Chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu ngoại viện và phòng chống dịch Covid-19

12/09/2021 06:38
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do số lượng người nhiễm tăng nhanh, việc tham gia hỗ trợ tại Trung tâm cấp cứu 115 đáp ứng được sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực hiện nay.

Tối ngày 8/9, hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu ngoại viện và phòng chống dịch SARS COV-2 của khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch” được tổ chức dưới sự chủ trì của Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam.

Tham gia hội thảo có các thầy, cô giáo cùng nhiều sinh viên ngành Điều dưỡng tại hơn 300 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc với nhiều báo cáo thảo luận, ý kiến bổ ích được đưa ra nhằm trao đổi, góp ý, hoàn thiện và phát triển chuyên ngành Cấp cứu ngoài bệnh viện trong thực tế và đào tạo hiện nay.

Tại hội thảo, là một trong các cơ sở uy tín về đào tạo ngành Điều dưỡng, đặc biệt với chuyên ngành Cấp cứu ngoài viện, trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống, chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã có những chia sẻ sâu sát với hoàn cảnh thực tế, tại các vị trí, địa điểm và mô hình ứng dụng triển khai khác nhau như hỗ trợ tại Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh, các trạm vệ tinh 115 dã chiến, ứng dụng mô hình biệt đội taxi cấp cứu chuyển bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

Chia sẻ về công tác tham gia phòng chống dịch Covid-19 của lực lượng giảng viên, sinh viên Điều dưỡng cấp cứu ngoài bệnh viện trong giai đoạn bùng dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Phạm Minh Nhựt, giảng viên bộ môn Điều dưỡng Cấp cứu ngoại viện, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay:

“Diễn biến dịch bệnh tại thành phố phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng cao và lan rộng, nhất là từ cuối tháng 7 cho đến nay. Các khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quá tải, đội ngũ nhân viên y tế gần như quá sức.

Bên cạnh đó, công tác cấp cứu ngoại viện, vận chuyển cấp cứu chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Độ phủ vaccine còn chậm, chưa đủ tạo ra độ miễn dịch cộng đồng và các phương án phòng chống dịch được thay đổi, cập nhật liên tục theo tình hình dịch bệnh.

Trước tình hình đó, lực lượng giảng viên, sinh viên Điều dưỡng cấp cứu ngoài bệnh viện Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã đăng ký và sẵn sàng lên đường chi viện hỗ trợ đáp ứng nhu cầu về nhân lực và chuyên môn cho Trung tâm cấp cứu 115”.

Giảng viên và sinh viên Điều dưỡng cấp cứu ngoài bệnh viện tham gia thực hiện với 2 nhóm công việc chính là các công tác chung về phòng, chống dịch như lấy mẫu xét nghiệm; truy vết; khoanh vùng; hỗ trợ tiêm vaccine, chăm sóc hoặc tư vấn người bệnh F0… và công tác chuyên ngành về cấp cứu và vận chuyện người bệnh.

Tình nguyện viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhận nhiệm vụ tại Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

Tình nguyện viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhận nhiệm vụ tại Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

“Ngoài những công việc chung về phòng chống dịch bệnh thì điều dưỡng cấp cứu ngoài bệnh viện chia lực lượng tham gia các công tác chính trong lĩnh vực chuyên môn về cấp cứu ngoại viện trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 như: điều phối cấp cứu; ứng phó thảm họa; xử trí và cấp cứu ngoại viện các trường cấp cứu, trường hợp F0 triệu chứng nặng; vận chuyển cấp cứu; …

Do số lượng người nhiễm tăng nhanh, nhu cầu quá lớn dẫn đến quá tải, lượng nhân viên y tế bị phơi nhiễm cao. Vì vậy, việc tham gia hỗ trợ tại Trung tâm cấp cứu 115 đáp ứng được sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực. Góp phần chung tay cùng lực lượng y, bác sỹ tuyến đầu đẩy lùi bệnh dịch Covid-19”, Thạc sĩ Phạm Minh Nhựt cho hay.

Được biết, Phòng Điều hành, Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp nhận hơn 5000 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp không kể ngày đêm.

“Các cuộc gọi đến ca trực đều trong tình huống khẩn cấp như người nhà bị ho, khó thở, không còn cử động được chân tay...., đa số đều là các triệu chứng trở nặng của Covid-19.

Những đêm trực, trên những chuyến xe hối hả, chúng tôi thèm lắm một giấc ngủ an yên. Và điều bình dị nhỏ nhoi như được ở ăn bữa cơm với gia đình, được xem một bộ phim yêu thích, lúc này đây dường như đã trở nên xa xỉ với những 'chiến binh' tuyến đầu”, Thạc sĩ Nhựt chia sẻ.

