Tập đoàn FLC lại thất hứa đền bù hàng trăm hộ dân ở Thanh Hóa

02/10/2018 11:36
QUỐC TOẢN
(GDVN) - FLC tiếp tục thất hứa với nhiều hộ dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong việc chi trả tiền đền bù lấy đất làm Khu công nghiệp Hoàng Long.

Đến hẹn, FLC vẫn chưa trả tiền đền bù cho dân

FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) là dự án có quy mô thuộc loại lớn tại tỉnh Thanh Hóa do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Nhưng những gì đã, đang diễn ra tại dự án từng được gọi với cái tên “dự án kiểu mẫu” khiến nhiều người dân Thanh Hóa ngao ngán.

Sau hơn 3 năm trôi qua “dự án kiểu mẫu” chẳng thấy đâu, thay vào đó chỉ là nỗi bức xúc của hàng trăm người dân ở khu vực này. Hơn 3 năm cũng có thể coi là khoảng thời gian quá đủ để lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xem xét nghiêm túc hơn về việc nên hay không nên chờ đợi và hy vọng về dự án này.

Cái được thì chưa thấy đâu, nhưng cái mất của người dân và tỉnh Thanh Hóa xung quanh dự án này đã khá rõ.

Nhưng nghịch lý thay, cũng ngần ấy năm, cơ quan có thẩm quyền chưa một lần tỏ động thái quyết liệt xử lý hành vi chây ì của FLC.

Trong khoảng thời gian đó, người dân cũng chưa nhận được bất cứ cam kết nào của cơ quan có thẩm quyền đảm bảo quyền lợi cho họ và xử lý trách nhiệm quản lý của cá nhân, tập thể khi để dự án chậm tiến độ.

Về phía Tập đoàn FLC, đến nay họ lại tiếp tục thất hứa với hàng trăm hộ dân huyện Hoằng Hóa trong việc chi trả tiền đền bù.

Bà N.T.P (thôn 1, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) cho biết, gia đình bà có 2 sào đất trong diện thu hồi để thực hiện dự án FLC Hoàng Long, nhưng đến nay sau nhiều năm, bà vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

"Họ hứa trong quý III/2018 sẽ trả tiền đền bù cho dân nhưng đến giờ vẫn im ắng, chưa thấy trả đồng nào. Tôi và một số hộ dân khác đã kiến nghị việc này lên Hội đồng nhân dân xã, Đại biểu Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng có thấy tiến triển gì đâu.

Họ lấy đất làm dự án, dân có sản xuất được gì đâu. Giờ không có đất thì phải đi làm thuê, làm mướn để lo kinh tế gia đình. Nhà báo cũng về phỏng vấn về sự việc trên, nhưng chưa có chuyển biến gì cả", bà P. cho biết. 

Ông Hoàng Ngọc Toàn, cán bộ địa chính xã Hoằng Thịnh cho biết: "Trong thẩm quyền của xã chúng tôi đã có nhiều kiến nghị về việc trả tiền đền bù cho dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy Tập đoàn FLC nói gì.

Còn người dân thì cứ lên xã để đòi tiền. Họ hỏi, doanh nghiệp có lấy đất nữa không? Không lấy đất thì phải báo lại cho họ biết. Đến nay đã 6 vụ dân dừng sản xuất rồi. Giờ đất để không thế này thì lãng phí lắm".

Được biết xã Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa) có 232 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án FLC Hoàng Long. Số tiền mà Tập đoàn FLC phải đền bù khoảng 24 tỷ, nhưng doanh nghiệp này mới trả được hơn 10 tỷ.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa, hiện tại xã Hoằng Thịnh có 166 hộ, Hoằng Đồng có 257 hộ chưa nhận được tiền đền bù. Tổng số tiền mà Tập đoàn FLC phải trả lên tới hàng chục tỷ đồng.

Khu công nghiệp FLC Hoàng Long chủ yếu vẫn là bãi đất trống. Ảnh của Xuân Quang.
Khu công nghiệp FLC Hoàng Long chủ yếu vẫn là bãi đất trống. Ảnh của Xuân Quang.

Không chỉ riêng người dân Hoằng Hóa, nỗi ngao ngán về sự chây ì của chủ đầu tư còn được thể hiện rõ trong thái độ của ông Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) mỗi khi nhắc đến cái tên FLC.

Hôm 30/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tuy thông tin, đến nay (30/9) là hạn chót theo cam kết, nhưng Tập đoàn FLC vẫn chưa trả tiền đền bù cho dân.

“Người dân một số xã trong huyện bị ảnh hưởng bởi dự án rất háo hức khi Tập đoàn FLC cam kết trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng vào ngày 30/9.

