Washington nên bắt đầu đối thoại toàn diện với Nga bởi chính sách "cô lập" Moscow chẳng những sẽ không mang lại gì mà còn làm sâu sắc thêm căng thẳng hiện có, RIA Novosti ngày 27/4 dẫn lời nhà khoa học chính trị người Mỹ Stephen Cohen cho biết.
Phát biểu trong một cuộc tranh luận Munk Debates tại Toronto, ông Cohen cho rằng nhu cầu hợp tác với Nga là một "sự thật hiển nhiên" đối với nền chính trị Mỹ.
Nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, Stephen Cohen. |
"Có một thực tế là thế giới ngày nay đang trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với 25 năm trước khi Liên Xô còn tồn tại. Ngày càng nhiều cường quốc hạt nhân xuất hiện, nhưng khả năng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân trong các khu vực có xung đột dân tộc và tôn giáo, có chủ nghĩa cực đoan chính trị và sự không khoan dung lại ngày càng kém đi", ông Cohen nói.
Trong thế giới ngày càng kém an ninh và ổn định này, Mỹ khó có thể giải quyết được bất kỳ mối đe dọa toàn cầu nào mà không nhờ tới sự hỗ trợ của Nga. Ngay cả khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga vẫn là một quốc gia có ảnh hưởng lớn, nằm trên ranh giới giữa nền văn minh phương Tây và Hồi giáo.
Hơn nữa, Nga giàu có tài nguyên thiên nhiên, từ năng lượng tới nguồn nước hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Và tất nhiên, Nga còn sở hữu sức mạnh quân sự to lớn với kho vũ khí đáng nể. Dù Mỹ có muốn hay không, Nga vẫn có rất nhiều đối tác và đồng minh trên toàn thế giới, thậm chí ngay cả ở châu Âu.
Trong phần tranh luận về chính sách của Washington đối với Nga, ông Cohen cho rằng Mỹ nên tìm kiếm một chính sách thân thiện thay vì cô lập Moscow như hiện nay.
Nguyên do là trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, Mỹ sẽ không thể cô lập Nga. Nước Nga quá lớn và có nhiều lựa chọn phát triển ngoài phương Tây. Điều này đã được chứng minh trong thực tế. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chính sách cô lập Nga, Moscow đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác chính trị, quân sự, kinh tế va tài chính với một loạt quốc gia khác.
Hơn nữa, Mỹ có thể cô lập Nga trong mối quan hệ với phương Tây, nhưng không thể làm điều tương tự ở phương Đông, nơi họ có ít ảnh hưởng hơn. Điều này chỉ ra thực tế rằng chính sách này của Mỹ không thể khiến Nga trở nên kém cạnh tranh hơn.
Kết thúc bài phát biểu, ông Cohen nhấn mạnh rằng Mỹ không nhất thiết phải đối xử với Nga như một người bạn thân, nhưng cần duy trì quan hệ tốt với Moscow trên cơ sở đối tác cùng chia sẻ lợi ích chung. Để làm được điều này, Mỹ phải bắt đầu hợp tác đầy đủ với Nga trong các vấn đề an ninh cũng như các vấn đề khác.