Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai toàn diện công tác chuyển đổi số

26/08/2021 16:50
Tiến Phú
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.

Bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.

Vai trò của công tác bảo mật, an ninh mạng, an toàn thông tin cũng đã được tập đoàn nhìn nhận kịp thời để chuyển đổi số thành công.

Chuyển đổi số song hành cùng an toàn thông tin

Để chuyển đổi số thành công, EVN đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ công nhân viên, nâng cao nhận thức về công tác hết sức quan trọng này.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN trong giai đoạn hiện nay.

Hội đồng thành viên tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/2/2021 thông qua đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số là hướng đến các hoạt động được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tạo sự đột phá để chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị.

Từ nay đến năm 2025, tập đoàn đặt ra 92 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh-dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin).

Đồng thời, tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra ở môi trường mạng.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh, tập đoàn sẽ hoàn thiện hệ sinh thái số và xây dựng cơ sở dữ liệu EVN.

Theo đó, các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số cần xây dựng hệ sinh thái riêng của đơn vị mình có cấu trúc phù hợp và kết nối đồng bộ với hệ sinh thái chung của tập đoàn, tương thích với cơ sở dữ liệu của tập đoàn. Quá trình chuyển đổi số cần gắn liền với việc tăng cường an toàn thông tin.

Từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên đều xác định chuyển đổi số là chủ đề đang được quan tâm lớn, nằm trong kế hoạch của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử, xã hội số, nền kinh tế số.

Theo đó, góc tiếp cận của EVN về “chuyển đổi số và an toàn thông tin”, bởi phải đặt vấn đề an toàn thông tin ngay trong quá trình xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số của tập đoàn mới bảo đảm yêu cầu cho hoạt động ổn định sau này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh: “Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số”.

(Ảnh minh hoạ: Baodautu.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baodautu.vn)

Thực hiện đổi mới trong nhận thức và tư duy về chuyển đổi số

Tại Hội nghị chuyển đổi số và an toàn thông tin năm 2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; đổi mới tư duy của mỗi cán bộ nhân viên, người lao động của EVN.

Trong đó, cần giải quyết các cặp mâu thuẫn trong nhận thức như: Mâu thuẫn giữa thực hiện tuần tự và đột phá; mâu thuẫn giữa nâng cấp cái cũ và phá bỏ, xây dựng cái mới; mâu thuẫn giữa việc tự xây dựng theo nhu cầu và ứng dụng cái có sẵn; mâu thuẫn giữa đào tạo nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực...

Để thực hiện chuyển đổi số, công tác truyền thông, tuyên truyền tới mọi cán bộ nhân viên, người lao động trong tập đoàn với mục tiêu mỗi người hiểu được bản thân mình, đơn vị mình cần phải làm gì trong kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của tập đoàn; lợi ích của chuyển đổi số; tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng yêu cầu, các đơn vị khẩn trương thiết lập, vận hành hệ thống hạ tầng số và hạ tầng an ninh bảo mật đáp ứng yêu cầu cho công tác chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Cụ thể, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như: Công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT,...

Đồng thời, quản trị và kết nối xuyên suốt cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của tập đoàn và các đơn vị thành viên; tập trung hoàn thiện hạ tầng số mà nền tảng là hệ thống EVN’s Cloud, xây dựng nền tảng số, phát triển AI; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh tự động hóa, nghiên cứu sử dụng robot để thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm…

Theo đó, các đơn vị trong EVN cần đăng ký phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 5 sản phẩm “Make in Viet Nam” là sản phẩm mang thương hiệu EVN vào năm 2022.

Một chỉ đạo khác của lãnh đạo tập đoàn tới các đơn vị thành viên là phải bảo đảm nguồn lực cho công tác chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Các đơn vị cần chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị để đi tắt, đón đầu xu thế công nghệ, vận dụng và ứng dụng có hiệu quả và hoạt động của đơn vị.

Đồng thời đề xuất cơ chế thu hút những nhân sự xuất sắc để đi trước, đón đầu và dẫn dắt công nghệ trong EVN.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ thống SOC (Security Operation Center-Trung tâm điều hành an ninh); rà soát, cập nhật hoàn thiện các quy trình vận hành, quy định về an ninh, an toàn thông tin liên quan.

Phải bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin và cho hệ thống điều khiển, điều độ, vận hành hệ thống điện. Đây là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với hệ thống an ninh bảo mật của EVN.

Các đơn vị cũng cần xây dựng các kịch bản diễn tập và tổ chức diễn tập phòng, chống tấn công, ứng cứu xử lý sự cố và biện pháp khôi phục hệ thống trong các tình huống giả định.

Đồng chí Dương Quang Thành cho biết thêm: "Trong triển khai chuyển đổi số, các đơn vị của EVN phải ứng dụng nền kinh tế chia sẻ, chủ động tìm hiểu các cơ hội hợp tác và khai thác tiềm năng, thế mạnh của đối tác; phối hợp, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình".

Sau gần một năm triển khai thực hiện đề án chuyển đổi số, hiện nay đã thấy rõ trong toàn tập đoàn là hầu hết các công việc, dịch vụ sản xuất, kinh doanh đều ứng dụng trên nền tảng mạng internet, vừa giảm thời gian, giảm thủ tục, lại nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả năng lực quản lý. Một số đơn vị làm tốt như:

- Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

- Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội

- Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh

- Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Trạm biến áp số và những ưu thế trong công tác quản lý vận hành

Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng) được nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành từ ngày 20-4-2021.

Trạm biến áp do Truyền tải điện (TTĐ) Đông Bắc 2-Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) quản lý vận hành.

Đây là trạm biến áp số đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cũng như trong hệ thống điện Việt Nam.

Việc đưa trạm biến áp này vào vận hành an toàn, ổn định sẽ đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, khu vực lân cận, giảm tổn thất điện năng, tăng cường liên kết, an toàn, ổn định và linh hoạt trong vận hành hệ thống điện miền Bắc và quốc gia.

Tiến Phú