Đã rõ nguyên nhân gây ngộ độc cho nhiều học sinh tại huyện Đông Anh

01/10/2020 15:18
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự việc này một lần nữa cho thấy phải có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Như Giáo dục Việt Nam đã đưa, chỉ trong 2 ngày 9 và 10/9/2020 trên địa bàn 2 xã của huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Tiên Dương và Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu.

Trường tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương) sau khi ăn trưa tại trường đã có hơn 50 em học sinh đều với triệu chứng buồn nôn, đi ngoài và có 5 em phải vào viện cấp cứu.Ảnh: Tùng Dương.

Trường tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương) sau khi ăn trưa tại trường đã có hơn 50 em học sinh đều với triệu chứng buồn nôn, đi ngoài và có 5 em phải vào viện cấp cứu.Ảnh: Tùng Dương.

Cơ sở chế biến thức ăn cho các em học sinh Trường tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Tùng Dương.

Cơ sở chế biến thức ăn cho các em học sinh Trường tiểu học Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Tùng Dương.

Kết quả kiểm nghiệm tại Trường tiểu học Tiên Dương

Đoàn kiểm tra của Chi cục an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm gồm 05 món ăn ngày 9/9/2020 tại Trường tiểu học Tiên Dương, 13 mẫu vi sinh bàn tay, 13 mẫu phân của nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm, 5 mẫu phân của học sinh, 1 mẫu thớt chín, 2 mẫu sữa học đường.

Tất cả các mẫu trên được chuyển đến Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm theo quy định.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: Căn cứ văn bản số 108/BC-CCATVSTP ngày 18/9/2020 của Chi cục an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội kết luận về kết quả xét nghiệm thực phẩm và căn nguyên, bữa ăn nguyên nhân tại Trường Tiểu học Tiên Dương, như sau:

Phát hiện Coliform, Staphyloccus aureus có trong mẫu thịt kho tầu, trứng cút chiên vượt ngưỡng theo quy định tại Quyết định số 46/2007/QĐ – BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế.

Phát hiện Staphyloccus haemolyticus trong mẫu vi bàn tay của nhân viên Trần Thị Bốn, mẫu đường ruột nhân viên Đinh Thị Hải, nhân viên Trần Thị Duyên.

Có Staphyloccus trong mẫu vi bàn tay của nhân viên Nguyễn Văn Chi, tất cả đều là nhân viên chế biến thực phẩm tại hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh.

Qua đó kết luận tại Trường tiểu học Tiên Dương có 22 học sinh ngộ độc thực phẩm, căn nguyên gây ngộ độc do vi khuẩn tại bữa ăn trưa trong nhà trường ngày 9/9/2020.

Kết quả kiểm nghiệm tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu

Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu thực phẩm lưu của bữa trưa ngày 10/9/2020, 2 mẫu sữa học đường, và tất cả đã gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội để xét nghiệm.

Căn cứ vào văn bản số 109/BC-CCATVSTP ngày 18/9/2020 của Chi cục an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội kết luận về kết quả xét nghiệm như sau:

Phát hiện vi khuẩn Coliform, Staphyloccus, Escherchia coli trong mẫu canh rau cải, su su xào cà rốt, đậu trắng sốt cà chua và giò lụa rim đã vượt ngưỡng tại Quyết định số 46/2007/QĐ – BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế.

Kết luận có 11 học sinh ngộ độc thực phẩm, căn nguyên gây ngộ độc là do vi khuẩn tại bữa ăn trưa ngày 10/9/2020 trong nhà trường.

Như vậy có thể nói là học sinh ở cả 2 trường đều bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn có trong thức ăn bán trú tại nhà trường.

Trường tiểu học Lê Hữu Tựu (huyện Đông Anh) nơi xảy ra vụ 11 học sinh ngộ độc thực phẩm, căn nguyên gây ngộ độc là do vi khuẩn tại bữa ăn trưa ngày 10/9/2020 trong nhà trường. Ảnh: Tùng Dương.

Trường tiểu học Lê Hữu Tựu (huyện Đông Anh) nơi xảy ra vụ 11 học sinh ngộ độc thực phẩm, căn nguyên gây ngộ độc là do vi khuẩn tại bữa ăn trưa ngày 10/9/2020 trong nhà trường. Ảnh: Tùng Dương.

Các biện pháp đã triển khai

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thành Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh cho biết: “Đã tạm dừng việc cung cấp suất ăn bán trú của hộ kinh doanh Vũ Quỳnh tại Trường Tiểu học Tiên Dương từ trưa ngày 10/9/2020 và hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh tại Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu từ trưa ngày 10/9/2020”.

Theo ông Luân: “Chúng tôi đang tiếp tục thu thập hồ sơ, củng cố tài liệu để làm việc với các cơ sở cung cấp thực phẩm để tiến hành làm rõ các vi phạm theo quy định”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội các trường tiểu học đều ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn, thực phẩm. Bên cạnh những đơn vị làm tốt, thì vẫn còn những đơn vị thiếu ý thức trách nhiệm, do đó đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Một số Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, cho biết: Dù đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm nhưng lãnh đạo nhà trường và ban phụ huynh vẫn thường xuyên phải kiểm soát thực phẩm hàng ngày hoặc đột xuất.

Ngoài lo lắng về nguồn nguyên liệu thì một nguy cơ mà các bếp ăn trường học phải đối diện là doanh nghiệp cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng.

Bà Dương Thị Lan Phương (bên trái) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu và bà Nguyễn Thị Cúc (bên phải) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Bà Dương Thị Lan Phương (bên trái) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu và bà Nguyễn Thị Cúc (bên phải) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Kiểm soát bếp ăn bán trú trong các trường học ra sao?

Dù an toàn bếp ăn trường học đã sớm được cảnh báo, tuy nhiên vẫn có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do vậy để đảm bảo an toàn cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, tại các cơ sở giáo dục hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.

Các đơn vị làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương về công tác giám sát an toàn thực phẩm trong trường học.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn.

Ngoài ra, các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.

Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần.

Bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, báo cáo cơ quan chức năng để có hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.

Cục An toàn thực phẩm cho biết: Với vấn đề an toàn thực phẩm, Cục có bộ phận tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hàng ngày tại các đường dây nóng, do đó phụ huynh có thông tin "thực phẩm bẩn" có thể gọi tới các đường dây nóng, Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương.

Và điều cần thiết là chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm, công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ 5 người trở lên bị ngộ độc thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm Hình sự thì mức phạt đối với hộ kinh doanh là 80 -100 triệu đồng (theo điểm a khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/ NĐ-CP).

Ngoài ra cơ sở còn bị áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi, tiêu hủy sản phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm (theo quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 22 Nghị định 115/2018/ NĐ-CP và theo Điều 53 Luật an toàn thực phẩm).

Tùng Dương