tư hàng ngàn tỷ đồng ra ngoài ngành, nhưng khi cần thoái vốn cũng vô cùng nan giải, có doanh nghiệp chấp nhận lỗ nặng, thậm chí trắng tay vì dự án đắp chiếu, chết lâm sàng.
Chuyện doanh nghiệp Nhà nước đầu tư lớn, thu hồi nhỏ, thiệt hại nặng đang trở thành gánh nặng cho ngân sách cũng như việc giải quyết hậu quả của việc đầu tư ngoài ngành gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.
Trước hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn quốc doanh đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, thiệt hại nặng cho ngân sách, Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp ra đời.
Theo đó, khu vực quốc doanh chính thức bị cấm góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Chính phủ.
Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia lĩnh vực đầu tư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho hay: “Có giai đoạn hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bên ngoài lĩnh vực cốt lõi. Thời điểm đó chủ yếu diễn ra trước khi Luật Đầu tư công 2014 ra đời.
Nguyên nhân do các hoạt động đầu tư công chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, bởi vậy mới có tình trạng doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan, thiếu hiệu quả.
Hơn nữa, là doanh nghiệp Nhà nước được hoạt động tương đối thoải mái, khi Luật Đầu tư công ra đời đã siết lại việc đầu tư ngoài ngành.
Giai đoạn trước có sự khiếm khuyết của cơ chế về pháp luật, phần nữa sự thiếu hiểu biết của những người làm doanh nghiệp Nhà nước.
Khi cơ chế pháp luật chưa rõ ràng, người điều hành doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào lĩnh vào nào đó nghĩ rằng thế là ổn, nhưng thực ra có vấn đề.
Trong câu chuyện đầu tư ngoài ngành, doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của thẩm định dự án đầu tư, cũng như đánh giá dự án trước khi chính thức rót tiền”.
Sabeco từng được biết đến là doanh nghiệp chậm niêm yết, cổ phần hóa vốn Nhà nước, điều đó đồng nghĩa việc minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp này còn hạn chế. Ảnh: Reuters |
Về khoản thua lỗ hơn 440 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của Sabeco, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Đầu tư ngoài ngành của Sabeco như thế nào kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra Sabeco là sai, kết quả là thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Như việc thoái vốn Nhà nước vừa qua là rất thành công mang về cho Nhà nước hơn 100 ngàn tỷ đồng.
Sabeco cũng như nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác, vấn đề kiểm soát tài sản nhà nước về mặt học thuật là khá chặt chẽ, nhưng thực tế lại khác mới dẫn đến thua lỗ, thất thoán vốn nhà nước”.
Đội vốn, thua lỗ nghìn tỷ: Coi nhẹ tiền thuế của dân là vô đạo đức |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước cần sớm công bố báo cáo tài chính như một doanh nghiệp tư nhân niêm yết. Như thế mới tạo được áp lực xã hội trong việc giám sát, đánh giá.
Bởi nếu người lãnh đạo doanh nghiệp kém hiệu quả thì “cái ghế” của anh sẽ không còn nữa.
Cần niêm yết sớm bởi việc công khai minh bạch tại một số doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước vẫn còn hạn chế. Để quản lý được nguồn vốn Nhà nước cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chính phủ đã đẩy mạnh cổ phần hóa từ lâu, nhưng tiến trình cổ phần hóa còn diễn ra chậm, một phần là do người ta làm chậm vì đang nắm giữ lợi ích trong đó.
Tiến sĩ Bình thẳng thắn cho biết: “Nhiều quốc gia, Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực có lợi ích xã hội lớn, nhưng không có hiệu quả về kinh tế như lĩnh vực môi trường, vận tải hành khách công cộng…
Còn những ngành lợi nhuận cao thì để khu vực tư nhân làm. Bởi lợi nhuận làm ra từ doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đều làm cho quốc gia mạnh lên.
Thực tế, khu vực tư nhân quản trị doanh nghiệp tốt hơn, trong các dự án có lãi họ làm ăn hiệu quả, nhà nước chỉ nên giữ các doanh nghiệp làm dự án mang lại lợi ích cho xã hội”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, có những doanh nghiệp Nhà nước không bị khống chế ngành nghề kinh doanh, họ hoàn toàn có thể góp vốn một tỷ lệ nhỏ thì đó là hoạt động thị trường của doanh nghiệp.
Như vậy có nghĩa không phải doanh nghiệp Nhà nước nào đầu tư ngoài ngành cốt lõi là vi phạm, là đầu tư ngoài ngành. Vấn đề là đầu tư có hiệu quả hay không.
Trong số những doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành bị thua lỗ, cũng có doanh nghiệp làm ăn có lãi. Hoạt động đầu tư có thể là rủi ro, nhưng có thể có lợi nhuận. Không phải hoạt động đầu tư nào cũng thành công.