Teen Việt bùng nổ hội nhóm anti "vô tội vạ"

05/09/2011 11:53
Theo PLXH
Câu chuyện mới đây về 3 cô bạn xinh xắn trở thành nạn nhân của những hội nhóm anti đã báo động sự trầm trọng của căn bệnh ghen ăn tức ở và "ném đá hội đồng"

Từ “GATO” – thói ghen ăn tức ở ngày một hoành hành ở teen…

Mới đây, một bộ ảnh về những teen girl xinh xắn, dễ thương với nét đẹp rất trẻ trung được tung lên mạng. Cư dân mạng được một phen “đổi gió”, khi mà trong thế giới “hỗn loạn”, người ta đã quá ngán ngẩm với những xì tin son phất chan chát, tóc nối guốc cao, ăn mặc hở hang, pose ảnh uốn éo, khoe hàng hiệu bar bọt ăn chơi... thì các bạn gái này lại đại diện cho số đông teen vẫn còn ngây thơ, xinh xắn, dễ thương đúng tuổi.

Không hẳn là xinh đặc biệt như hot girl, họ chỉ chụp ảnh với nét đáng yêu của tuổi mới lớn, đồng thời những bức ảnh đó cũng toát lên vẻ đẹp của tình bạn, của một thời học trò trong sáng, hồn nhiên. Những bức ảnh đó hoàn toàn xứng đáng được nhiều người biết đến, chúng như một lời khẳng định: con gái bây giờ không phải ai cũng già, cũng mất hết sự hồn nhiên trong sáng như nhiều người nhận định.

Như một làn gió tươi tắn, nhóm teen girl thực sự đã khiến cộng đồng teen lẫn cư dân mạng phải sốt sắng quan tâm.

Thế nhưng, cùng lúc với những người yêu thích vẻ đẹp trong trẻo của những cô bạn này, thì cũng có rất nhiều bạn trẻ chỉ trích họ “giả nai, làm trò, diễn kịch”. Rồi thì là người ta “phát nôn, mắc nghẹn, phát tởm” và comment “ném đá”. Tuy nhiên, dễ nhận thấy những ý kiến đó rất nhỏ nhen, đậm chất ghen ghét đố kị kiểu “tại sao nó được nổi tiếng thế mà không phải là mình”...

Đây không phải là trường hợp đầu tiên teen bị “ném đá”, “dìm hàng” như thế này. Không cần phải nổi tiếng trên mạng mới bị soi mói, mà ngay cả trong cuộc sống thường ngày, những bạn trẻ nổi bật hơn số đông một chút, được chú ý hơn một chút là ngay lập tức bị dân tình soi mói.

Bạn xinh xắn, dễ thương, là gương mặt hot trong trường – bạn bị “soi”. Bạn cao ráo, ăn ảnh nên được mời làm teen model – bạn bị “soi”. Bạn học giỏi, năng động, tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và có công việc part-time ngon lành – bạn cũng bị “soi”. Thậm chí, khi gia đình bạn có điều kiện hơn bạn bè khác, bạn cũng có thể trở thành “chủ đề nói xấu” của hội gossip ở lớp.

Có thể khẳng định rằng việc ai đó bị ghét, bị “ném đá” xuất phát từ thói ghen tị của teen. Rõ ràng, phản ứng của teen ngay khi nhìn thấy một nhân vật nào đó được lên báo hay được chú ý trên mạng, trên các phương tiện truyền thông… là ngay lập tức sẽ nghĩ ngay đến những điều tiêu cực, điển hình là: “xinh như thế thì chắc… não bé ấy mà”, “có tí tài năng chẳng hơn ai mà đã khoe”, “sắm sửa ăn diện thế này thì chắc là theo đại gia rồi”…

Một cô bạn khá nổi trong cộng đồng teen, được bố mẹ thưởng cho một chuyến du lịch hè đi chơi ở nước ngoài vì thành tích khá trong học tập, cũng bị dân tình “ném đá”: “nhà không có điều kiện thì làm sao được như thế”, rồi “tiền đấy sao không mang đi làm từ thiện đi”…

Việc bố mẹ thành đạt trong sự nghiệp, sắm sửa, chăm lo cho con cái đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần là chuyện hiển nhiên, còn việc người ta sử dụng tiền như thế nào, có đi làm từ thiện hay không… một khi bạn không biết chính xác, thì làm sao có thể phán xét chắc nịch, đánh giá rất phiến diện về cách sử dụng tiền của người ta? Rõ ràng, những comment, nhận xét xấu xí của teen về người khác đều rất chủ quan, không thiện chí, thậm chí còn có phần ác nghiệt và rất tiêu cực.

