Hội thảo “An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” nhằm tăng cường hiểu biết về thực phẩm, phụ gia thực phẩm trong bữa ăn để đảm bảo sức khỏe, phục vụ giảng dạy và học tập tốt. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại điểm cầu Hà Nội, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cùng các diễn giả là các chuyên gia: Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ công thương; Thạc sĩ Lã Thái Bình - Phó trưởng Phòng Giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Mặt Trời.
Hội thảo còn có sự tham gia trực tiếp của nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhân viên phụ trách bữa bán trú, đại diện các trường tiểu học, mầm non, quý phụ huynh; cùng gần 250 điểm cầu trực tuyến từ nhiều tỉnh, thành phố như Thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Giang…
Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình nhìn nhận, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được mỗi gia đình, người dân quan tâm. Đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần không khí mua bán các mặt hàng cũng diễn ra tấp nập khắp các nơi trên đất nước Việt Nam. Tết đến, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống, gia vị, phụ gia thực phẩm chế biến các bữa ăn đều gia tăng. Những thông tin về các vụ ngộ độc an toàn thực phẩm thời gian vừa qua khiến cho mỗi người dân, các trường học càng cần thực hành nâng cao hiểu biết, chế biến, sử dụng các sản phẩm thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp.
“Cũng xin chia sẻ với các chuyên gia và quý thầy cô ở các điểm cầu, thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh, lo lắng, băn khoăn của bạn đọc về các sản phẩm bột ngọt (mì chính) trên bao bì vẫn có tên thương hiệu và công ty đóng gói nhưng lại không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng có thể biết. Một số sản phẩm ngoài bao bì có ghi địa chỉ tuy nhiên khi phóng viên khảo sát thì tại đó không phải là cơ sở sản xuất mà là cửa hàng gội đầu, spa, nhà dân…. Điều này dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề an toàn sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm như vậy.
Chính vì vậy, hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” với mong muốn cung cấp thông tin từ các chuyên gia đến từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); cán bộ Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương); chuyên gia dinh dưỡng về các vấn đề liên quan nhằm giúp các trường học, giáo viên, học sinh có thêm kiến thức để đảm bảo tốt hơn nữa vấn đề an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn tại cơ sở giáo dục và ở mỗi gia đình”, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng lắng nghe phần trình bày tham luận của các chuyên gia và trao đổi thảo luận bàn tròn đầy sôi nổi.
Trình bày tham luận với chủ đề "Vai trò của an toàn thực phẩm trong đảm bảo vi chất dinh dưỡng cho học sinh, nhất là trong dịp Tết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung chia sẻ một số lưu ý để đảm bảo bữa ăn đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho học sinh. Đó là: Nên ăn đúng bữa; bữa ăn ngày Tết ngoài các món ăn truyền thống vẫn nên duy trì đa dạng thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm; nên ăn nhiều rau củ quả để cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng; nên ăn các món ngay sau khi nấu; hạn chế các món mứt kẹo, nước ngọt. Đồng thời ăn vừa phải các đồ chiên rán có nhiều dầu mỡ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung cho biết thêm, nguồn vi chất đến từ các thực phẩm tự nhiên như vitamin A có trong rau cải bó xôi, củ cà rốt; vitamin C có trong rau cải ngọt, rau súp lơ, rau dền đỏ, bưởi, cam, đu đủ; vitamin E có nhiều trong các loại hạt, rau xanh đậm, rau mầm, dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt...
“Bữa cơm ngày Tết nên làm mâm cơm có nhiều màu sắc, đầy đủ dinh dưỡng, đầy đủ vi chất với mức năng lượng vừa phải, đảm bảo sự cân bằng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, nhiều muối", Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung cho hay.
Theo chuyên gia, ngày Tết ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì nên kết hợp với hoạt động thể chất. Chuyên gia dẫn ví dụ, trẻ em Nhật Bản chơi, tập thể dục dưới trời nắng để tổng hợp vitamin D. Việc này mang đến nhiều tác dụng như giúp giảm căng thẳng, giúp hệ hô hấp và tuần hoàn khỏe mạnh, giúp mật độ xương đạt mức tối đa lúc trưởng thành.
Ông Nguyễn Đức Lê trình bày tham luận chủ đề "Thực trạng xử lý vi phạm đối với sản phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".
Theo ông Lê, an toàn thực phẩm ngày Tết luôn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Một số sản phẩm được bán ở khu vực gần trường học đều có đặc điểm chung là kích thích thị giác của học sinh.
