Tại sao "con cán bộ và nhà có điều kiện" ít nhập ngũ?

01/12/2014 13:46
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội chỉ ra lý do chỉ có 15% con em cán bộ nhập ngũ.

Thảo luận về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về quy định kéo dài thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ 25 lên 27 và thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài từ 18 tháng lên 24 tháng bởi họ cho rằng làm như vậy đối tượng thiệt nhất vẫn là con em của nông dân.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội.

Ông có cho rằng kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự, con em nông dân chịu thiệt thòi nhất không?

Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội (Ảnh: GTVT)
Ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội (Ảnh: GTVT)

Đó là nhận định hoàn toàn đúng. Hiện nay chủ yếu là con em nông dân tham gia nghĩa vụ quân sự còn con em của các thành phần khác chỉ chiếm khoảng 15%. Nếu kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì cơ hội có được việc làm sau khi phục vụ trong quân đội trở về của họ càng thấp. Nói cách khác, thời gian phục vụ tại ngũ càng kéo dài họ càng mất đi nhiều cơ hội.

Theo ông, đối tượng, thời gian đi nghĩa vụ quân sự và thời gian phục vụ tại ngũ ra sao thì hợp lý?

Những vấn đề bạn vừa nêu là linh hồn của Luật nghĩa vụ quân sự. Tôi vừa kiến nghị trước Quốc hội rằng giờ phải đổi mới căn bản công tác tuyển quân và huấn luyện quân. Thay vì chủ yếu lấy con em nông dân học hết lớp 9 hoặc lớp 12, chúng ta nên lấy phần lớn số sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đưa vào trong quân đội, sử dụng đúng ngành nghề người ta được đào tạo.

Nếu làm được như vậy, thời gian huấn luyện theo tôi chỉ nên kéo dài từ 9 – 12 tháng. Tôi tin rằng chỉ với khoảng thời gian đó người ta đã trở nên cực kỳ tinh thông bởi họ đã có nghiệp vụ, chuyên môn từ trước rồi, chỉ cần học thêm một số kỹ năng cần thiết của một chiến sỹ. Sao phải kéo dài tới 2 năm? Như thế kiến thức của họ sẽ bị mai một, rất khó để khởi nghiệp.

Tóm lại, cần phải có một cơ cấu hợp lý, phải ngược trở lại 85% người nhập ngũ là sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, 15% còn lại là con em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa hay con em nông dân…

Về độ tuổi nhập ngũ, theo tôi chẳng cần nâng lên tới 27 vì luật hiện nay có cản trở gì đâu? Để nguyên độ tuổi 18 – 25 sẽ rất thuận tiện cho công dân trong việc lập nghiệp, lập gia đình….

Vì sao con em của các thành phần khác chỉ chiếm khoảng 15% thưa ông?

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc kéo dài thời gian nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 18 tháng lên 24 tháng.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc kéo dài thời gian nhập ngũ từ 25 lên 27 tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ từ 18 tháng lên 24 tháng.

Do cơ chế, chính sách, cách thực thi luật của chúng ta thôi. Hiện nay chúng ta đang có một quy định trong luật là cho tạm hoãn. Nếu ở Việt Nam có ít người ở trong độ tuổi nhập ngũ thì nếu có quy định đó đi chăng nữa, kiểu gì người ta cũng không thể hoãn mãi được.

Thế nhưng, rất tiếc trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự chúng ta có khoảng 7 triệu người trong khi một năm chúng ta chỉ tuyển khoảng 110.000 người. Điều đó đồng nghĩa với việc cứ trung bình 100 người, ta chỉ lấy 6 người đi bộ đội. 94 người còn lại sẽ không phải đi nên họ cứ tìm cách hoãn mãi thôi.

Số đó chủ yếu là con em cán bộ, con em tốt nghiệp đại học của các gia đình có điều kiện. Họ cứ xin hoãn mãi.

Theo ông, làm thế nào mà họ có thể “cứ xin hoãn mãi” việc đi nghĩa vụ quân sự như thế?

Tôi cũng đang thắc mắc không hiểu làm thế nào mà họ xin hoãn được mãi như thế? Trên thực tế, chúng ta có khoảng 1,5 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thế mà chúng ta chỉ lấy được có 0,64% số người có trình độ đại học, cao đẳng vào trong quân ngũ.

Tại sao người ta vẫn cứ đứng ngoài được khi mà lúc tốt nghiệp đại học, cao đẳng họ mới chỉ ở độ tuổi khoảng 21 – 22? Rõ ràng ở đây sự tạm hoãn có vấn đề. Theo khảo sát của chúng tôi ở một số địa phương, cứ 10 người thì có tới 4 người xin tạm hoãn.

Mới đây, phát biểu trước quốc hội về thực trạng này tôi có nói: Nếu nói như Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình rằng việc bổ nhiệm cấp phó không ngoại trừ khả năng bổ nhiệm vì một số lý do nào đó, thì tôi cũng nói lại rằng: Trong số những người được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi hết 25 tuổi thì cũng có một số nào đó vì một lý do nào đó cố tình tạm hoãn tới sau 25 tuổi để không phải nhập ngũ nữa.

Nhà nước có nên áp dụng chính sách mới nào đó để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia nhập ngũ trở về không thưa ông?

Ngoài những chính sách hiện có với họ và gia đình của họ, để những người tham gia nhập ngũ cảm thấy đỡ thiệt thòi so với những người khác, cần phải tạo cho họ nhiều cơ hội để họ có công ăn việc làm nhất là với những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Với những người chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, ta có thể có chính sách hỗ trợ cho anh em ôn luyện trước khi ra quân. Khi họ tham gia vào các kỳ thi cao đẳng, đại học, có thể cộng điểm tùy theo khu vực 1, 2, 3…

Xin cảm ơn ông!

Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trình Quốc hội dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm 8 chương và 60 điều, quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Trong đó có một số đề xuất mới như: Đề xuất nâng tuổi nhập ngũ lên 27 thay vì 25 như  hiện nay và thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài từ 18 tháng lên 24 tháng. Thay vì Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi và luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng).

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới; bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Tuy nhiên, qua thảo luận vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất cho nên kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vẫn chưa thông qua dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) này.

PHONG NGUYÊN