Tây Ninh - điểm đến hành hương dịp đầu xuân hàng đầu Nam Bộ

15/01/2023 08:00
Nam Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tây Ninh có rất nhiều điểm đến hành hương linh thiêng cho bạn thỏa sức chiêm bái trong mùa Tết về.

Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố top 10 điểm du lịch tâm linh hút khách nhất Việt Nam, trong đó, Tây Ninh có hai điểm: Khu du lịch tâm linh núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài. Nhưng Tây Ninh còn rất nhiều điểm đến hành hương linh thiêng cho bạn thỏa sức chiêm bái trong mùa Tết về.

Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain

Cao 986m, núi Bà Đen không chỉ nổi tiếng là ngọn núi cao nhất Nam Bộ với phong cảnh hữu tình được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ", mà đây còn là ngọn núi linh thiêng gắn với nhiều huyền tích được người dân địa phương sùng bái. Với sự tích 3 lần hiển linh báo mộng trong hình dạng của một người phụ nữ đen đúa, Bà Đen đã trở thành một biểu tượng linh thiêng đối với người dân Nam Bộ. Dân tứ xứ tìm đến Tây Ninh đều ghé núi Bà Đen để vừa vãn cảnh, vừa cúng bái, cầu tài lộc và tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu.

Chùa Bà linh thiêng là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu

Chùa Bà linh thiêng là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu

Đặc biệt, từ sau năm 2020, khi hệ thống cáp treo hiện đại với nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới chính thức khai trương và đưa vào hoạt động tại Sun World Ba Den Mountain, núi Bà trở thành điểm đến hấp dẫn đón hàng vạn du khách mỗi dịp Lễ, Tết.

Điều thu hút du khách đến núi Bà Đen đến nay không chỉ là truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng, mà nơi đây còn được xây dựng thành một không gian tâm linh quy mô giữa khung cảnh núi non hùng vĩ. Tiêu biểu nhất phải kể đến là tượng Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn - Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi được tạo tác bởi hơn 170 tấn đồng đỏ.

Ngay dưới chân tượng Phật Bà là không gian triển lãm Phật giáo, trưng bày những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu và khám phá về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới.

Cột kinh điêu khắc Bát Nhã tâm kinh tại trung tâm quần thể tâm linh núi Bà

Cột kinh điêu khắc Bát Nhã tâm kinh tại trung tâm quần thể tâm linh núi Bà

Xuân năm nay, khu du lịch ra mắt một công trình mới đặc biệt ý nghĩa, ngay tại trung tâm quần thể tâm linh trên khu vực đỉnh. Đó là cụm 5 cột kinh bằng đá Granite đen kim sa, với chiều cao cột cao nhất lên tới 20,88m, thân cột điêu khắc Bát Nhã tâm kinh bằng chữ Tây Tạng. Bát Nhã là trí tuệ, là sự tinh tường để nhìn thấu sự thật mọi vật trên đời. Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Hành trình hành hương tới Núi Bà chiêm bái chân kinh bởi thế cũng sẽ là hành trình mở mang trí tuệ, định tâm, để có được công đức, sự may mắn và bình an.

Đặc biệt, năm mới 2023 tới Núi Bà, du khách cũng sẽ được trải nghiệm tuyến cáp treo mới Tâm An nối thẳng từ chùa Bà lên đỉnh Núi. Đây không chỉ là tuyến cáp có tầm nhìn đẹp nhất khu du lịch, mà còn là một trong những hệ thống cáp treo có độ dốc lớn nhất thế giới đưa du khách vượt qua các vách núi dựng đứng để đến với “nóc nhà Nam Bộ” chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 phút.

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo diễn ra suốt tháng Giêng tại núi Bà Đen

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo diễn ra suốt tháng Giêng tại núi Bà Đen

Chiếm phần lớn lượng khách đến với Tây Ninh, khu du lịch Sun World Ba Den Mountain đang trở thành điểm đến tâm linh hàng đầu Nam Bộ, nơi không chỉ mang đến một mảng màu sắc du lịch văn hoá Phật giáo đặc sắc, mà còn liên tục đổi mới, mang đến trải nghiệm mới hấp dẫn cho du khách.

