“Mỗi năm định biên trên cơ sở số lớp, số học sinh của trường, căn cứ đội ngũ giáo viên rồi phân công công việc, theo quy định cấp trung học cơ sở thì giáo viên dạy 19 tiết 1 tuần và thực sự là họ đã căng hết thời gian.
Các cấp quản lý luôn muốn nhà trường đầy đủ đội ngũ giáo viên để phục vụ việc giảng dạy có chất lượng. Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn về mặt nhân sự khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, sẽ triển khai thêm tổ hợp môn.
Chúng tôi cũng không áp đặt giáo viên phải ở trường đủ 8 giờ 1 ngày nếu không có công việc, điều đó tạo sự thoải mái về tâm lý cũng như khuyến khích sự sáng tạo.
Có giáo viên chỉ có cảm hứng đưa ra những ý tưởng mới áp dụng vào giảng dạy khi họ ở một không gian khác. Vậy nên chúng tôi chú trọng vào hiệu quả công việc chứ không nhất thiết phải bó buộc thời gian.
Giáo viên ở trường cả ngày chỉ phù hợp với những trường quốc tế, trường tư thục với lịch học 2 buổi một ngày, còn đối với những trường có phân công theo định biên là 18 - 19 tiết 1 tuần thì giáo viên cứ dạy theo quy định.
Con ngoài thời gian đó các thầy cô thoải mái thời gian và không chịu sự quản lý của nhà trường nơi công tác", đó là chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội (người đứng giữa) và cô Lương Thị Liên - giáo viên Tổ Toán (người bên phải), cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ (người bên trái). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo thầy Cường: “Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ thoáng hơn trong việc giáo viên đã hoàn thành nghĩ vụ của mình, khi thầy cô giảng dạy có chuyên môn tốt, hoàn thành công việc được giao thì họ có thể tham gia các hoạt động khác chứ không chỉ có dạy thêm học thêm.
Những hoạt động để tăng thu nhập nuôi gia đình mà pháp luật không cấm. Có thể thấy rất nhiều thầy cô dạy tin học tham gia viết phần mềm, quản trị mạng…tôi cho đó là việc chính đáng.
Một mong muốn và cũng là tâm huyết của rất nhiều nhà quản lý các trường và thực tế ai cũng muốn có được một cuộc sống tối thiểu, nuôi được bản thân và gia đình…các thầy cô cũng như bao người khác đều phải lo toan để duy trì cuộc sống.
Nếu như các thầy cô được đáp ứng một mức lương hàng tháng đủ cho cuộc sống tối thiểu thì lúc đó mối lo cơm, áo, gạo, tiền sẽ bớt đi phần nào trong suy nghĩ, có như vậy tôi tin chắc họ sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến cho nhà trường.
Khi giáo viên thấy sức lao động của mình được trả thù lao tương xứng, họ yên tâm cống hiến thì chắc chắn họ sẽ phải giữ vị trí việc làm và bắt buộc phải đáp ứng được yêu cầu của nhà trường đặt ra”.
Thầy Cường cho biết: “Có thể nói khi chứng kiến năm 2020 với dịch Covid - 19 thì có nhiều giáo viên tâm sự rằng họ đã có một thời gian giãn cách để suy nghĩ và thấy rằng giáo dục công lập đang rất ưu việt, có một biên độ rất rộng với các thầy cô.
Khi chúng ta đang nói những trường tự chủ tài chính, trường tư thục…thì rõ ràng họ đã đáp ứng được mức tài chính liên quan đến công việc. Đó là khía cạnh thứ nhất khẳng định giáo dục công lập đang rất ưu việt, đảm bảo được số lương tối thiểu cho giáo viên.
Nhưng để đáp ứng được thực tế cuộc sống thì còn phải phấn đấu rất nhiều, tuy nhiên để tốt hơn và câu trả lời có mong muốn tốt hơn không thì theo tôi có nhiều giải pháp.
Ở tầm xa hơn nếu như việc tự chủ toàn bộ sẽ rất khó, có trường phải thực hiện sứ mệnh phổ cập thì họ không thể nào có câu chuyện tự chủ được vì còn liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có việc tài chính của người học.
