Như chúng tôi đã đưa tin, vào 11 giờ 41 phút ngày 29/10, chiếc máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines và một chiếc máy bay quân sự suýt có sự va chạm trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Sự cố xảy ra khi chuyến bay HVN 1376 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Huế. Không lâu sau đó, được biết Cục Hàng không đã thu hồi giấy phép nhân viên hàng không của cơ trưởng và cơ phó chuyến bay HVN 1203. Cục Hàng không còn yêu cầu Thanh tra Hàng không xử phạt hành chính với hai người này. Riêng cơ trưởng phải huấn luyện lại các quy trình khai thác tiêu chuẩn theo quy định.
Lỗi không phải ở phi công Vietnam Airlines
Phi công Nguyễn Thành Trung |
Bình luận về việc này, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia cho rằng, phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines không có lỗi gì trong vụ việc này.
Theo ông Trung, kíp trực chỉ huy của ngày hôm đó mới phải chịu trách nhiệm chính bởi nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ việc trên là do sự phối hợp hợp đồng bay giữa người chỉ huy khu quân sự và người chỉ huy của hàng không dân dụng không nhịp nhàng. Đáng nói, hai vị chỉ huy này ngồi cạnh nhau trong cùng một chòi chứ không phải ngồi ở xa nhau.
“Đây không phải lần đầu máy bay của Vietnam Airlines suýt đâm vào máy bay quân sự. Mấy lần trước chắc sự việc xảy ra cũng nhẹ nhàng nên người ta không công bố. Hoặc cũng có thể do lần này phi công của Vietnam Airlines quá bức xúc nên mới công bố thông tin trên.
Chỉ huy của hai bên – bên quân sự và bên hàng không dân dụng - phải rút kinh nghiệm làm sao để trong quá trình chỉ huy có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ về mặt thời gian, khoảng cách. Nếu hai máy bay đó mà đâm vào nhau, hậu quả sẽ thật khủng khiếp, khó có ai sống sót được”, ông Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Trung, tại cuộc họp báo chiều qua (21/11), Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận, đây là vụ việc vi phạm khoảng cách tối thiểu giữa hai đường bay.
Nguyên nhân ban đầu có thể do sự phối hợp hợp đồng bay giữa hàng không dân sự và quân sự không tốt của kíp trực điều hành. Lỗi của kiểm soát viên trong việc canh nghe huấn lệnh.
Hiện Cục Hàng không đang phối hợp với các bên thành lập tổ điều tra tiếp tục làm rõ nguyên nhân của sự cố này.
Làm gì để tránh hậu quả hàng không đáng tiếc?
Sự cố máy bay uy hiếp an toàn hàng không |
Phi công kỳ cựu này nói thêm, ai cũng biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rất bận rộn. Việc máy bay quân sự hoạt động ở đây là chuyện bình thường, nhưng do sân bay này đang quá tải nên lực lượng quân sự nên hạn chế việc huấn luyện ở sân bay này.
Ông Trung cho biết: “Việc huấn luyện quân sự ở sân bay này làm rối việc chỉ huy của hàng không. Chưa kể, trong quá trình huấn luyện, người thực hành lái máy bay quân sự đều là các học trò chứ không phải thầy nên nhiều khi người ta chấp hành kỷ luật không nghiêm, không đúng quy trình.
Nếu người chỉ huy không sâu sát thì chỉ trong vài giây hoặc vài chục giây đồng hồ thôi sẽ rất dễ xảy ra sai sót gây hậu quả nghiêm trọng”.
Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, ông Trung đề xuất, ở khu vực này còn có sân bay Biên Hòa – một sân bay khá lớn, rộng, chất lượng hạ tầng tốt không thua gì Tân Sơn Nhất, lại vắng vẻ cả ngày. Tại sao không đưa các máy bay quân sự lên sân bay Biên Hòa để huấn luyện?
“Lý do họ chọn Tân Sơn Nhất để huấn luyện lái máy bay quân sự có thể do sân bay này gần chỗ đóng quân của họ. Nhưng với cường độ ngày càng quá tải như hiện nay, không nên huấn luyện lái máy bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất nữa. Tôi đề nghị nên huấn luyện lái máy bay quân sự ở sân bay Biên Hòa, huấn luyện xong có thể đưa các máy bay đó về Tân Sơn Nhất”, ông Trung nêu quan điểm.
Đây không phải lần đầu xảy ra sự cố ở Tân Sơn Nhất. Mới đây, vào lúc 11 giờ 5 phút ngày 20/11 vừa qua, đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất tín hiệu hơn 1 giờ đồng hồ.
Rất may không có va chạm đáng tiếc xảy ra do khi xảy ra sự cố Công ty Quản lý bay miền Nam đã kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan, triển khai điều hành bay theo kế hoạch ứng phó không lưu đã được phê duyệt, cũng như gấp rút khắc phục từng phần hệ thống kỹ thuật tại ACC/HCM.
Đến 12 giờ 25 phút về cơ bản đã khắc phục được sự cố. Và đến 12 giờ 40 phút cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định và công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.
Tuy nhiên, đánh giá về mức độ nghiêm trọng của sự cố này, tại cuộc họp báo chiều 21/11, Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra và đe dọa an toàn ngành hàng không.
Về việc xử lý tập thể cá nhân liên sự cố mất tín hiệu vừa qua, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, Cục Hàng không đã yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố.