Sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Philippines và cục diện Biển Đông về tổng thể ổn định hiện nay đã giúp hai nước có khả năng tiềm tàng trong cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hai nước vẫn phải làm rõ sự khác biệt về nhận thức đối với nội hàm cụ thể, căn cứ pháp lý và điều kiện cần thiết của việc cùng khai thác.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines, Duterte tại Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông ở Manila (Ảnh: Reuters). |
Trước hết, Trung Quốc và Philippines có cách hiểu khác nhau về nội hàm của việc cùng khai thác.
Học giả Trung Quốc thường cho rằng cùng khai thác là hai quốc gia trở lên đạt được hiệp định hợp tác giữa các chính phủ để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực đó, đồng thời tạo điều kiện để giải quyết dứt điểm tranh chấp.
Đối với vấn đề này, học giả Philippines cho rằng nhận thức của hai nước trong giai đoạn hiện nay có sự khác nhau.
Giáo sư trường Đại học Luật Philippines, Jay Batongbacal cho rằng cơ sở cho việc cùng khai thác mà Trung Quốc đưa ra là xác nhận vùng biển tranh chấp và khai thác sử dụng tài nguyên biển. [1]
Phạm vi đề cập đến vừa gồm lô SC72, vừa gồm lô SC57 còn Philippines lại có khuynh hướng cho rằng đó là hợp tác thiết thực trên biển mà hai nước đang triển khai.
Theo đó, Philippines nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cùng thăm dò, chứ không phải là khai thác sử dụng toàn diện, phạm vi đề cập cơ bản chỉ giới hạn ở lô SC57.
Thứ hai, Trung Quốc và Philippines vẫn có bất đồng về căn cứ luật quốc tế cho việc cùng khai thác. Thông thường, căn cứ của luật quốc tế để cùng khai thác chủ yếu đến từ hai phương diện.
Một mặt là nguyên tắc hợp tác và nghĩa vụ đàm phán trong Hiến chương Liên hợp quốc. Mặt khác là biện pháp dàn xếp tạm thời trên cơ sở UNCLOS.
Đây là căn cứ chủ yếu về luật pháp quốc tế mà Trung Quốc và Philippines đàm phán, đối thoại cùng khai thác trong một thời gian dài trước kia.
Tuy nhiên, do phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài ủng hộ chủ trương của Philippines, dẫn đến nhiều người Philippines nhận định phán quyết này là căn cứ quan trọng để nước này giải quyết tranh chấp và vấn đề cùng khai thác ở Biển Đông trong tương lai. [2]
Tổng thống Philippines, Duterte cũng có thời điểm cho rằng không thể từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, rằng đây là thắng lợi lịch sử của Philippines, đồng thời cho biết sẽ tăng cường sử dụng phán quyết này trong thời điểm phù hợp.
Cuối cùng, ở cấp độ song phương, để thúc đẩy Trung Quốc và Philippines cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông phải có hai điều kiện cần thiết.
Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, Philippines đã tích cực thúc đẩy cơ chế đối thoại với Trung Quốc để triển khai hợp tác trên biển (Ảnh: redsvn). |
Điều kiện thứ nhất là hai bên cần thừa nhận có tồn tại tranh cãi về việc phân định biên giới trên biển và có mong muốn thực hiện nguyên tắc hợp tác và nghĩa vụ đàm phán.
Trung Quốc và Philippines từng tổ chức nhiều cuộc tham vấn về việc xử lý ổn thỏa các tranh chấp trên biển, đạt được một loạt nhận thức chung.
Đồng thời, hai nước đã xác nhận nhiều lần trong các văn kiện giữa hai bên.
Sau khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền, Philippines không những chỉ còn biết đến Tòa Trọng tài mà còn quan tâm hơn đến hợp tác, quan hệ Trung Quốc-Philippines và các hợp tác liên quan được thúc đẩy thuận lợi.
Điều kiện thứ hai là Trung Quốc và Philippines đều muốn cấm các hoạt động khai thác đơn phương, đồng thời nhất trí có những dàn xếp tạm thời mà không ảnh hưởng đến chủ trương của từng bên.
Chính quyền Duterte không còn tích cực thúc đẩy đơn phương khai thác. Cựu Ngoại trưởng Philippines, Cayetano còn công khai nói rằng không bên nào được đơn phương khai thác.
Trong thời gian diễn ra vụ kiện lên Tòa Trọng tài về Biển Đông, dường như tất cả các cơ chế đối thoại cấp cao giữa hai nước đều rơi vào đình trệ.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, Philippines tích cực thảo luận và thiết lập cơ chế đối thoại với Trung Quốc. [3]
Trong cơ chế tham vấn Trung Quốc-Philippines về vấn đề Biển Đông do nhà lãnh đạo của hai nước khởi xướng, có cả nội dung triển khai nghiên cứu thảo luận về hợp tác thiết thực trên biển. Điều này trên thực tế cũng là biểu hiện của sự dàn xếp tạm thời.
Không ít học giả Philippnes đã bày tỏ sự ủng hộ khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyên gia phân tích về an ninh và ngoại giao châu Á-Thái Bình Dương, Lucio Blanco cho rằng cùng khai thác không liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước hiện nay trên biển. [4]
Tóm lại, hiện nay chính quyền Philippines của Tổng thống Duterte có thái độ tương đối tích cực đối với kế hoạch cùng khai thác, chỉ cần cục diện chính trị Philippines tương đối ổn định, việc Trung Quốc và Philippines cùng khai thác ở Biển Đông có thể giành được những tiến triển mang tính đột phá.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://news.abs-cbn.com/news/08/08/18/ph-faces-security-challenges-in-joint-exploration-with-china-analyst
[2] https://thediplomat.com/2019/02/chinas-creeping-south-china-sea-challenge-in-the-spotlight-with-new-facility/
[3] https://www.rappler.com/nation/198600-alan-peter-cayetano-beijing-joint-exploration-west-philippine-sea
[4] https://www.chinausfocus.com/author/78/lucio-blanco-pitlo-iii.html