Tuy nhiên xét trên góc độ quản lý nhà trường nếu như được tự chủ về mặt tài chính, được trực tiếp tuyển dụng, được trả lương theo năng lực của giáo viên thì quá tốt. Khi đó những thầy cô có trình độ chuyên môn cao, năng suất lao động lớn thì mức lương được nhận có thể xứng đáng với sự cống hiến của họ.
Được như vậy thì giáo viên cũng không phải lo lắng băn khoăn đi tìm thêm công việc phụ nào khác ngoài nhà trường, lúc này họ toàn tâm toàn ý và sự cống hiến đó sẽ lan tỏa, và học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều nhất.
Hiện nay có Trường Phan Huy Chú đã tự chủ về mặt tài chính và mặt định biên, hoặc cũng có một số trường đã tự chủ một phần…Nhìn về mặt tổng thể thì nhà nước đang có những định hướng nâng mức lương cơ bản, đó cũng là một phần nào đó giúp cho quá trình đẩy mạnh cải cách tiền lương giúp cho thầy cô giáo thêm thu nhập để họ yên tâm công tác”.
Nếu được trả thù lao tương xứng, giáo viên không phải lo lắng đi tìm thêm công việc phụ nào khác ngoài nhà trường, lúc này họ sẽ toàn tâm toàn ý sự cống hiến và học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều nhất. Ảnh: T.D. |
Tâm tư của nhiều thầy cô
Thầy Cường chia sẻ: “Quả thật là với các trường công lập thì câu chuyện để tự thân các trường chăm lo thêm cho đời sống giáo viên về mặt vật chất là cực kỳ khó khăn.
Ngân sách cấp cho các trường thì chi trả chủ yếu tiền lương các thầy cô, một phần còn lại rất ít để chi thường xuyên cho các hoạt động nhà trường trong cả năm.
Làm sao để thầy cô tới trường mỗi ngày như một ngày vui thật sự, đôi khi chỉ là những bó hoa tặng nhân ngày sinh nhật nhưng cũng đã góp phần để thầy cô tạm quên đi những khó khăn thật sự. Đó là giải pháp về mặt tinh thần.
Còn ở góc độ vật chất thì mọi việc trong nhà trường ban giám hiệu chúng tôi cũng phải tính toán “co kéo” để làm sao tiết kiệm nhất về vấn đề các khoản chi trong năm.
Trên cơ sở mức lương của thầy cô, năng lực đáp ứng công tác, hiệu quả công việc trong năm…thì nhà trường cũng đã xin các cơ quan chức năng cho phép chi tăng thu nhập một chút để ghi nhận công sức của giáo viên nhưng thật sự nó cũng không đáng kể.
Đội ngũ giáo viên khi tuyển dụng vào đã rất chặt chẽ về quy trình, một thầy cô để đỗ viên chức vào một ngôi trường là rất khó và có thể nói hiện nay những giáo viên mới đỗ viên chức đều là những người có năng lực chuyên môn rất tốt.
Với những người giỏi như vậy rất cần mức lương khởi điểm cao lên một chút so với thực tế hơi thấp, có như vậy mới khơi dậy, thúc đẩy họ cống hiến hết sức mình cho giáo dục.
Trong một môi trường có sự phân biệt rất rõ giữa nhân viên và giáo viên. Những người làm công tác như thiết bị dạy học, thư viện, hành chính, y tế…họ đều là người đóng góp rất lớn công sức trong nhà trường nhưng rõ ràng thu nhập của họ thấp hơn giáo viên rất nhiều, chính vì vậy hiện nay nhiều trường không thể tuyển được người vào vị trí đó.
Tạo cơ chế vật chất động viên khích lệ, làm sao những khó khăn của họ luôn có người song hành, gỡ rối từ việc chuyên môn đến những việc khó khăn khác trong cuộc sống giúp cho giáo viên có một niềm tin nhất định để đáp ứng, cống hiến công việc hàng ngày.
Tránh những chuyện như hiện nay chỉ có một chiều hô hào giáo viên đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy… nhưng mức thù lao cho họ lại chưa theo kịp”.