Đầu tư vào lĩnh vực mang lại giá trị cao
Tại Đại hội cổ đông Techcombank 2020 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng cho biết Techcombank chưa bao giờ đầu tư dàn hàng ngang tất cả các lĩnh vực kinh tế.
Với bất động sản, từ 5 năm trước, Techcombank xác định ưu tiên đầu tư khi đây là lĩnh vực mà Techcombank có lợi thế.
Techcombank đánh giá bất động sản phát triển nhanh và có thể kiểm soát rủi ro, đồng thời tạo ra các giá trị thiết thực cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Techcombank không phục vụ tất cả các khách hàng mà lựa chọn khách hàng lớn, tiềm năng. Đây là các khách hàng uy tín nhất trên thị trường, tạo ra các sản phẩm có sức thu hút.
“Quan điểm của chúng tôi là tập trung vào các khách hàng tốt, chứ không dàn trải phải có rất nhiều khách hàng” - ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Techcombank, kết quả lợi nhuận của Ngân hàng và hệ số an toàn vốn cao trong mấy năm qua đã cho thấy hướng đi phù hợp của Ban Lãnh đạo Techcombank.
Trong chiến lược phát triển của mình thời gian tới, ông Hồ Hùng Anh cho hay ngoài bất động sản, Techcombank có một số lĩnh vực khác đang triển khai như tiêu dùng nhanh (FMCG). Tuy nhiên, những lĩnh vực này cần thời gian để xây dựng.
Cũng theo lãnh đạo ngân hàng, sự sụt giảm hoạt động của những lĩnh vực như hàng không, dệt may, du lịch, chắc chắn cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Techcombank trong năm nay, song không nhiều.
Bởi Techcombank luôn xác định khi chưa xây dựng được kiểm soát chặt rủi ro thì không phát triển khách hàng, nên không có nhiều khách hàng trong các lĩnh vực này.
Nếu thị trường bất động sản đóng băng thì Techcombank sẽ như thế nào?
Ông Hồ Hùng Anh khẳng định hiện tất cả những chỉ số rủi ro của Techcombank đều được quản l theo Basel II, và các chỉ số của Techcombank đều rất hiệu quả.
Điều quan trọng hơn cả là Techcombank đáp ứng tất cả yêu cầu về các chỉ số an toàn của các chuẩn.
Ví dụ như minh bạch các khoản cho vay kinh doanh hay đầu tư mua nhà. Cho vay kinh doanh phải áp dụng hệ số rủi ro 200%, 250% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tất cả hoạt động này đều tác động đến chỉ số an toàn vốn (CAR). Chỉ số này của Techcombank hiện đạt 16,6%, là mức cao nhất hiện nay. Con số này cũng nói lên rằng tất cả đều nằm trong vùng kiểm soát.
Lợi nhuận và doanh thu vẫn tăng ấn tượng, rủi ro thấp
Theo ông Ngô Hoàng Hà – Giám đốc quản trị hoạt động kinh doanh và ALM Techcombank với chiến lược khách hàng là trọng tâm và mô hình kinh doanh rủi ro thấp - lợi nhuận cao đã giúp ngân hàng đạt được kết quả kinh doanh rất tốt.
Cụ thể quí 1, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu Techcombank tăng 39%, lợi nhuận tăng 19%, giúp nối dài chuỗi tăng trưởng không ngừng 18 quý liên tiếp.
Ngoài ra, ngân hàng trích thêm dự phòng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái để xử lí các khoản nợ có vấn đề.
Động lực của sự tăng trưởng không ngừng là nhờ vào tái cơ cấu lại bảng tổng kết tài sản, giúp Techcombank có tỉ lệ biên lãi thuần (NIM) tăng cao và liên tục đa dạng hóa nguồn thu, tập trung vào tăng thu nhập ngoài lãi.
“Dịch COVID-19 dường như là một phép thử cho việc lựa chọn chiến lược của ngân hàng, cho chất lượng tài sản.
Đối với Techcombank, chúng tôi thấy rằng việc tập trung vào những khách hàng trọng tâm là những doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển là hoàn toàn đúng đắn” - lãnh đạo Techcombank chia sẻ.
Đồng thời, theo ông Hà, vì tập trung vào cho vay các khoản vay chất lượng cao, có tài sản đảm bảo vậy nên chi phí tín dụng của Techcombank rất thấp.
Đồng thời ngân hàng cũng tập trung vào tăng trưởng huy động để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng.
Hơn nữa Techcombank còn tập trung vào tăng trưởng huy động không kì hạn tức là CASA, số dư CASA trong quý 1 tăng so với cùng cùng kỳ năm ngoái là gần 30%, cao gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng CASA của ngành, gần 5 lần so với ngân hàng cổ phần nhà nước.
Độ tăng trưởng CASA giúp cho Techcombank có chi phí huy động vốn rất là thấp, tạo ra một cơ cấu tài sản lành mạnh, NIM cao mà không cần phải cho vay vào những tín dụng tiêu dùng, không có tài sản đảm bảo.
Rủi ro thấp nhưng vẫn đạt lợi nhuận, NIM cao chính là chiến lược của của Techcombank.
Đa dạng hóa nguồn thu
Theo lãnh đạo Techcombank, trong quý 1 vừa qua, tăng trưởng thu nhập lãi và phí của Techcombank là 29%, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của ngành và gấp hơn ba lần so với ngân hàng vốn nhà nước.
Có được con số ấn tượng này là do ngân hàng thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi, từ phí chủ chốt như từ thẻ, từ bảo hiểm, hay là về phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng giao dịch nói chung cho các doanh nghiệp.
Đồng thời với việc tích cực quản lí chi phí một cách hiệu quả đã giúp Techcombank tạo ra tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 20%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác ở Việt Nam.
Giải thích thêm về dịch vụ của Techcombank, ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc điều hành Techcombank cho hay Ngân hàng tập trung vào chất lượng dịch vụ, những hoạt động giao dịch cơ bản hàng ngày của khách hàng để tạo sự tiện lợi cho khách hàng.
“Nhờ vậy, chúng tôi tạo ra cơ sở khách hàng mà trong ngân hàng gọi là có tính kết dính và tạo ra CASA cao. Tỷ lệ CASA đó giúp cho NIM và chi phí huy động vốn của Techcombank được tối ưu” – ông Hưng thông tin
Cũng theo ông Hưng, trong năm 2020, Techcombank đặt mục tiêu là duy trì NIM ở trên mức 4%. Đây là mức cao trong ngành ngân hàng.
Về kế hoạch 2020, Ban Điều hành và Hội đồng Quản trị đã quyết định Techcombank sẽ tập trung vào bảo đảm an toàn thanh khoản cho ngân hàng, hỗ trợ khách hàng trong năm nay. Lãnh đạo Techcombank cho biết:
“Với tiền đề các năm trước, từ năm 2020, chúng tôi hướng tới việc tạo ra sự khác biệt cho khách hàng bằng cách tập trung vào đẩy mạnh số hóa với mục tiêu duy nhất là phục vụ tốt hơn cho khách hàng, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng...
Techcombank tin rằng với sự chuyển đổi này chúng tôi sẽ mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng và tăng giá trị cho Techcombank”.
Với nền tảng tài chính vững chắc, Techcombank tự tin hướng chỉ tiêu tổng tài sản sẽ tăng 12%, tổng tiền gửi sẽ tăng 13%, lợi trước thuế tăng 1% và số tăng trưởng tín dụng sẽ là 13%, hoặc mức cao hơn do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trong năm và đảm bảo tỉ lệ nợ xấu thấp hơn 3%.