Hay cũng có những trường hợp sản phẩm bột ngọt, mì chính không đảm bảo chất lượng được đưa vào bếp ăn với bao bì đóng gói giống các nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện, phối hợp với các công ty sản xuất kiểm tra, thu giữ các sản phẩm vi phạm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Lê mong rằng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và cơ quan quản lý trong công tác phòng chống, phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi tìm kiếm lợi nhuận bất hợp pháp bằng các sản phẩm không an toàn.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Lã Thái Bình đã trình bày tham luận "Tình hình ngộ độc thực phẩm – công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục". Thạc sĩ Lã Thái Bình cũng thông tin tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2024, tính đến ngày 20/12, toàn quốc ghi nhận 133 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.914 người mắc và 21 trường hợp tử vong.
Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn >30 người mắc là 31 vụ với 4.167 người mắc và 2 trường hợp tử vong; Số vụ ngộ độc thực phẩm <30 người là 102 vụ với 747 người mắc và 19 trường hợp tử vong. Trong đó có 43 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm, so biển, cá nóc); 6 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hóa chất (chủ yếu do metanol và histamin); 46 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật và 38 vụ ngộ độc chưa xác định nguyên nhân.
Sau phần tham luận, các chuyên gia cũng giải đáp các câu hỏi cụ thể từ các giáo viên, độc giả, đại biểu liên quan đến chế độ dinh dưỡng, các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Có độc giả bày tỏ mong muốn chuyên gia đưa ra lời khuyên cho nhà trường, học sinh trong việc cân đối dinh dưỡng để tránh những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của học sinh, thầy cô và người dân nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung chia sẻ, thời điểm trước và sau Tết có thể xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các nhà trường cần có sự chuẩn bị, dự trù để luôn đảm bảo nguồn cung thực phẩm cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho các em học sinh.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, bữa ăn gia đình mới là bữa ăn bền vững, do đó, cần xác định chế độ ăn cân đối, kết hợp hài hòa giữa món ăn truyền thống - hiện đại, hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Đặc biệt, đối với các nhà trường thì thời điểm này cần thật sự cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, kiểm soát các khâu một cách kỹ lưỡng.
Tại Hội thảo, có đại biểu băn khoăn: "Thực tế, nhiều bạn đọc phản ánh, các loại hàng hóa thực phẩm, bánh kẹo, gia vị…có nhu cầu tiêu thụ gia tăng dịp Tết bên ngoài bìa có nhãn mác. Tuy nhiên, người tiêu dùng không biết chắc các thông tin nhãn mác đó có đúng và hàng hóa có đảm bảo không. Vậy ở mặt cảm quan ngoài bao bì, người tiêu dùng cần lưu ý quan tâm các thông tin cụ thể gì để có thể là người tiêu dùng thông thái?.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Lã Thái Bình chia sẻ, hiện nay, các sản phẩm được lưu thông trên thị trường đều có các thông tin cần thiết, bố cục nhãn mác bắt mắt. Với người tiêu dùng khi đi mua sắm, cần lưu ý các thông tin trên nhãn mác như: Tên, nhãn hiệu sản phẩm; thành phần (chính, phụ); thông tin dinh dưỡng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; lô sản xuất; hạn sử dụng; chi tiết thông tin xuất xứ...
Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý, người tiêu dùng không nên tiêu thụ các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bao bì nhãn mác không đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người dân không nên tích trữ hàng hóa, nên mua đến đâu dùng đến đó, mua hàng hóa tại các cửa hàng được cấp giấy chứng nhận, có đủ điều kiện kinh doanh...
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, trên thực tế, các sản phẩm có màu sắc bắt mắt rất hấp dẫn học sinh. Một số sản phẩm với nhiều hương liệu, không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn được các em học sinh yêu thích. Vậy làm thế nào để nhà trường có thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho học sinh?
Trong trường hợp này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Nhung, nhà trường cần kiên trì với các con trong thời gian dài, giúp các con thay đổi nhận thức từng ngày. Còn Thạc sĩ Lã Thái Bình thì nhìn nhận, nguồn nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm còn tồn tại rất nhiều bên ngoài cánh cổng trường. Nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp để giáo dục con trẻ nhận thức được không nên sử dụng thực phẩm không an toàn.
Ông Nguyễn Đức Lê cũng khuyên phụ huynh, nhà trường cẩn trọng đối với các sản phẩm có bao bì làm giống, na ná các thương hiệu lớn, luôn chú ý các thông tin quan trọng trên nhãn mác để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Sau hơn 2 tiếng diễn ra, Hội thảo “An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” đã kết thúc thành công tốt đẹp. Nhà báo Nguyễn Tiến Bình gửi lời cảm ơn đến các vị chuyên gia, cùng thầy cô giáo ở các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường, các bậc phụ huynh đã tham dự hội thảo.
Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh về chăm sóc dinh dưỡng học đường, đồng thời, cùng các cơ sở giáo dục "gỡ rối" những khó khăn, vướng mắc.