Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (Chương trình tổng thể) được Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.
Sáng 28/1, tham luận tại Đại hội XIII, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định, cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Đại hội. |
Tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực
Kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa; đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, thông qua đó, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam so sánh với các quốc gia trên thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, các chỉ số đo lường, đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp.
Những kết quả của cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đã cho chúng ta thấy được bức tranh tương đối rõ nét về những vấn đề này. Cụ thể, thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thể chế kinh tế thị trường và một loạt các thể chế quan trọng trên các lĩnh vực đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ TTHC để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi và các TTHC thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...
Công tác cải cách TTHC tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa TTHC; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa TTHC và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.
Hàng năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng nhằm đề ra giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho từng năm và cả giai đoạn.
Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp.
Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử” là kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình tổng thể.
6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề xuất 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất là, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.
Thứ hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới, phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Từ những thể chế này, tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế-xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.
Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Cải cách, đơn giản hóa các TTHC, nhất là TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các TTHC đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư là, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm là, triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ sáu là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Nghiên cứu, tham khảo các kết quả đánh giá được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới.