Sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin về việc ông Nguyễn Văn Tuẫn - nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty TNHH thương mại một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Hà Nội (HAIC) bị bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng tại Dự án Khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp hơn 100 tỷ đồn, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án đã phản ánh cung cấp thông tin cho rằng có dấu hiệu lừa đảo ngay từ ban đầu của chủ đầu tư. Theo hồ sơ, dự án B5 Cầu Diễn do Liên danh gồm hai đơn vị Công ty TNHH thương mại một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Hà Nội (HAIC) và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing (Tập đoàn Housing) đồng thực hiện.
Dự án Khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) nơi Liên danh giờ vấn chỉ là bãi đất trống |
Vào thời điểm cuối năm 2009, hai công ty này đã tiến hành chào bán trên thị trường 6 tòa nhà chung cư, mỗi tòa từ 28 đến 32 tầng với hình thức nhà bán ở thương mại. Công ty HAIC nơi ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên là Chủ tịch kiêm TGĐ vừa bị bắt đã đứng ra huy động của khách hàng với số tiền trên 100 tỷ đồng.
Trong khi đó Tập đoàn Housing do bà Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch HĐQT cũng đã huy động từ 400 khách hàng cá nhân bán buôn cho một số sàn giao dịch BĐS và cá nhân mua số lượng lớn tổng số tiền lên tới gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tài liệu pháp lý, Dự án B5 Cầu Diễn được hai đơn vị trên chào bán thực chất là dự án khu tái định cư có tên là CT5 thuộc Dự án Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội chứ không phải dự án nhà ở thương mại được mua bán tự do trên thị trường. Điều đáng nói là dự án này được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phê duyệt chỉ có 4 toàn nhà với số tầng khống chế từ 11 đến 21 tầng chứ không phải là 6 tòa nhà với số tầng từ 28 đến 32 tầng như liên danh 2 chủ đầu tư kia đã bán. Câu hỏi mà dư luận hết sức quan tâm lúc này là hiện nay liệu đã có bao nhiêu căn hộ đã bị bán khống bằng một quy hoạch tự vẽ ra không được cơ quan nào phê duyệt trong khi dự án vẫn chỉ là một bãi đất không mới được giải phóng mặt bằng khoảng 60%? Và trên 600 tỷ đồng của khách hàng góp vốn đang ở đâu? Hành vi hô biến một dự án phục vụ cho tái định cư thuộc dự án quy hoạch giao thông phát triển thành phố thành nhà ở thương mại và thu tiền bất chính sẽ bị xử lý như thế nào? Liên quan đến những vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ths.LS Trương Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội). Qua theo dõi thông tin vụ việc được báo chí phản ánh, Ths.LS Trương Anh Tuấn khẳng định việc chủ đầu tư là liên danh Công HAIC và Tập đoàn Housing đã cố tình “vẽ” ra một hồ sơ dự án BĐS không có thật để lừa đảo người mua nhà gây thiệt hại lớn là hành vi vi phạm pháp luật, có thể xử lý trách nhiệm hình sự. “Chủ đầu tư đã vi phạm căn bản khi sử dụng hình thức nhà tái định cư thành nhà ở thương mại để bán trên thị trường. Vì vậy, với số lượng thiệt hại lớn, làm trái quy định pháp luật, thì chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, theo hồ sơ cụ thể của vụ việc” – Ths.LS Trương Anh Tuấn cho biết. Theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, việc huy động vốn trái phép và vẽ ra một hồ sơ dự án là điều không hề dễ bởi theo Thông tư 16 năm 2010 quy định thì để được quyền huy động chủ đầu tư buộc phải phải nộp văn bản gửi lên Sở Xây dựng. Sau khi có văn bản đó với được ký hợp đồng với khách hàng, trong hợp đồng đó ghi rõ các nội dung như kế hoạch huy động vốn, số lượng huy động vốn.
Ths.LS Trương Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Investlinkco và Cộng sự (Hà Nội) |
Trong Thông tư 16 quy định rõ hai điều kiện để được phép huy động vốn, điều kiện thứ nhất việc bán căn hộ phải thông qua sàn BĐS; Điều kiện thứ hai phải có văn bản gửi đến Sở Xây dựng. Đi cùng với hai điều kiện trên thì dự án đó phải xong phần móng. “Chính vì vậy nếu chưa có văn bản gửi lên Sở Xây dựng mà chủ đầu tư đã tự huy động vốn là trái với thông tư, quy định của nhà nước. Trong Thông tư 16 cũng ghi rất rõ nếu không đủ các điều kiện nêu trên thì hợp đồng mua bán, huy động vốn giữa chủ đầu tư và người dân không có giá trị pháp lý. Bên nào vi phạm phải đền bù thiệt hại” – Ths.Ls Trương Anh Tuấn cho biết thêm. Như vậy theo Ths.LS Trương Anh Tuấn, hợp đồng tại dự án chung cư B5 Cầu Diễn là không có, đồng nghĩa với việc các hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và người dân là không có giá trị pháp lý và vô hiệu. “Đây là hành vi lừa đảo của chủ đầu tư” Ths.LS Tuấn nói. Điều dư luận đặt câu hỏi tại sao cùng là liên danh chủ đầu tư, nhưng chỉ có TGĐ, Chủ tịch Công ty TNHH thương mại một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Hà Nội (HAIC) trong khi lãnh đạo vào Tập đoàn Housing vẫn không bị liên đới? Về vấn đề này Ths.LS Trương Anh Tuấn cho rằng, hiện nay tuy Housing cũng là chủ đầu tư đứng ra bán căn hộ tại dự án này tất cả vẫn chỉ là ý kiến người mua nhà tại dự án, chưa có kết luận từ phía cơ quan điều tra. “Tuy nhiên chắc chắn Housing sẽ không tránh khỏi liên đới, nhất là nếu con số huy động lến đến gần 500 tỷ đồng của khách hàng như phản ánh trên là đúng sự thật”, Ths.LS Tuấn nhận định. Cũng theo Ths.LS Trương Anh Tuấn với người dân đã chót mua nhà tại dự án khống để đòi lại quyền lợi sẽ phải yêu cầu phía chủ đầu tư, những người nhận tiền trực tiếp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình.
Hoàng Lực