VN hoàn toàn có thể cung cấp 100% nhu cầu sữa tươi, nhưng… Trong một phát biểu mới đây tại diễn đàn về nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà tư vấn tài chính cho dự án nhà máy sữa TH True Milk đưa ra con số: 92% nguồn nguyên liệu sữa tại Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài (năm 2008), sữa nước trên thị trường chủ yếu là sữa hoàn nguyên, tức doanh nghiệp nhập sữa bột về, pha chế thành sữa nước chứ không phải sữa tươi. Hiện chỉ có khoảng 20-25% người dân Việt Nam được uống sữa tươi, dư địa để tăng thị phần này, theo bà Hương “còn nhiều lắm”.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc chi nhánh tại TP.HCM, công ty sữa Dalatmilk cho biết: Việt Nam hoàn toàn đủ các điều kiện để phát triển thị phần sữa tươi... |
Âm thầm "cuộc chiến" sữa tươi Việt sau tuyên bố "sữa sạch" của TH Milk
Chỉ hơn 22.000 con bò, sao TH True Milk dám bảo "không có đối thủ"?
Khẳng định sữa của mình "sạch" hơn, TH True Milk đúng hay sai?
Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trịnh Quý Phổ lại cho hay, ở Việt Nam việc cung cấp 100% sữa tươi cho thị trường là không khả thi, do nhiều nguyên nhân như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, diện tích đất đai hữu hạn mà người dân lại không chuyên tâm vào đồng cỏ để tạo thức ăn cho bò mà phân tán sang các lĩnh vực khác như chè, cao su,… Ông Phổ đưa ra ví dụ: “Như Mộc Châu là khu chăn nuôi truyền thống mà còn cắt đất ra xây dựng khu đô thị Mộc Châu, như vậy một phần diện tích đồng cỏ bị mất, lấy đâu ra đất để trồng cỏ nuôi bò. Và khi đó, càng nhập khẩu nguyên liệu cho bò bao nhiêu giá thành càng đắt bấy nhiêu…”. Khác với quan điểm nêu trên của ông Phổ, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc chi nhánh tại TP.HCM, Công ty sữa Dalatmilk - đơn vị cung cấp sữa tươi hàng đầu tại thị trường TP.Hồ Chí Minh lại khẳng định: Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có đủ các điều kiện để có thể cung cấp đủ nhu cầu sữa tươi của người dân trong nước. “Tôi đã từng nghiên cứu sâu về vấn đề này, các công ty Việt Nam đủ quy mô và đủ tầm để sản xuất thậm chí sản lượng dư, tiêu thụ không hết chứ không phải thiếu như người ta nói. Điều kiện đất đai và khí hậu chúng ta đều đạt hết”. Tuy nhiên, ông Thanh nhấn mạnh: Vấn đề khó khăn khiến sữa tươi trên thị trường trong nước ít là do chi phí đắt đỏ, giá cao không phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. “Chi phí đầu vào để sản xuất sữa tươi trong nước bị đội lên cao nên doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được với sữa ngoại nhập. Bạn hãy cứ tưởng tượng: Một chai sữa tươi của nước ngoài bằng giá chai nước Lavie hoặc nước khoáng 4.000 – 5.000 đồng thì bạn có mua không, trong khi, giá sữa tươi sản xuất trong nước chắc chắn sẽ đắt hơn. Đó là lý do tại sao mình không thể cung cấp đủ nhu cầu sữa tươi cho thị trường mà phải nhập một số loại từ nước ngoài về” – ông Thanh lý giải. Ngoài sự chênh lệch về giá, tâm lý sính ngoại của người dân Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều tới sản lượng tiêu thụ sữa tươi trong nước. Theo ông Thanh, ở Việt Nam, không ít người tiêu dùng sẵn sàng mua sữa ngoại vì tin tưởng chất lượng tốt hơn, đảm bảo hơn thay vì bỏ tiền ra mua và ủng hộ cho sự phát triển của hàng nội địa.Sữa tươi và sữa hoàn nguyên, sữa nào tốt hơn? Trước dư luận và báo chí, bà chủ TH Milk luôn tự hào vì mình đã tìm ra một đường đi riêng, không giống ai, “một đại dương xanh trong lòng biển đỏ”. “Sữa của người khác sạch, hay bẩn thì tôi không biết. Nhưng tôi biết đang còn nhập khẩu sữa bột rất nhiều. Sữa bột thì cũng từ sữa nước song nó hai lần đã dùng đến nhiệt. Một là cô đặc, hai là hoàn nguyên. Một điều khẳng định mà các nhà khoa học đưa ra là vi lượng cơ bản bay đi một ít, sau đó ta phải bổ sung cho đủ” – trang VnEconomy dẫn lời bà Hương trong phát biểu tại diễn đàn về “ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác công tư”.
