Sẽ có những chất vấn “bom tấn” ở Quốc hội?

21/11/2011 11:57
Lê Châu
(GDVN) - Các phiên chất vấn trong các ngày từ 23 đến 25/11 tới, bất ngờ có thể đến, không chỉ trong nội dung trả lời, mà còn là trong cách ứng xử khi đăng đàn.

Cũng như hồi tháng 10/2009, là đại biểu đầu tiên nhắc đến “con tàu nghìn tỷ” Vinashin, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là đại biểu QH đầu tiên nhắc đến chuyện “rày” trên “cánh đồng” ngân hàng. Một năm sau cảnh báo đầy ẩn ý của ông Thanh, Vinashin “vỡ”. Còn câu chuyện ở “cánh đồng” ngân hàng, sẽ thế nào?



Nhiều đại biểu QH cho rằng chuyện của “cánh đồng” ngân hàng sẽ vỡ ra sớm hơn nhiều so với Vinashin, khi mà tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong 3 ngày tới đây sẽ đăng đàn và một trong những vấn đề mà ông Nguyễn Văn Bình “đối mặt” là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được thực hiện ra sao. Nội dung trả lời của ông, cũng được dự báo là có thể mang đến sự bất ngờ nhiều nhất cho những phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ QH khoá XIII.

Bởi, từ khi giữ cương vị mới, trong hơn 3 tháng qua, tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình mặc dù chỉ chính thức xuất hiện trước các diễn đàn công khai khoảng 3 lần, lần thứ nhất, trên truyền hình khi vừa nhận chức, lần thứ hai, tại một cuộc họp giao ban báo chí của Bộ Thông tin truyền thông và lần thứ 3, họp báo Chính phủ. Nhưng lần nào xuất hiện, ông Bình cũng mang đến không nhiều thì ít những sự bất ngờ cho dư luận.

Tại phiên họp toàn thể của QH với nội dung thảo luận KTXH được truyền hình trực tiếp ngày 27/10 vừa qua, đại biểu Nguyễn Bá Thanh nói về hai sự thật “giật mình” của hệ thống ngân hàng mà có lẽ nếu không phải là đại biểu QH và không phải là đại biểu QH như ông Nguyễn Bá Thanh, thì không ai dám nói. Sự thật thứ nhất là:  “Việc cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng cổ phần nông thôn lên thành ngân hàng cổ phẩn đô thị, nâng số lượng ngân hàng lên gần trăm. Quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều, dẫn đến mất kiểm soát”

Sự thật thứ hai là: “Một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản, giá đất rất thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi, thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người trước, đẩy lạm phát lên cao” và “Ngân hàng ôm mấy miếng đất của mình mua, rồi ôm luôn mấy miếng đất của người vay mang thế chấp, thị trường nhà đất thì đóng băng, không bán được thế là nợ xấu tăng lên”

Trong một cuộc họp báo Chính phủ diễn ra gần như ngay sau phiên thảo luận này, báo chí có đặt vấn đề rằng phát biểu đó của đại biểu Nguyễn Bá Thanh đã tạo nên chấn động rất lớn trong dư luận, vậy NHNN đã có ứng xử ra sao trước những thông tin, nhận định mà đại biểu này đã công khai công bố như vậy? Có mặt tại cuộc họp báo đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến chỉ có thể trả lời được rằng: “Chúng tôi sẽ kiểm tra”. Còn Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trước QH những ngày tới đây, ông có trả lời được câu hỏi này hay cũng chỉ “sẽ kiểm tra”như cấp phó của ông?

Ủng hộ tânThống đốc trong việc sử dụng các mệnh lệnh hành chính trong “tình hình lộn xộn thế này của hệ thống ngân hàng”, như việc siết trần đầu vào 14%, nhưng vị Bí thư nổi tiếng của Đà Nẵng này cũng đồng thời nhắc ông Nguyễn Văn Bình rằng “tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm và không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết gây hậu quả cho xã hội. Vì vậy, cần cải tổ nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp, làm sao nói nôm na như chúng ta diệt được sâu rầy ở những cánh đồng nhưng vẫn giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu”

Một lưu ý khác mà một đại biểu đã từng qua 4 nhiệm kỳ QH, chứng kiến không biết bao nhiêu “thế hệ”Bộ trưởng đăng đàn như ông Nguyễn Bá Thanh, muốn nhắc tân Thống đốc cần luôn nhớ, còn là, dù thế nào thì “sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng”

Ngoài câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng, thì các phiên chất vấn còn bất ngờ vì những nội dung nào khác? Liệu đó có phải là vấn đề sân golf trong sân bay, minh bạch giá xăng dầu, điện than hay nợ nần của Vinashin?… Như câu hỏi chất vấn gửi Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM” “Việc một số khu đất do Bộ Quốc phòng quản lý đã và đang triển khai một số dự án sân golf, như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), sân bay Gia Lâm (Hà Nội)…đã gây nhiều thắc mắc và bức xúc trong một bộ phận cử tri. Tôi kính đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương, nhu cầu, mục đích của việc triển khai dự án sân golf này”

Thực tế, như đối với vấn đề sân golf trong sân bay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã có văn bản trả lời khá đầy đủ đến đại biểu QH. Một trong những đại biểu có hỏi về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cho hay khi đọc văn bản đó,  ông thấy cũng không còn băn khoăn gì mà giờ chỉ còn chờ xem các cơ quan chức năng sẽ thực thi ra sao.

Tuy nhiên, các phiên chất vấn trong các ngày từ 23 đến 25/11 tới, bất ngờ có thể đến, không chỉ trong nội dung trả lời, mà còn là trong cách ứng xử khi đăng đàn của các thành viên Chính phủ. Chẳng hạn, trong một phiên chất vấn và trả lời chất vấn của QH khoá XII, một Bộ trưởng đã khiến cả Nghị trường “nín thở” vì ngạc nhiên, khi ông này nói: “Đại biểu hỏi thì tôi xin trả lời như vậy, nhưng đây là thông tin “kín” đề nghị các đại biểu không nói rộng ra ngoài!”Trong khi, tất cả các phiên chất vấn, đều được truyền hình trực tiếp.

Lê Châu