Đã nhiều ngày liền Thạc sĩ Nhựt và đồng đội quen dần với những bữa ăn vội, giấc ngủ không trọn vẹn. Thế nhưng dù khó khăn, vất vả và đầy gian nan, thầy Nhựt và đồng nghiệp chưa bao giờ chùn bước, vẫn luôn dốc hết tâm sức để mong dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi, giành lại sự bình yên cho bà con, cho thành phố.

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC)

Cũng là một trong những cá nhân trực tiếp tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Hoàng Minh Thành, khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết:

“Tổng đài 115 dã chiến được thành lập khẩn trương, gấp rút khi tình hình dịch bệnh tại thành phố căng thẳng, hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin y tế quá tải.

Hệ thống tổng đài 115 dã chiến được đặt tại công viên Phần mềm Quang Trung, hiện có số lượng 40 tổng đài viên/ca, 3 ca/ngày và có thể mở rộng quy mô khi cần thiết với nhiệm vụ chính là tiếp nhận thông tin cuộc gọi cấp cứu và điều phối công tác chuyển bệnh trên địa bàn thành phố.

Đáp lại lời kêu gọi tình nguyện viên tham gia chống dịch từ Sở Y tế và Trung tâm cấp cứu 115, nhà trường, giáo viên, sinh viên đã tích cực hưởng ứng tham gia với quyết tâm cao nhất chiến thắng dịch bệnh Covid, bảo vệ người dân, thành phố được an toàn”.

Thầy Hoàng Minh Thành cho hay, từ 05/08/2021-06/09/2021, trung bình đơn vị tiếp nhận 3-4 nghìn cuộc gọi/ngày, trong số đó cuộc gọi được tiếp nhận và xử lý chiếm 94%. Đây là dấu hiệu tích cực đối với Tổng đài 115 dã chiến nói riêng và ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

“Sau khi tiếp nhận cuộc gọi 115 thì tổng đài viên cần phải thực hiện các hướng điều phối như: hướng dẫn liên hệ 1022; tư vấn chăm sóc tại nhà, hướng dẫn liên hệ y tế địa phương; chuyển tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động tuyến quận, huyện; chuyển taxi cấp cứu; triển khai cấp cứu ngoại viện…

Quy trình xử lý các cuộc gọi đang được áp dụng tại Tổng đài 115 dã chiến là khi tiếp nhận cuộc gọi, tổng đài viên sẽ khai thác thông tin nhắm phân loại nhanh tình trạng bệnh nhân theo 3 mức độ: tình trạng ổn có thể hướng dẫn chăm sóc theo dõi tại nhà, cấp cứu có thể trì hoãn được hoặc cấp cứu khẩn. Tùy theo mức độ và tình huống cuộc gọi mà tổng đài viên sẽ xử trí theo quy định”, thầy Thành chia sẻ.

Tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh đối với thầy Hoàng Minh Thành cùng các đồng nghiệp, sinh viên ngành Điều dưỡng vừa là cơ hội được cống hiến hết mình, chung tay, góp sức trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối đầu với những thách thức như: thời gian thích nghi tương đối ngắn nên bắt buộc phải trau dồi, cập nhật kiến thức liên tục, tập huấn bất cứ lúc nào có thể; nhịp độ công việc nhanh, dày đặc; cần sự tỉnh táo khi nghe gọi liên tục suốt 8 giờ; khung giờ sinh hoạt biến động theo ca trực và trau dồi kỹ năng mềm…

Phan Minh Toàn là sinh viên khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Phan Minh Toàn là sinh viên khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Phan Minh Toàn là sinh viên khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid tại Tổng đài 115 dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự tại hội thảo: “Tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại Tổng đài 115 dã chiến đó là cơ hội thực tế cho mỗi sinh viên được trau dồi về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong công tác điều phối.

Là một sinh viên, khi được tình nguyện hỗ trợ thực chiến, chứng kiến thực tế khốc liệt của dịch bệnh Covid em hiểu được hơn về ngành học của mình. Đó là những vất vả, hi sinh, thậm chí là mất mát nhưng đó cũng là niềm tự hào, những bài học quý giá, những cống hiến hết mình và quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão về con đường bản thân sẽ đi trong tương lai”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bày tỏ: “Hi vọng rằng, với nhu cầu thực tế cần thiết được chứng minh qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, Cấp cứu ngoài bệnh viện sẽ trở thành một mã ngành riêng, tách biệt so với mã ngành Điều dưỡng trong tương lai”.

Kết thúc hội thảo, Thạc sỹ Nguyễn Bích Lưu, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam nhận định: “Đội ngũ cấp cứu ngoại viện là những anh hùng, bởi vì họ luôn đi về phía trước, luôn chịu khó, chịu khổ, cống hiến cho ngành y, cùng như xã hội. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra vừa là thách thức nhưng đó cũng là cơ hội cho một số mã ngành cấp thiết với cuộc sống được mở ra đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, thời đại”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh