Sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học

06/06/2024 13:54
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Phó Thủ tướng nêu, đối với vấn đề tài chính là hết sức quan trọng. Không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết.

Sáng 6/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

PTT.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Việt Nam cần làm chủ công nghệ chế tạo chip

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương quan tâm đến giải pháp phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc.

Nữ đại biểu nêu câu hỏi: “Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam? Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?”.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã rất quyết liệt triển khai và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực này.

Việt Nam là một trong những nước có rất nhiều lợi thế, đang là nước phát triển nhanh trong lĩnh vực kinh tế số. Trong đó, người Việt Nam có những thế mạnh, nổi trội như yêu toán học, khéo léo…

Phó Thủ tướng cho biết: “Thời gian qua, các trường đại học đã quan tâm đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực về vật liệu, vật lý, đều liên quan công nghệ này”.

Theo Phó Thủ tướng, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt một đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, trong nước có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư ở lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã được chuyển giao, thu hút đầu tư.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển mạnh về kinh tế số. Thời gian qua, ngành này đóng góp vào GDP có nơi 12-15%” - Phó Thủ tướng đánh giá đây là tăng trưởng rất nhanh.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại kỹ sư, những người đã có kiến thức, nền tảng có thể tiếp cận, tham gia ngay chuỗi sản xuất này, đặc biệt các chuỗi liên quan thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn…

Bên cạnh nguồn nhân lực trong nước, bằng cơ chế chính sách, Việt Nam có thể huy động sự tham gia của lực lượng, nhà khoa học ở nước ngoài để đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ cũng có chủ trương giúp cho những doanh nghiệp bằng việc lựa chọn các trường đại học để xây dựng các trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam, thông qua đầu tư phòng thí nghiệm lớn, hiện đại, để từ thiết kế, kiểm chuẩn đến sản xuất, từ đó có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, về lâu dài, cần chính sách để Việt Nam có thể xây dựng, nghiên cứu sâu hơn về công nghệ lõi - lĩnh vực các nước phát triển đều nắm bản quyền, không chuyển giao.

Cụ thể, Phó Thủ tướng phân tích: “Các thiết bị chế tạo chip, công cụ thiết kế đều đang được các nước nắm giữ và không bàn giao cho ai. Do đó, Việt Nam cũng cần có nghiên cứu về khoa học cơ bản, nghiên cứu sâu để tự mình làm chủ vấn đề này.

Tuy nhiên, đó là những giải pháp dài hơi. Trước mắt, giải pháp vẫn là tập trung chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp liên quan điện tử, sử dụng chip bán dẫn, xây dựng ngành phát triển của Việt Nam liên quan thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, chúng ta quan tâm đến vấn đề đào tạo bài bản hơn đối các lĩnh vực cơ bản khác có liên quan.

Trao đổi về việc Việt Nam sớm tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhận định, sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn diễn ra khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho Việt Nam để trở thành miền đất hứa cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong phần trả lời chất vấn Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề cập rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực.

Do vậy, Đại biểu Tạ Văn Hạ mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế nào để khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước?

060620241031-z5512212195954_ccf2f9fa608098030deb855fc712a83f.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: “Thực tế, chúng ta chuẩn bị từ 50.000-100.000 nhân lực, tức là đã tính toán liên quan đến đào tạo và đào tạo lại, dựa trên nguồn nhân lực hiện nay các trường đại học đã và đang đào tạo cũng như có tiềm năng đào tạo.

Tôi nói, chúng ta đang có lợi, là bởi các nước làm chủ về thiết bị, thiết kế, công nghệ sản xuất có thể chuyển giao cho chúng ta một phần công nghệ.

Còn thực tế để nắm bắt các công nghệ đó hay sản xuất chế tạo, là cả một vấn đề cần có nghiên cứu các lĩnh vực khoa học khác nhau và triển khai một cách lâu dài; thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm khoa học công nghệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu cơ bản cho các trường tham gia dùng chung, đầu tư một số trung tâm đổi mới sáng tạo để phát triển các khâu nghiên cứu cơ bản... Không đơn giản là chúng ta chỉ sản xuất ra một chiếc chip, nhưng chi phí sản xuất quá lớn, không thể cạnh tranh được với thị trường”.

Giải pháp của Chính phủ đối với việc tự chủ đại học trong thời gian tới

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định, thực hiện quyền tự chủ là chủ trương lớn và là giải pháp để phát triển các trường đại học và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết quá trình tự chủ đại học thời gian qua đã đạt được những kết quả gì, những tồn tại, hạn chế về nguyên nhân cản trở chủ trương tự chủ đại học; giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc này trong thời gian tới.

Hữu Trí.jpg
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn liên quan tới tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trên thực tế, chủ trương giao cho các trường thực hiện tự chủ đại học trong thời gian qua đã có tác dụng rất lớn. Chính từ đó, các cơ sở giáo dục đại học đã có những cải thiện về các chỉ số đánh giá của quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, để giải quyết những khó khăn, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học. Trong đó, tiếp tục phân cấp hơn nữa cho các trường, nhưng cũng đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước thông qua việc xác định để thẩm định, đánh giá các chương trình đào tạo; cũng như mở ra các tiêu chuẩn, tiêu chí khi mở các cơ sở đào tạo mới. Đây là một việc hết sức cần thiết.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, đối với vấn đề tài chính là hết sức quan trọng. Không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết, như các phòng thí nghiệm trọng điểm...

Theo đó, đối với một số lĩnh vực, Nhà nước sẽ lựa chọn để có đầu tư công, đặc biệt là đối với các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; xác định đầu tư để đặt hàng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, cũng như các lĩnh vực mới để phát triển, chuẩn bị cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.

Nhà nước sẽ quản lý thông qua các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra; đặc biệt, sẽ thu hút sự tham gia đánh giá của những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực này để đánh giá và công bố uy tín các trường.

Từ các giải pháp trên, Phó Thủ tướng kỳ vọng khi làm rõ ràng hơn cơ chế pháp lý, các khó khăn trong chính sách tự chủ tài chính sẽ giải quyết được.

Đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 04 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Mẫn.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu 01 vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của Chủ tọa, các Bộ trưởng, Trưởng ngành; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn.

Qua quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.

Huệ Phương