Trường hợp của 3 teen girl nói trên cũng vậy. Những comment của những người anti 3 cô bạn đậm chất "GATO" (ghen ăn tức ở) như: “Ừ thì mình không xinh bằng, nhưng mình chẳng thấy có gì mà đáng phải ầm ỹ!”, hay "Người yêu mình bảo thế này cũng gọi là xinh à, người yêu anh... xinh hơn, vui quá cơ!"... càng khiến dân tình cười bể bụng.

“Ném đá” người khác vô lý thì tất yếu “đá” sẽ tự “bay” đến mà thôi! Đó mới chỉ dừng lại ở mức ghen tị bình thường, nghiêm trọng hơn là những câu chuyện thổi phồng lên, bịa đặt về người ta, rồi đem đi rêu rao với mọi người nhằm hạ thấp hình ảnh của “nạn nhân”…

Tóm lại, những người trẻ xấu tính này giơ cao khẩu hiệu "chê", "anti" một ai đó, nhưng hóa ra lại không phải vì người ta có nhược điểm, mà chẳng qua là vì sự ghen ghét, đố kị, kém miếng khó chịu của bản thân mà thôi.

… Đến việc nói xấu, “dìm hàng” người khác trên mạng

Vì ghen tị nên nhiều bạn đi nói xấu người khác, nhưng chuyện đâu chỉ dừng lại ở phạm vi lớp, trường. Biết rõ phương tiện có khả năng lan truyền mạnh và nhanh nhất đến những bạn trẻ khác là qua internet, đặc biệt là những trang mạng xã hội, nhiều teen đã “phát tán” virus “GATO” xấu xí này lên trên mạng, lập ra vô số “hội”, “nhóm” anti người khác.

Vì thế, căn bệnh GATO đã đi từ một nhóm nhỏ thành cả một hệ thống rộng lớn, thậm chí là những fanpage anti với hàng ngàn người like trên Facebook. Cùng nhau a dua chê bai hội đồng, cùng nhau ghét bỏ và hùa nhau tẩy chay mặc dù có thể chẳng biết gì về nhân vật bị chỉ trích đang là thói quen cực xấu trong văn hóa mạng.

Có vẻ như bây giờ là thời của những loại "hội hè", không chỉ ở ngoài đời mà còn phát triển “rực rỡ” trên mạng. Việc lập một hội trên các trang mạng xã hội, rồi tìm những người cùng sở thích với mình thật quá đơn giản.

Nhưng cũng từ đó, nhiều bạn trẻ lại bị dựa dẫm, phụ thuộc, nói cái gì, viết điều gì cũng phải theo “hội đồng”. Ở trường hợp này, lẽ phải sẽ luôn thuộc về... số đông, đừng dại mà “bật” lại.

Những trò “dìm hàng” xuất phát từ thói ghen tị của một vài cá nhân ích kỷ, xấu tính, cũng sẽ được số đông “nâng đỡ” trong cái hội hè ấy. Và dĩ nhiên, nó trở thành a dua, “dìm hàng” kiểu “hội đồng”.

Những nhóm hội tự phát như thế này đã và đang tự hạ thấp chính bản thân mình với thói ghen ghét, đố kị. (Ảnh minh họa)
Những nhóm hội tự phát như thế này đã và đang tự hạ thấp chính bản thân mình với thói ghen ghét, đố kị. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện điển hình là việc những ngày vừa qua, 3 cô bạn xinh xắn đã bị “tấn công” dồn dập bởi đám anti trên mạng. Ngay từ đầu, 3 cô bạn tỏ rõ ý không hề muốn lăng xê bản thân hay PR cho tên tuổi của mình, thậm chí còn khá ngại ngần. Thế nhưng, sự đáng yêu của ba bạn hoàn toàn xứng đáng để teen biết tới, bằng chứng là rất nhiều người yêu thích ba teen girl này, chỉ trong một ngày mà fanpage chính của ba bạn đã tăng lên hơn 10.000 thành viên. Khi mà người ta đã bội thực với những cái tít “giật đùng đùng” về xì tin hư hỏng, ăn chơi, thác loạn, già trước tuổi…, những cô bạn này mang đến sự trong trẻo đúng lứa tuổi thì lại bị một bộ phận giới trẻ lên án chỉ vì thói ghen tức thường tình.

Lật lại vấn đề một chút. Thông thường, một người (hoặc một số người) như thế nào thì sẽ bị ghét (anti)? Bạn sẽ nói vanh vách ngay. Họ làm một cái gì đó xấu, phản cảm, lố bịch. Họ có một sự thể hiện nào đó không đẹp và đáng bị ghét, bị lên án. Nhưng trong đa phần những trường hợp bị lập hội nhóm anti tràn lan trên mạng bây giờ, thì thực tế là "chẳng cần phải làm gì, bạn cũng sẽ vẫn bị ghét như thường". Bạn ấy xinh xắn, pose những tấm hình cute, đáng yêu. Thế là bạn ấy đáng bị lên án rồi???

Gia đình bạn ấy có điều kiện nên bạn ấy được đi chơi nước ngoài nhiều, được mặc nhiều đồ hiệu hơn bạn. Thế là họ cũng đáng bị lên án. Hay thậm chí, bạn ấy chỉ đơn giản là chẳng vừa mắt bạn cho lắm. Thế là ngay lập tức bạn ấy sẽ bị anti. Chưa bao giờ lại có nhiều hội nhóm "ghét vô tội vạ, ghét chẳng cần lí do" như bây giờ.

Thực sự, những con người đang "anti" họ quả thực quá tàn nhẫn. Đem một cái “lỗi” như... dễ thương quá, đáng yêu quá ra để “bắt tội” nhóm teen girl này thật không đáng và không đẹp chút nào. Chẳng phải chính sự đáng yêu, ngoan ngoãn, chăm học và gắn bó thân thiết với nhau đã khiến họ phần nào đó nổi bật hơn hẳn những cô nàng tuổi teen khác sao? Với các cô bạn tuổi còn nhỏ như thế, việc bị “dìm” một cách thê thảm, hứng chịu những cụm từ nặng nề, thô lỗ như “phát tởm, buồn nôn, làm trò”, thậm chí có những người ác mồm ác miệng còn tưởng tượng, thổi phồng ra nhiều chuyện còn kinh dị hơn... đã khiến họ tổn thương, sợ hãi.

Đấy là chưa nói nếu nhìn rộng nhìn xa hơn, cái cách mà những hội nhóm anti nói về nhân vật mà họ ghét, chẳng khác nào sự lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm của một con người. Gọi người ta là "con ấy, thằng ấy", dùng đủ thứ ngôn ngữ tục tĩu để miêu tả người ta, cười cợt người ta.

Bệnh a dua ở teen và những cú “click like” xấu xí

Ngày xưa, chắc bạn đã từng nghe đến kiểu "a dua fan", hâm mộ thần tượng kiểu “mùa vụ”. Thấy ai hâm mộ, khen ngợi sao nào thì lao vào “sống chết” hâm mộ sao ấy. Nhưng khi thời gian qua đi, báo chí không còn đưa tin, lòng hâm mộ cũng nhàn nhạt dần thì chẳng ai thèm nhớ đến thần tượng nữa. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở mức thần tượng.

Nhiều bạn trẻ ngày nay ồ lên, chạy theo đám đông, tung hô một nhân vật nào đó lên mức thần thánh, hoặc nếu “dìm” thì cùng nhau dìm hết sức cho hả dạ mới thôi. Cái cách mà giới trẻ ngày nay đang thể hiện trên Facebook thông qua việc lập ra các fanpage, click like làm thành viên, comment… càng chứng tỏ nhận thức và suy nghĩ của họ còn thiếu chính chắn.

Một ví dụ khác là vụ án hình sự về Lê Văn Luyện (sn 1993) nhẫn tâm giết cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang để chiếm một số lượng lớn vàng, gây nên một làn sóng căm phẫn của tất cả mọi người dân. Thế nhưng, bên cạnh những ý kiến đúng đắn, lại có rất nhiều bạn trẻ lấy vụ án ra làm trò đùa, lấy tên sát nhân ra để mua vui, lập fanpage giả, làm thơ…

Một người lập ra, thế là tất cả nhao nhao vào... click like, ồ ạt bình luận, tỏ ra ta đây hiểu biết chuyện đương thời. Một Facebook-er tên là Chú Trẻ đã nhận xét rằng: “Có vẻ câu chuyện của tên Luyện trên Facebook đang đi quá giới hạn về văn hóa, đạo đức cũng như ý thức về sự tôn trọng con người, khi nhiều bạn trẻ nghĩ về tên sát nhân và vụ việc như một trò cười, một cái gì đó hài hước.

Rất nhiều teen hùa nhau vào add Facebook giả của “Lê Văn Luyện”, click like những page nhảm nhí, vào nói năng lảm nhảm, làm thơ tỏ ra mình theo kịp thời đại. Trong đầu họ dường như chẳng có một chút suy nghĩ gì về chuyện sống và chết, cái thiện và cái ác, cái nên đùa và cái cần nghiêm túc.”

Cách thể hiện thái độ và nhận xét về những điều đáng phẫn nộ, đáng lên án thì vô nghĩa và nhảm nhí, còn phản ứng đối với những cái tích cực, cái tốt đẹp thì lại tiêu cực, nhỏ mọn và xấu xí – chuyện gì đang xảy ra với giới trẻ ngày nay vậy?

Theo PLXH