Chậm nhất là trước ngày 23/12/2013, các chủ kinh doanh tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội) hay còn gọi là khu Zone 9 sẽ phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh. Đó là thông báo của Ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, HN) sau một loạt những rắc rối của khu vực này trong thời gian qua.
Được biết, Zone 9 là một khu vui chơi tổng hợp mới xuất hiện cách đây khoảng 5 tháng tại Hà Nội. Dù mới đi vào hoạt động, nó nhanh chóng thu hút sự chú ý và yêu thích của giới trẻ Hà Nội bởi sự phong phú của các loại hình kinh doanh nơi đây. Câu hỏi đặt ra là các chủ hộ kinh doanh đã thực hiện như thế nào trước yêu cầu đóng cửa này?
|
Rất nhiều cửa hàng thời trang, quán bar, cà phê tại Zone 9 vẫn hoạt động bình thường. (Ảnh: Phạm Liễu) |
Chiều ngày 23/12, ngày cuối cùng trong thời hạn đóng cửa tại Zone 9, theo quan sát của PV, chỉ có một số ít cửa hàng thực hiện lệnh đóng cửa. Trong khi đó, đại đa số các cửa hàng từ cửa hàng thời trang, quán bar, cà phê tại Zone 9 vẫn hoạt động như bình thường.
Nguyên nhân được một số chủ cửa hàng giải thích là do số vốn ban đầu rót vào đây tương đối lớn cho đến nay vẫn chưa thu hồi được. Trung bình mỗi hộ kinh doanh bỏ ra từ 300 - 500 triệu đồng. Với số lượng lên đến 60 hộ kinh doanh thì hàng chục tỷ đồng có khả năng sẽ bị mất trắng.
Một số khác lấy lý do, phía Công ty tư vấn bất động sản Thành Đạt đơn vị chủ quản lý số đất này thông báo vẫn tiếp tục được phép kinh doanh như mọi khi, thế nên họ vẫn rộng cửa đón khách.
Anh Nguyễn Hoàng Cảnh, Quản lý cửa hàng Merceria tại khu Zone 9 cho biết: "Cách đây 2 hôm (21/12) mình có nhận được một thông báo của phường là ngày 23/12 sẽ tạm dừng đóng cửa. Nhưng sau đó mình lại nhận được một thông báo khác từ bên Thành Đạt là bên mình vẫn tiếp tục làm. Mình cũng không rõ đằng sau chuyện này là như thế nào".
Lý giải việc tiếp tục cho phép các cửa hàng tiếp tục hoạt động, đại diện công ty Thành Đạt khẳng định đã thực hiện đúng những điều khoản trong hợp đồng kinh doanh. Sai phạm trong vụ việc này là ban đầu phía chủ đầu tư đã không thực hiện đúng những quy định về mục đích sử dụng số đất được giao.
Bản thân Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận lỗi sử dụng đất sai mục đích của chủ đầu tư. Đại diện quận cho rằng, quận chỉ có trách nhiệm làm việc với chủ đầu tư khi xảy ra sai phạm, mâu thuẫn, vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư với các bên liên quan. Đồng thời, chủ đầu tư và các bên phải tự chịu trách nhiệm và xử lý.
Ông Cáp Sỹ Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cho rằng: "Trách nhiệm quản lý nhà nước yêu cầu các đơn vị phải chấm dứt kinh doanh để sử dụng đất đúng mục đích. Thứ nhất, việc sử dụng đất giao cho triển khai dự án thì phải triến khai dự án theo đúng quy định pháp luật. Thứ hai, không đảm bảo an toàn (an toàn cho tính mạng và tài sản) thì phải chấm dứt kinh doanh ngay".
Trong khi những mâu thuẫn, rắc rối chưa được giải quyết những chủ kinh doanh ở đây vẫn hoạt động bình thường bất chấp thông báo đóng cửa từ Ủy ban Nhân dân phường Bạch Đằng.
Bình An (Nguồn VTV)