Người tiêu dùng thường bị nhập nhèm giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên, do đó, một số doanh nghiệp sữa đã kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp bán sữa ghi ngay trên bao bì nguyên liệu đầu vào để người dân có quyền lựa chọn. |
Tuy nhiên, bác bỏ những thông tin coi sữa bột “không bằng” sữa tươi này, ông Trịnh Quý Phổ - Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam lại khẳng định: “Sữa bột là một thành tựu kinh tế kỹ thuật để đời của tiến bộ khoa học kỹ thuật thế kỷ XX, vì nếu không sản xuất được sữa bột thì làm sao mang đi xa và để lâu được. Như vậy, Việt Nam chờ tới bao giờ mới có sữa cho người dân”. Ông Phổ cho biết: sữa tươi chỉ bảo quản và sử dụng được trong một khoảng thời gian nhất định, để lâu sẽ hỏng vì độ đạm rất cao, để vi khuẩn xâm nhập vào là hỏng ngay. “Ta cứ hình dung, có những hộp sữa thành phẩm chỉ vì va quệt một chút thôi, vi khuẩn xâm nhập vào, vỏ hộp sẽ phình to ra luôn” – ông Phổ nói. Về hàm lượng dinh dưỡng, ông Phổ thừa nhận: Khi sản xuất từ sữa tươi chuyển sang sữa bột, khi qua nhiệt đúng là sẽ hao hụt đi một phần của những vi chất nhưng trong quá trình hoàn nguyên thành sữa nước sẽ được bổ sung thêm các vi lượng để bù lại, tái tạo lại. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng: Sữa tươi ngon hơn, tươi hơn, tinh nguyên hơn, nguyên chất hơn và đầy đủ dưỡng chất hơn sữa hoàn nguyên. “Sữa hoàn nguyên (hay nói cách khác “sữa tiệt trùng”) là một dạng sữa đã pha chế, tinh cô lại, từ sữa bột được pha thêm nước và vitamin chuyển thành sữa nước, để lâu ngày được, trong khi sữa tươi thì không thể bảo quản lâu. Sữa hoàn nguyên phù hợp với những nước nghèo, những nước không đủ tiền dùng sữa tươi, phải mua sữa tiệt trùng vì giá thành rẻ hơn” – một giám đốc công ty sữa tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ. Về hàm lượng dinh dưỡng theo vị giám đốc này: Sữa tươi và sữa hoàn nguyên khác nhau. “Cứ ví dụ bạn ăn một quả nho tươi và một quả nho khô, cùng là nho nhưng khác nhau ở điểm, nho tươi có sao để vậy, còn nho khô có thể ngâm vào nước đường, pha thêm cái này, cái khác, còn phụ thuộc vào họ pha chế với cái gì. Họ nói bổ sung vitamin nhưng điều đó chỉ có họ mới biết được!” – Vị này nhấn mạnh.
Từ năm 2006, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đăng Vang đã phân tích trên báo Khoa học và phát triển: Sữa tươi là vắt từ bò ra, còn sữa bột mua về rồi biến nó thành sữa nước thì đó gọi là sữa hoàn nguyên, không dùng từ sữa tươi.
Về hàm lượng dinh dưỡng, Nguyên cục trưởng Vang nói: “Sữa bột bình thường từ sữa tươi đem làm khô đi thì phần dinh dưỡng sẽ tổn hao đi nhiều lần. Các axit amin giảm, tỷ lệ tiêu hóa của khoáng chất giảm đi, một số vitamin sẽ bị mất. Khi chế biến “ngược” trở thành sữa nước thì người ta phải bổ sung vào.
Tuy nhiên, việc bổ sung này có đảm bảo các khoáng chất đầy đủ không, ông Vang cho rằng: “Không có khoa học nào là không giải quyết được, có điều là họ có bổ sung hay không”.
Về hàm lượng dinh dưỡng, Nguyên cục trưởng Vang nói: “Sữa bột bình thường từ sữa tươi đem làm khô đi thì phần dinh dưỡng sẽ tổn hao đi nhiều lần. Các axit amin giảm, tỷ lệ tiêu hóa của khoáng chất giảm đi, một số vitamin sẽ bị mất. Khi chế biến “ngược” trở thành sữa nước thì người ta phải bổ sung vào.
Tuy nhiên, việc bổ sung này có đảm bảo các khoáng chất đầy đủ không, ông Vang cho rằng: “Không có khoa học nào là không giải quyết được, có điều là họ có bổ sung hay không”.
Tiểu Phương - Huyền Nguyễn