Theo báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN tháng 02/2014 của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách tháng 2 ước đạt 49.600 tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 129.870 tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ của năm 2013.
Chi ngân sách vượt thu 16.110 tỷ đồng
Tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 65.710 tỷ đồng; luỹ kế chi 2 tháng ước đạt 150.070 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 14,3% dự toán, bằng 99,4% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ đạt 15,9% dự toán, bằng 105,5% so với cùng kỳ; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước đạt 15,3% dự toán, bằng 105,2% so với cùng kỳ.
Các nhiệm vụ chi NSNN được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.
Ảnh minh họa |
Tính đến ngày 26/2/2014 đã thực hiện phát hành được 51.889 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng 17,5% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014.
CPI có mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1/2014, đây là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ của một số năm trước; tính chung 2 tháng CPI tăng 1,24% so với tháng 12/2013.
Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá được giữ ổn định; riêng giá xăng có điều chỉnh tăng 300 đồng/lít (ngày 21/2/2014) nhưng tác động tới chỉ số CPI tháng 2 không đáng kể mà sẽ được phản ánh trong CPI của các tháng sau.
Trị giá xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 1 và tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá nhập khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD tăng 7,8% so với tháng 1, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với xăng, dầu
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành;
Chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít), ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với các mặt hàng dầu hỏa, dầu madut;
Chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá cơ sở và quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, nhưng tối đa không cao hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở.
Thành lập 5 đoàn thanh tra tại 5 công ty sữa
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, TP tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn (văn bản số 2200/BTC-QLG ngày 21/2/2014);
Phối hợp Bộ Công thương tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, kê khai giá và điều chỉnh giá các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của 4 doanh nghiệp; trên cơ sở đó đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giải trình nguyên nhân tăng giá và chưa được tăng giá sữa.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa vẫn tăng giá bán sản phẩm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thành lập 5 đoàn thanh tại 5 công ty sữa.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải pháp miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế TNCN), thuế TNDN đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định.
Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 để chỉ đạo xử lý kịp thời.