Từ ngày 2 – 15 tháng Giêng âm lịch, KDL Núi Bà cũng sẽ tưng bừng Lễ hội Xuân núi Bà Đen lớn nhất trong năm của người dân Tây Ninh. Bên cạnh những màn trình diễn nghệ thuật truyền thống như biểu diễn lân sư rồng, trống hội, ngày khai mạc Hội Xuân (mồng 4 Tết) còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ tên tuổi và màn bắn pháo hoa rực rỡ đón Xuân về. Đây được xem là khoảng thời gian đẹp nhất dành cho du khách để khám phá văn hoá tâm linh tại Tây Ninh.

Toà thánh Cao Đài

Được xem là Tổ Đình, là nơi khai sinh đạo Cao Đài tại Tây Ninh, Toà Thánh là điểm đến nổi tiếng không thể bỏ qua khi ghé thành phố của bò tơ, bánh tráng. Xứng danh là trung tâm tâm linh của đạo Cao Đài, Toà Thánh sở hữu kiến trúc độc đáo của công trình nghệ thuật hoành tráng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và dáng vẻ huyền bí của phương Đông.

Kiến trúc tinh xảo và lộng lẫy của Toà Thánh Tây Ninh

Kiến trúc tinh xảo và lộng lẫy của Toà Thánh Tây Ninh

Được xây dựng từ năm 1933 và hoàn thành năm 1947, cho đến nay Toà Thánh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp lộng lẫy với các cột chạm khắc biểu tượng rồng nhiều màu sắc tinh xảo, trần huyền bí với các biểu tượng rắn, các cửa sổ khắc hoạ biểu tượng Thiên nhãn đầy uy quyền…

Thời gian hoàn hảo nhất để đến đây tham quan là tầm 5-6 giờ chiều, khi hoàng hôn đổ bóng xuống Toà Thánh và cũng là khoảng thời gian hành lễ trang trọng của các đạo hữu. Đầu năm mới, du khách có thể đến chiêm ngưỡng Lễ vía Đức Chí Tôn vào ngày mùng 9 tháng Giêng, và cảm nhận một nếp văn hóa tôn giáo độc đáo riêng có của Tây Ninh.

Chùa Gò Kén

Dù hiện nay chùa Gò Kén vẫn đang được trùng tu, nhưng đây vẫn là địa chỉ tâm linh linh thiêng mà bạn không nên bỏ qua khi ghé Tây Ninh. Có tuổi đời hơn 100 năm, Gò Kén là ngôi cổ tự sở hữu bức tượng Phật Quán Thế Âm trên con rồng được chế tác cầu kỳ và đài sen đặt giữa hồ nước trang nghiêm, thanh tịnh với kích thước lớn bậc nhất Nam Bộ.

Tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Gò Kén

Tượng Phật Quán Thế Âm tại chùa Gò Kén

Khuôn viên Chùa còn có tượng Phật nhập Niết bàn và rất nhiều công trình linh thiêng khác như Bảo tháp Xá lợi cao 9 tầng, điện thờ Phật Di Lặc, vườn cảnh Lâm Tỳ Ni…

Ngôi chùa được xây dựng trong khuôn viên rộng đến 6.000m2, bao quanh là khung cảnh thiên nhiên trữ tình. Cảm giác an yên, thanh tịnh và hết sức nên thơ chính là điều du khách sẽ cảm nhận khi đến với chùa Gò Kén mỗi dịp xuân về.

Tháp cổ Bình Thạnh

Ra đời vào khoảng thế kỷ 18, Tháp cổ Bình Thạnh (cùng với tháp Chóp Mạt cũng ở Tây Ninh) là hai đền tháp còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc của nền văn hoá Óc Eo. Tháp được xây dựng bằng vật liệu gạch nung xếp chồng lên nhau một các khéo kéo, cực khít mà không hề dùng đến chất liệu kết dính. Vẻ đẹp cổ kính của tháp thể hiện ở các bức hoa văn, phù điêu được chạm khắc trên nền gạch nung với hình thần linh, hoa lá, chim muông vô cùng tinh xảo và đầy tính biểu tượng.

Vẻ đẹp cổ kính rêu phong của tháp cổ Bình Thạnh

Vẻ đẹp cổ kính rêu phong của tháp cổ Bình Thạnh

Nằm trên gò đất cao giữa đồng lúa tại xã Bình Thạnh (Trảng Bàng), Tháp cổ ẩn hiện dưới những tán lá sum suê giữa khung cảnh thơ mộng. Đây là điểm đến thanh bình để mở đầu cho một năm mới an yên dành cho du khách khi ghé Tây Ninh.

Nam Dương