Tập trung triển khai một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông

02/09/2020 06:52
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với 5 dự án PPP, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn tín dụng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Cụ thể, tại Thông báo số 314/TB-VPCP, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo để bảo đảm tiến độ khởi công trong tháng 9/2020 đối với 03 dự án được chuyển đổi theo Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội và Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ.

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Đối với 5 dự án PPP, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn tín dụng. Đây là các dự án có phương án tài chính khả thi, là cơ sở quan trọng để các Ngân hàng thương mại thẩm định cho vay vốn.

Về công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù đến nay đã cơ bản hoàn thành (trên 92%), tuy nhiên Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan cần tập trung để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9/2020.

Phấn đấu đạt được mục tiêu đầu tư trong giai đoạn tới

Để bảo đảm huy động nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu đầu tư hệ thống đường cao tốc trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật PPP, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, khắc phục các bất cập gây cản trở, làm chậm tiến độ triển khai các dự án, tăng chi phí đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm hệ thống đường bộ (trong đó có hệ thống đường cao tốc) đồng bộ với các loại hình giao thông khác, đáp ứng nhu cầu vận tải trong dài hạn.

Bộ Giao thông vận tải nâng cao chất lượng dự án đầu tư, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, giảm chi phí, nâng cao chất lượng công trình; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia như các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định…

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên vốn đầu tư công cho các công trình quan trọng, cấp bách, đặc biệt là tập trung vào đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc.

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2016, mạng đường bộ cao tốc có tổng chiều dài 6.411 km, được phân thành các tuyến Bắc - Nam phía Đông, tuyến Bắc - Nam phía Tây, các khu vực phía Bắc, Trung, Nam và các tuyến đường vành đai Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã định hướng đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hoàn thành đưa vào khai thác trên 1.000 km và đang triển khai xây dựng 784 km (trong đó có 654 km thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020); trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn còn 659 km chưa được đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc sớm đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm là hết sức cần thiết và cấp bách.

Ngoài các dự án đang triển khai đầu tư, giai đoạn 2021-2025 cần phải đầu tư từ 1.300km đến 1.500 km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2030 đưa 5.000 km vào khai thác sử dụng.

Hiện nay, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã được Quốc hội ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng.

Theo quy định của Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, nguồn vốn tín dụng chiếm tối thiểu 35% tổng mức đầu tư dự án.

Vì vậy, để các Ngân hàng thương mại xem xét cung cấp tín dụng thì dự án phải thực sự có hiệu quả, có khả năng hoàn vốn và trả nợ vốn vay. Do đó, cần phải bảo đảm huy động nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu đầu tư trong giai đoạn tới./.

Nhật Minh