Nhưng đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa thấy họ có động thái gì về việc chi trả tiền đền bù cho dân. 

Trước đó, huyện đã có không ít văn bản gửi cơ quan chức năng, trao đổi về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án FLC Hoàng Long nhưng đến nay sau nhiều lần hứa, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết này. 

Tập đoàn FLC lại thất hứa đền bù hàng trăm hộ dân ở Thanh Hóa ảnh 2

Hết kiên nhẫn với “chúa chổm” FLC

Họ nói xong (chi trả tiền đền bù cho dân) lại để đó. Biết làm sao được. Chúng tôi đã quá mệt mỏi.

Bây giờ họ thông báo đền bù nhưng FLC không thực hiện thì huyện lại phải tiếp tục động viên nhân dân cố gắng chờ chứ biết làm sao được.

Chúng tôi mong cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa, cơ quan báo chí thông tin, giúp về sự chậm trễ của chủ đầu tư, để người dân được chi trả tiền đền bù, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”, ông Tuy cho biết. 

Vị Phó Chủ tịch huyện Hoằng Hóa tiếp tục tỏ thái độ kiên quyết với đề nghị của Tập đoàn FLC về việc chủ đầu tư có ý định tiếp tục thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh (Hoằng Hóa).

“Chúng tôi sẽ không làm (giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh) nếu FLC không trả đủ tiền đền bù cho dân.

Tôi không sợ bị kỷ luật vì tôi làm đúng và làm cho dân, làm cho nhiều người chứ đâu phải làm cho tôi. Nếu kỷ luật tôi thì tôi cũng không làm”, ông Tuy cương quyết.

Xin được nhắc lại, cách đây không lâu, Tập đoàn FLC đã gửi văn bản thông báo tình hình triển khai, kế hoạch triển khai dự FLC Hoàng Long.

Văn bản nêu rõ, doanh nghiệp sẽ đền bù giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Thịnh trong tháng 9/2018 và tại xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa) trong tháng 10/2018.

Đơn vị này cũng sẽ thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại xã Hoằng Minh, đồng thời chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trước ngày 15/2/2019.

Trong quý IV/2018 và quý I/2019 bắt đầu triển khai trình thẩm định hồ sơ trích đo địa chính, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện chi trả cho các xã thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa quản lý.

Đến nay, tất cả các cam kết đó chủ yếu vẫn nằm trên.... giấy.

Tiếp tục... báo cáo

Theo quy định tại điều 48, luật đầu tư 2014 quy định về các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư...

Trong khi đó, theo quy định của Luật đất đai 2013, sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ đầu tư dự án.

Thế nhưng, đã hơn 3 năm trôi qua, tại sao cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có biện pháp cứng rắn đối với chủ đầu tư chây ì này?

Tại sao FLC trở thành một ngoại lệ, trong khi rất nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bị xử lý mạnh tay (thu hồi) do chủ đầu tư chây ì, hoặc không có khả năng thực hiện dự án?

Một điều cũng được cho là rất khó hiểu là, trong rất nhiều cuộc phỏng vấn trước đó với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện cơ quan có thẩm quyền đều tỏ thái độ lảng tránh khi được hỏi về việc kiến nghị, thu hồi đối với dự án được cho là có dấu hiệu “nhạy cảm” này.

Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ảnh tư liệu của Xuân Quang.
Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Ảnh tư liệu của Xuân Quang.

Hôm 30/9, trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh những tồn tại, vướng mắc của dự án FLC Hoàng Long, ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho biết, có khả năng cơ quan có thẩm quyền sẽ kiến nghị điều chỉnh quy hoạch dự án này.

“Đây là khu công nghiệp nằm ngay cửa ngõ thành phố Thanh Hóa. Trong tương lai gần, nếu đặt khu công nghiệp ở đây sẽ không ổn. 

Có khả năng cơ quan có thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị chuyển Khu công nghiệp Hoàng Long thành khu đô thị. Vị trí (mới) của khu công nghiệp này có thể sẽ được bố ở phía tây Thành phố Thanh Hóa”, ông Thi cho biết. 

Trả lời về “vai trò”, mức độ có liên quan của tập đoàn FLC trong việc điều chỉnh dự án trên (nếu có), ông Thi cho biết: “Việc này không phụ thuộc vào đề nghị của Tập đoàn FLC và không liên quan tới tập đoàn này. Nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đề nghị, chúng tôi sẽ điều chỉnh, sẽ thực hiện quy hoạch, đấu giá đất”.

QUỐC TOẢN