Từ việc phải điền hồ sơ trên giấy, đến tận các trường đại học để nộp hồ sơ,... thì nay thí sinh ở bất cứ đâu cũng đều có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Ngoài kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh còn nhiều các lựa chọn khác nhau về phương thức tuyển sinh để xét tuyển vào các trường. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức, thông tin các ngành học,... của cơ sở giáo dục đại học đều được công khai, minh bạch với xã hội, người học trên các trang thông tin điện tử…
Đây là những thay đổi dễ thấy trong công tác tuyển sinh đại học trong gần 1 thập kỷ qua. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025 (tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/3/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập tới 8 vấn đề đổi mới trong tuyển sinh đại học ở nước ta từ năm 2015 đến nay.
Cụ thể, đó là đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển; đổi mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; đổi mới ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng; đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng; đổi mới trong quy trình xét tuyển và lọc ảo; đổi mới về cơ sở dữ liệu; đổi mới về chỉ tiêu tuyển sinh và một số điểm đổi mới khác như đề án tuyển sinh, xác nhận nhập học, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, xác nhận nhập học trực tuyến…
Một số đổi mới đáng chú ý như trong công tác đổi mới tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển, trước đó vào năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học/cao đẳng, các cơ sở đào tạo xét tuyển căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cũng trong năm này, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển.
Những năm sau đó, lần lượt có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh như: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển (năm 2017); Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy (năm 2020);
Năm 2022, thêm nhiều trường khác như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh… tổ chức kỳ thi riêng. Các trường thuộc Bộ Công an tổ chức thi riêng để lấy kết hợp với điểm thi trung học phổ thông, điểm học tập bậc trung học phổ thông để xét tuyển.
Đến năm 2024, hình thành nhóm 6 trường (Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Marketing) tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở đào tạo được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Năm 2023, có 20 phương thức xét tuyển đại học (theo Công văn 1919/BGDĐT-GDĐH ngày 28/4/2023 về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non)
TT |
Mã |
Tên phương thức xét tuyển |
1 |
100 |
Kết quả thi tốt nghiệp THPT |
2 |
200 |
Kết quả học tập cấp THPT (học bạ) |
3 |
301 |
Tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8) |
4 |
302 |
Kết hợp giữa tuyển thẳng theo Đề án và các phương thức khác |
5 |
303 |
Tuyển thẳng theo Đề án của CSĐT |
6 |
401 |
Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do CSĐT tự tổ chức để xét tuyển |
7 |
402 |
Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển |
8 |
403 |
Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển |
9 |
404 |
Sử dụng kết quả thi văn hóa do CSĐT khác tổ chức để xét tuyển |
10 |
405 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển |
11 |
406 |
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển |
12 |
407 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển |
13 |
408 |
Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
14 |
409 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
15 |
410 |
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
16 |
411 |
Thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài |
17 |
412 |
Qua phỏng vấn |
18 |
413 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn để xét tuyển |
19 |
414 |
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn để xét tuyển |
20 |
500 |
Sử dụng phương thức khác |
Về vấn đề đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, vào năm 2015, lúc này thí sinh cả nước chỉ được phép đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 1 trường, thời gian đăng ký khoảng tháng 8, nếu thay đổi nguyện vọng: đến trực tiếp. Thí sinh cũng phải thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tại cơ sở đào tạo.
Năm 2016, 2017, việc đăng ký xét tuyển vẫn được thực hiện bằng phiếu và nộp tại cơ sở giáo dục. Đến năm 2021, bắt đầu có thêm hình thức đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, nhưng chỉ thực hiện ở nơi có điều kiện theo quy định của cơ sở giáo dục.
Bắt đầu từ năm 2022, việc đăng ký xét tuyển được chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Và đến năm 2023, thí sinh chỉ cần đăng kí xét tuyển theo ngành-trường, không cần chọn phương thức xét tuyển.
Những đổi mới trong vấn đề khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên cũng là một trong những nội dung đáng chú ý và đã dành được nhiều sự quan tâm, bàn luận của dư luận xã hội.
Cụ thể, năm 2015, lúc này điểm ưu tiên khu vực được xác định như sau:
KV1: 1,5 điểm, KV2NT: 1,0 điểm, KV2: 0,5 điểm, KV3 không hưởng ưu tiên
Với đối tượng ưu tiên, nhóm 1: 2,0 điểm; Nhóm 2: 1,0 điểm.
Đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh mức điểm cộng, giảm ½ điểm ưu tiên khu vực; cụ thể: KV1: 0,75 điểm, KV2NT: 0,5 điểm, KV2: 0,25 điểm, KV3 không hưởng ưu tiên; Ưu tiên đối tượng giữa nguyên như năm 2017.
Đến năm 2022, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Chính sách điểm ưu tiên thay đổi mạnh mẽ từ năm 2023, cụ thể Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm ưu tiên giảm dần từ 22,5, tối đa điểm xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên) là 30 điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thay đổi này nhằm mục đích tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh ở các khu vực khác nhau và thuộc những đối tượng khác nhau.
Hay vấn đề đổi mới trong quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, từ năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng do các cơ sở đào tạo tự quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề (từ năm 2019).
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 9 năm đổi mới tuyển sinh, số lượng thí sinh nhập học chính quy ngày càng tăng.
Cụ thể, nếu như năm 2015, số thí sinh nhập học đại học chính quy là 400.163 thí sinh thì năm 2023, con số này là 546.686. Đây cũng là năm có số thí sinh nhập học cao nhất trong 9 năm qua.
Giai đoạn từ năm 2016-2018, số thí sinh nhập học có xu hướng giảm nhẹ (dưới 400.000), tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, số thí sinh nhập học đã tăng ổn định trở lại. Trong đó, 3 năm gần đây con số nhập học đã đạt trên 500.000 sinh viên.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 9 năm đổi mới từ 2015 đến nay, cách thức tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định và ngày càng tốt hơn, cho thấy sự tăng trưởng bền vững. Những đổi mới trong công tác tuyển sinh đều hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho thí sinh, cơ sở đào tạo, công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, công tác tuyển sinh đại học giai đoạn từ 2015 đến nay vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, mặc dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học, tuy nhiên thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Tính công bằng giữa các phương thức tuyển sinh cũng là một vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra, yêu cầu các trường phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu.