Trong bối cảnh giáo dục ngày nay, với những thay đổi về chương trình, áp lực công việc và yêu cầu đổi mới liên tục, nhiều người không khỏi băn khoăn: liệu nghề giáo có còn là một lựa chọn "an toàn" như trước?

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là một câu hỏi “sâu sắc và đáng để suy ngẫm” trong bối cảnh hiện nay. Theo thầy, nghề giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý, nhưng ngày nay, người làm nghề dạy đòi hỏi phải có sự nỗ lực và năng động hơn để thích ứng với những thay đổi của thời đại.
Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh vai trò truyền thống của nghề giáo bằng cách dẫn lại lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Từ đó, thầy Thành cho rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam là nền tảng văn hóa vững chắc, nhưng cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm cho mỗi người thầy, mỗi học sinh và phụ huynh trong cách ứng xử, để nghề dạy học ngày càng trở nên cao quý hơn trong lòng xã hội.

Tuy nhiên, theo thầy Thành, trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ hiện nay, người thầy không còn là nguồn tri thức duy nhất. “Học sinh có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đôi khi còn nhanh hơn cả giáo viên. Điều đó đặt ra áp lực rất lớn cho người thầy: nếu không tự làm mới mình, họ sẽ bị tụt hậu,” thầy Thành bày tỏ.
Đặc biệt, trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nhiều điểm mới so với các chương trình trước đây, nhất là sự chuyển dịch từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực người học. Điều này càng đòi hỏi người thầy phải thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy, từ việc truyền thụ kiến thức một chiều sang việc tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện các năng lực cần thiết.
“Vai trò của người thầy ngày nay đã mở rộng hơn rất nhiều: không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người hỗ trợ, người tạo điều kiện, người hướng dẫn học sinh cách học và tự khám phá tri thức. Điều này đòi hỏi mỗi giáo viên phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu để cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ hiệu quả vào quá trình dạy học”, vị Chủ nhiệm Khoa nhấn mạnh.
Trước thực tế đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhìn nhận, sự thay đổi này không làm giảm đi tính "an toàn" của nghề giáo mà chỉ làm thay đổi định nghĩa về "an toàn".
“An toàn không còn là sự ổn định, không thay đổi, mà là khả năng thích ứng linh hoạt với những đổi mới. Thầy cô giáo nào có tinh thần học hỏi, cầu tiến và sẵn sàng đổi mới bản thân sẽ luôn tìm thấy giá trị và niềm vui trong nghề nghiệp của mình. Nghề giáo vẫn là một lựa chọn an toàn và bền vững, nhưng với một yêu cầu cao hơn về năng lực thích ứng và phát triển chuyên môn liên tục. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nghề giáo tiếp tục khẳng định vị thế cao quý của mình trong xã hội hiện đại”, thầy Thành nêu nhận định.
Xuất phát từ chính tinh thần đó, chương trình đào tạo tại Khoa Sư phạm – Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã và đang được thiết kế nhằm chuẩn bị cho sinh viên năng lực toàn diện, giúp họ đáp ứng tốt những yêu cầu mới của thời đại.
“Chúng tôi không chỉ đào tạo giáo viên giỏi chuyên môn, mà còn chú trọng đến khả năng thích ứng công nghệ, đổi mới phương pháp và phát triển tư duy phản biện, sáng tạo cho sinh viên để sẵn sàng thích nghi trong kỷ nguyên giáo dục hiện đại,” Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cho biết.

Dù mới được thành lập từ năm 2009 trên cơ sở nâng cấp từ Khoa Sư phạm - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục đã kế thừa và phát huy truyền thống gần 120 năm của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo thầy Thành, điều này mang lại nhiều lợi thế cho Khoa về đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại và kinh nghiệm quản trị từ một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam.
Đặc biệt, một điểm nổi bật của Khoa là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn xuất sắc, với tỷ lệ Giáo sư, Phó Giáo sư trên 25% và tỷ lệ Tiến sĩ trên 80% - đây là tỷ lệ cao nhất trong các cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam. Trong đó, nhiều giảng viên của Khoa là chủ biên sách giáo khoa, tham gia xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và là chuyên gia tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông trong cả nước.
Cũng theo thầy Thành, Khoa Sư phạm là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng nhiều mô hình tiên tiến như lớp học đảo ngược (flipped classroom), dạy học kết hợp (blended learning), và tích cực ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy. Sinh viên được tiếp cận với các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trên nền tảng quản lý dạy học LMS.
Đặc biệt, sinh viên sư phạm tại đây không chỉ được học kiến thức lý thuyết mà còn có điều kiện thực hành sư phạm tại hệ thống các trường phổ thông uy tín ở Hà Nội, cùng cơ hội trao đổi học thuật, tiếp cận với những xu hướng giáo dục mới nhất trên thế giới và mở rộng tầm nhìn quốc tế.
Chương trình đào tạo cũng tích hợp nhiều học phần hiện đại như "Sư phạm số" hay "Ứng dụng Khoa học thần kinh trong dạy học", góp phần trang bị cho sinh viên cái nhìn mới mẻ, linh hoạt và thực tiễn về nghề giáo.
Hiện nay, Khoa đang triển khai một hệ sinh thái đào tạo toàn diện từ cử nhân đến tiến sĩ, đào tạo cả các môn truyền thống lẫn các môn học tích hợp mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo lý luận, thực hành nghề nghiệp và hợp tác quốc tế đã đưa Khoa Sư phạm trở thành một địa chỉ đào tạo uy tín, tiên phong trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên sẵn sàng hội nhập và phát triển trong thời đại mới.


Dành lời khuyên cho những thí sinh đang cân nhắc theo đuổi ngành sư phạm trong bối cảnh giáo dục đang có nhiều thay đổi như hiện nay, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh: “Các bạn cần hiểu rằng nghề giáo không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh”.
Theo thầy Thành, nghề giáo không đơn thuần chỉ là một con đường để kiếm sống, hơn thế, nghề giáo còn có sức ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tương lai. Vì vậy, người trẻ muốn theo nghề cần trả lời trung thực câu hỏi: Liệu mình có đam mê với việc dạy học, có đủ kiên nhẫn, và thực sự mong muốn giúp học sinh phát triển không chỉ về tri thức mà cả nhân cách?
“Đây cũng chính là tinh thần "nuôi dưỡng để phát triển" mà Khoa Sư phạm theo đuổi – nơi người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn ươm mầm phẩm chất và tài năng học trò”, vị Chủ nhiệm Khoa nhấn mạnh.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành, ba giá trị cốt lõi Đạo đức - Trách nhiệm - Trí tuệ là nền tảng không thể thiếu trong hành trình trở thành người thầy đúng nghĩa.
Trước tiên, đạo đức là kim chỉ nam giúp giáo viên giữ gìn hình ảnh mẫu mực trước học sinh và xã hội. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên sư phạm cần rèn luyện nhân cách và lối sống lành mạnh.
Trách nhiệm là yếu tố then chốt, không chỉ trong giảng dạy mà cả trong việc đồng hành cùng học sinh phát triển toàn diện. Trong thời đại nhiều thách thức, tinh thần trách nhiệm càng trở nên quan trọng.
Và trí tuệ là chìa khóa để thích ứng với thay đổi. Theo thầy Thành, trí tuệ ở đây không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là khả năng tư duy sáng tạo, phản biện và linh hoạt. Trong bối cảnh giáo dục đang thay đổi nhanh chóng, người thầy cần không ngừng trau dồi năng lực, học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cũng nhấn mạnh, giáo dục hiện đại đòi hỏi giáo viên phải thành thạo công nghệ. Đây không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu của nghề giáo trong thời đại số.
Ngoài kiến thức chuyên môn, các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, quản lý lớp học, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và khả năng thích ứng cũng đều rất quan trọng với người giáo viên. “Hãy chủ động tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế để phát triển toàn diện,” thầy Thành khuyên. Đồng thời, giáo viên thế kỷ 21 cũng cần có tư duy liên ngành và tầm nhìn rộng để không bị giới hạn trong khuôn khổ chuyên môn hẹp.
Thầy Thành nhấn mạnh, chất lượng đào tạo sẽ quyết định rất lớn đến tương lai nghề nghiệp. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng về chương trình học, đội ngũ giảng viên và môi trường thực hành sư phạm. Với triết lý "Nuôi dưỡng để phát triển", Khoa Sư phạm luôn đồng hành để sinh viên phát triển toàn diện cả về đạo đức, trách nhiệm và trí tuệ.
“Nghề giáo tuy có nhiều thách thức nhưng cũng mang lại những phần thưởng tinh thần vô giá. Mỗi thế hệ học trò trưởng thành và thành công chính là minh chứng cho giá trị của người thầy”, thầy Thành chia sẻ.


Gửi gắm đến các giáo viên trẻ và những đồng nghiệp đang gắn bó với nghề, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành chia sẻ những thông điệp tâm huyết, được đúc kết từ chính trải nghiệm và tầm nhìn giáo dục của bản thân:
“Giáo dục là nghề duy nhất có thể tạo ra mọi nghề nghiệp khác. Slogan "Nuôi dưỡng để phát triển" của Khoa chúng tôi không chỉ áp dụng cho học sinh mà còn cho chính bản thân mỗi nhà giáo. Chỉ khi chúng ta liên tục phát triển, chúng ta mới có thể dẫn dắt học sinh tiến lên phía trước”.
Giữa làn sóng công nghệ và thay đổi mạnh mẽ của ngành giáo dục, thầy Thành nhấn mạnh: Người thầy cần làm chủ công nghệ, chứ không bị công nghệ chi phối. Công nghệ là công cụ hỗ trợ dạy học – không thể thay thế vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và giáo dục nhân cách của người thầy.
Bên cạnh đó, ba trụ cột nền tảng – Đạo đức, Trách nhiệm và Trí tuệ – là kim chỉ nam giúp mỗi nhà giáo vững bước trên hành trình chuyển mình cùng thời đại.
Thầy Thành nhấn mạnh: “Học sinh có thể quên đi những kiến thức bạn dạy, nhưng sẽ không bao giờ quên cách bạn đối xử với chúng. Mỗi lời nói, mỗi quyết định của người thầy đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến học sinh. Vì thế, hãy là tấm gương sáng, không chỉ trong tri thức mà cả trong cách sống và cách vượt qua thử thách”.
Khép lại chia sẻ, Phó Giáo sư Thành khẳng định: “Dù giáo dục có đổi thay, vai trò của người thầy vẫn không thể thay thế. Trong kỷ nguyên mới, sự thay đổi không phải là mối đe dọa mà là cơ hội để tái định nghĩa và nâng tầm giá trị của nghề giáo.
Mỗi người thầy đều đang góp phần kiến tạo tương lai - không chỉ của học sinh mà còn của cả đất nước. Đó là trách nhiệm lớn lao, nhưng cũng là vinh dự vô cùng cao quý mà chúng ta được trao.”